Ngân hàng và Doanh nghiệp: Đồng sàng dị mộng
Không thể phủ nhận những nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của ngân hàng. Nước lên thuyền lên. Vậy tại sao trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này vẫn tồn tại nhiều khúc mắc. Phải chăng do “đồng sàng dị mộng”?
- 09-06-2017Tại sao lại bắt phải chuyển tài khoản ngân hàng?
- 08-06-2017Một ngân hàng châu Âu vừa được bán với giá...1 Euro
- 07-06-2017ĐBQH: Chỉ rõ ngân hàng nào nợ xấu cao nhất, xử nghiêm lãnh đạo gây nợ xấu
Kinh doanh phải có lợi! Đó là tiêu chí không của riêng ai. Trong mối quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp nếu đảm bảo được yếu tố đôi bên cùng có lợi mọi việc sẽ trở nên dễ dàng. Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cũng chỉ trong chừng mực nào đó và chính từ yếu tố này nảy sinh những khúc mắc.
Ngân hàng đã và sẽ làm gì cho doanh nghiệp?
Mối quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp (NH - DN) được nhắc đến nhiều nhất, nổi bật hơn cả là thông qua Chương trình kết nối NH - DN, triển khai thí điểm ở TP.HCM từ giữa năm 2012, nay đã được nhân rộng ra cả nước. NHNN rất sát sao trong chỉ đạo chương trình này. Kết quả của chương trình rất khả quan, con số được lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM đưa ra tại buổi sơ kết cho thấy, kết thúc năm 2016, chương trình đã cho 21.914 khách hàng vay tổng số tiền là 281.216 tỷ đồng.
Trong đó giải ngân gói tín dụng cho 7.772 khách hàng là 227.708 tỷ đồng; cho vay theo hình thức tổ chức lễ ký kết cho 14.142 khách hàng với 53.508 tỷ đồng… Đây là mức cho vay và giải ngân kỷ lục, bằng với con số giải ngân chương trình của bốn năm qua. Phát huy kết quả đã đạt được, ngày 30/3/2017 NHNN đã có công văn số 2174/NHNN-VP yêu cầu giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai Chương trình kết nối NH-DN.
Năm nay, các tổ chức tín dụng sẽ tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp; doanh nghiệp khởi nghiệp... Ở TP.HCM đã có 16 đơn vị của 15 ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ với tổng số tiền 241.101 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 7%/năm và cho vay trung dài hạn từ 8 - 10%/năm.
Cùng với chương trình lớn này, các tổ chức tín dụng còn triển khai nhiều chương trình khác như: chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Và rất nhiều chương trình tín dụng được triển khai khi có sự cố, biến động lớn trong nền kinh tế như: cho vay doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, cho vay khắc phục rủi ro, sự cố môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo… và gần đây nhất có ngân hàng còn tham gia “giải cứu” cả thịt lợn.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp trong mối quan hệ với lợi ích của mình. Ngân hàng đảm bảo cung ứng khoảng 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế. Tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng khoảng 80%, trong đó tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
“Nối” nhiều nhưng thiếu "kết"?
Sơ đẳng nhất trong xét cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại là dựa trên tiêu chí sổ tay tín dụng. Ngoài những tiêu chí chung mỗi ngân hàng sẽ có những quy định riêng và với mỗi khách hàng lại có chính sách, hạn mức tín dụng riêng... Doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn là có cơ sở. Nhưng khó không phải với tất cả, bởi nếu thế thì ngân hàng “sống” với ai? Thực tế ngân hàng cũng chỉ là doanh nghiệp nên họ cũng có chính sách bán hàng, chăm sóc khách hàng… Và như bất kỳ doanh nghiệp nào khác họ cũng phải chịu sức ép cạnh tranh trên thương trường. Nói như vậy để thấy, doanh nghiệp cần ngân hàng và ngân hàng cũng rất cần doanh nghiệp. Vậy vấn đề nằm ở đâu?.
Tạm chia doanh nghiệp thành hai nhóm: nhóm ngân hàng muốn cho vay và nhóm cần xem xét khi cho vay. Với nhóm thứ nhất, những doanh nghiệp tốt được ngân hàng săn đón, thì đôi khi chính sự săn đón này khiến doanh nghiệp… khó xử. “Mỗi ngân hàng anh vay một ít. Sông có khúc, người có lúc. Chẳng may gặp khó khăn còn có nơi mà gõ cửa…”, đó là tâm sự của chủ một doanh nghiệp lớn đang ăn nên làm ra. Và không ít doanh nghiệp có chung cách nghĩ này. Về phía mình, ngân hàng cũng giảm thiểu rủi ro bằng nhiều cách. Ví dụ, với những dự án lớn để giảm rủi ro ngân hàng sẽ chọn cho vay hợp vốn (nhiều ngân hàng cho vay một dự án). Như vậy có thể thấy hai bên đều cần nhau, nhưng luôn giữ cho mình đường lui, chứ không “sống chết” vì nhau.
Với nhóm thứ hai, không phải ngân hàng không cần, nhưng đối tượng khách hàng này phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Có không ít doanh nghiệp tay không bắt giặc, sản xuất kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vốn đi vay nên có tâm lý cứ vay được là vay, cứ xin được ưu đãi là xin…Điều này giải thích tại sao họ luôn kêu khó khi tiếp cận vốn tín dụng.
Trong kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội đang xem xét dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại phiên thảo luận tại hội trường hôm 22/5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu cứ bắt ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp theo mệnh lệnh hành chính là không khả thi.
Trên thực tế doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; phương án, dự án kinh doanh không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính, kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu…Muốn tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải khắc phục được những nhược điểm trên. Dự thảo luật có quy định các tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác. Ngành ngân hàng có Trung tâm thông tin tín dụng. Qua lịch sử quan hệ tín dụng của doanh nghiệp, các ngân hàng đánh giá, xếp hạng khách hàng cho riêng mình. Song việc xếp hạng tín nhiệm cũng chỉ mang tính tương đối và chỉ để tham khảo.
Xét cho cùng trong mối quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp, nếu không đảm bảo được yếu tố đôi bên cùng có lợi thì rất khó để duy trì, phát triển. Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cũng chỉ trong chừng mực nào đó. Trong kinh doanh ai cũng phải vì lợi ích của mình. Vì thế “đồng sàng dị mộng” cũng là chuyện dễ hiểu.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các dự án hiệu quả; các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ cao; doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch; doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đổi mới cách thức cấp tín dụng theo hướng có sự chọn lọc ưu tiên phân loại doanh nghiệp góp phần vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất.
Diễn đàn doanh nghiệp