Ngân hàng tuần qua: NHNN yêu cầu giảm thêm lãi suất, tỷ giá nổi sóng, cổ phiếu lao dốc
Tuần qua ghi nhận một loạt thông tin đáng chú ý về diễn biến tỷ giá, lãi suất và biến động của cổ phiếu ngành ngân hàng.
- 19-08-2023Lãi suất ngày 19/8 tiếp tục giảm: Một ngân hàng tư nhân đưa mức cao nhất xuống 5,9%, nhà băng ngoại cũng tham gia
- 18-08-2023Chính phủ yêu cầu NHNN thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tiếp tục hạ lãi suất cho vay
- 17-08-2023Tỷ giá USD ngày 17/8 đồng loạt quay đầu hạ nhiệt
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%
Ngân hàng Nhà nước tuần qua đã có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động
Trong tuần qua, nhiều ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, ACB, Sacombank, Eximbank,…đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Bên cạnh đó cũng có nhiều ngân hàng nhỏ cũng tiếp tục giảm lãi suất như NCB, BacABank, VỉetABank,…
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước và 4 ngân hàng nước ngoài vào sáng ngày 19/8 cho thấy, mức lãi suất huy động cao nhất đang được niêm yết là 8,3%/năm. Theo đó, mức lãi suất này đang được Ngân hàng Đông Á áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 1 tỷ trở lên.
Các ngân hàng tư nhân nhỏ hầu hết đang niêm yết lãi suất cao nhất trong khoảng 6,9 – 7,4%/năm.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, mức lãi suất cao nhất chủ yếu dao động trong khoảng 6,2 – 6,9%/năm như: SHB (6,9%), VPBank (6,8%), Sacombank (6,5%), MB (6,6%), Techombank (6,3%), ACB (6,2%).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất tiền cao nhất là 6,3%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trong bối cảnh nhóm ngân hàng tư nhân liên tục điều chỉnh giảm, Big 4 không còn là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất thị trường. Chẳng hạn như Eximbank có lãi suất cao nhất chỉ 5,9%/năm; hay như ACB với lãi suất huy động cao nhất chỉ 6,2%/năm.
Tỷ giá bất ngờ nổi sóng
Tỷ giá đã bất ngờ tăng nóng trong tuần qua khi tỷ giá trung tâm ngày 17/8 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.951 VND/USD, tăng 114 đồng so với cuối tuần trước.
Cùng với việc tăng mạnh tỷ giá trung tâm, NHNN cũng tăng giá bán USD tại Sở giao dịch lên 25.098 đồng/USD và giữ nguyên giá mua ở mức 23.400 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên giá bán USD can thiệp của Nhà điều hành vượt mốc 25.000 đồng, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức giá trần mà các ngân hàng được phép giao dịch.
Trên thị trường ngân hàng, giá bán USD có lúc chạm ngưỡng 24.200 đồng vào sáng 16/8, mức cao nhất kể từ đầu năm.
Giá USD đã hạ nhiệt nhanh chóng về cuối tuần khi tỷ giá trung tâm đã được NHNN giảm 5 đồng xuống còn 23.946 VND/USD. Tuy vậy, so với cuối tuần trước (11/8), tỷ giá trung tâm vẫn tăng tới 109 đồng.
Tại các ngân hàng, giá USD cũng quay đầu giảm nhanh, kết tuần ở mức quanh 23.600 – 24.650 đồng ở chiều mua vào 24.950 - 24.020 đồng ở chiều bán ra, chỉ còn tăng khoảng 50 – 70 đồng so với cuối tuần trước.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp rà soát 2 Thông tư của Ngân hàng nhà nước
Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp,… đã trao đổi cụ thể với các hiệp hội, doanh nghiệp về các nội dung nêu trên; cho rằng đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ ngành lắng nghe ý kiến từ thị trường, từ doanh nghiệp, đánh giá kỹ các tác động để "tìm ra những điểm cân bằng" và có những biện pháp phù hợp vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội đã rất cầu thị, trao đổi thẳng thắn để làm rõ bản chất vấn đề cần xử lý.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước có 2 chức năng rất quan trọng. Một là điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hai là, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây là việc rất khó, đòi hỏi phải có sự kết hợp các giải pháp hài hòa, linh hoạt, hiệu quả.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả cả về hành chính lẫn xây dựng chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN.
Sau khi ban hành 2 thông tư trên, có nhiều nội dung được đánh giá cao. Tuy nhiên cũng còn những nội dung các doanh nghiệp, hiệp hội có ý kiến. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao cũng như tình hình thực tế,… nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện hiện nay.
Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng giảm giá
Cùng xu hướng với thị trường chung, cổ phiếu ngân hàng tuần qua "chìm" trong sắc đỏ với toàn bộ 27 mã giảm giá.
Trong đó, SSB là mã giảm mạnh nhất khi mất 9,7% với 4 phiên giảm và một phiên đứng tham chiếu. Xếp sau SSB lần lượt là OCB (-8,1%), NVB và MSB (- 7,6%).
Các cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn như VPB, SHB, BID, ACB, MBB, CTG cũng đều giảm 4 - 7%.
Trong khi đó, VCB – cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường - chỉ điều chỉnh nhẹ 1%. Đây cũng là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng giá trong phiên thị trường giảm hơn 50 điểm.
Tuần qua có hơn 1 tỷ cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch đạt 23.110 tỷ đồng.
Trong đó, STB dẫn đầu về thanh khoản toàn ngành với giá trị giao dịch hơn 4.500 tỷ đồng, tương đương so với tuần trước và bỏ xa mã đứng kế sau là VPB (2.927 tỷ đồng)
Nhịp sống Thị trường