MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tư nhân đầu tiên có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng

22-07-2022 - 09:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng tư nhân đầu tiên có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng

Với lãi sau thuế đạt gần 11.500 tỷ trong nửa đầu năm, vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đã tăng lên hơn 100.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 vừa được công bố, đến cuối tháng 6/2022, vốn chủ sở hữu của ngân hàng Techcombank đã đạt 104.472 tỷ đồng, tăng 11.431 tỷ so với đầu năm. Đây là ngân hàng tư nhân đầu tiên có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng.

Trước Techcombank, một ngân hàng có vốn chi phối của Nhà nước là Vietcombank cũng đã vượt con số này vào cuối năm 2021. Đến cuối quý 1/2022, vốn chủ sở của Vietcombank tiếp tục tăng lên 117.077 tỷ đồng.

Ngoài hai ngân hàng trên, dự kiến VietinBank cũng sẽ cán mốc 100.000 tỷ về vốn chủ sở hữu vào cuối tháng 6 năm nay. Theo báo cáo tài chính, cuối quý 1/2022, vốn chủ sở hữu của Vietinbank đã đạt 98.296 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác cũng đang tiến sát mốc này là VPBank khi cuối tháng 3/2022, vốn chủ sở hữu đã đạt hơn 95.200 tỷ đồng.

Về Techcombank, trong cơ cấu vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng đã lên mức 58.758 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Techcombank là 35.585 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm và dự kiến trong năm 2022 cũng chỉ tăng nhẹ 63 tỷ đồng sau khi ngân hàng phát hành cổ phiếu ESOP. Techcombank không có kế hoạch dùng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank từng nhiều lần nhấn mạnh về tiềm lực của ngân hàng khi nhìn vào vốn chủ sở hữu. Ông cho rằng, đây mới là con số thực sự quan trọng trong hoạt động ngân hàng, trong khi vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa tại một số văn bản pháp lý. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu chứ không phải vốn điều lệ, ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh.

Đó cũng là lý do mà Techcombank đứng ngoài cuộc đua chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trong 2 năm gần đây. Theo Chủ tịch Techcombank, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này với Techcombank là không cần thiết.

Theo báo cáo tài chính, vốn chủ sở hữu của Techcombank tăng mạnh trong nửa đầu năm là nhờ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng khả quan.

Quý 2/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 7.321 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của Techcombank đạt 14.106,5 tỷ đồng, tăng 22,3%. Lãi sau thuế của nửa đầu năm đạt 11.494 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng chính của Techcombank đến từ thu nhập lãi thuần tăng 25% và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 39%. Ngoài ra, chi phí dự phòng của ngân hàng giảm 56% so với cùng kỳ xuống 635 tỷ đồng trong nửa đầu năm, do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi, dẫn đến một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối kém khả quan khi chỉ có lãi 1 tỷ đồng nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt lãi 166 tỷ đồng. Ngoài ra, do thị trường trái phiếu, cổ phiếu kém sôi động, hoạt động mua bán chứng khoán của ngân hàng chỉ có lãi 127 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 1.362 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2021. 

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản Techcombank đạt 623,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý 2/2022 đạt 421,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021.

Tại thời điểm 30/6/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn của Techcombank ở mức 32,0%, và tỷ lệ cho vay trên huy động vốn (LDR) tăng lên 78,8%. Cả hai chỉ số đều thấp hơn so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. 

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tăng lên 15,7% cuối quý 2 năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và mức 15,1% tại thời điểm 31/3/2022.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2 năm 2022 ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 171,6%.

Techcombank là ngân hàng có thế mạnh về chi phí vốn thấp trong hệ thống. Cuối tháng 6/2022, tiền gửi khách hàng tại Techcombank là 321,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,2% từ đầu năm. Tiền gửi không kỳ hạn chiếm 47,5% trong tổng tiền gửi, thuộc top dẫn đầu trong hệ thống như

Nhà băng này cũng dẫn đầu trong tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ nước ngoài. Mới đây, Techcombank đã hoàn tất huy động khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD, là khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế.

Theo kế hoạch kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua, năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với thực hiện năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1,5%.

Như vậy, trong 2 quý đầu năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành được 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

https://cafef.vn/ngan-hang-tu-nhan-dau-tien-co-von-chu-so-huu-vuot-100000-ty-dong-20220721172613681.chn

Thu Thủy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên