MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng, vì sao chưa có gói hỗ trợ tương xứng?

04-08-2021 - 06:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau cam kết hạ lãi vay của 16 tổ chức tín dụng, đến nay ngành chưa thực sự có gói nào được đánh giá tương xứng quy mô, vai trò huyết mạch và “chia sẻ cao” với doanh nghiệp, người dân.

Ngân hàng là một trong số ít những ngành ăn nên làm ra nhất trong đại dịch COVID -19, xét trên mức độ công bố tăng trưởng lợi nhuận 2020 và 6 tháng đầu 2021.

Giảm lãi nhỏ giọt

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần hạ lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019 trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1-2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm.

Ngân hàng, vì sao chưa có gói hỗ trợ tương xứng? - Ảnh 1.

Để giảm phí giao dịch ATM, chuyển tiền cho người dân trong mùa dịch, NHNN phải chỉ đạo và có giải pháp "bù trừ", giảm trước từ tổ chức NAPAS

Vẫn theo NHNN, năm 2020, ngành thực hiện hiệu quả các chương trình theo Thông tư 01/2020 về cơ cấu nợ, khoanh nợ, giãn nợ… Qua đó, đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân.

6 tháng đầu 2021, COVID-19 với làn sóng thứ tư kéo dài đã đánh úp nốt sức khỏe tài chính và tâm lý của cả doanh nghiệp, người dân, sau đà phục hồi ngắn của giai đoạn Việt kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn “im hơi lặng tiếng” về kế hoạch hỗ trợ mới, so với 2020, bao gồm kéo dài việc sửa đổi Thông tư 01/2020; cho đến đầu tháng 4/2021 mới có thể ban hành Thông tư mới. Nội dung của Thông tư 03/2021 với các quy định đáng chú ý về cơ cấu nợ, giãn lộ trình trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng trong 3 năm tới 2023, được cho là giúp các ngân hàng “dễ thở” trong xử lý nợ xấu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm áp lực về các khoản nợ được cơ cấu lại theo quy định có thời gian đến hết năm.

Đến tháng 7/2021, 16 tổ chức tín dụng (TCTD) trong đó gồm hầu hết các ngân hàng thuộc danh sách 17 TCTD tín dụng có tầm quan trọng trong hệ thống theo NHNN xác định, đã họp bàn đưa ra một cam kết là: Hy sinh lợi nhuận để giảm lãi vay cho doanh nghiệp.

Theo đó, các ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận cụ thể lượng hóa theo số lượng cụ thể đối tượng được giảm lãi vay. Mức giảm tùy thuộc năng lực cân đối của các ngân hàng, không cào bằng cho mọi đối tượng. Các TCTD cũng không có hỗ trợ nào về mặt chính sách điều hành, hoặc có, sẽ chỉ trên một số điều như các kiến nghị “thưởng quà” về tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, đâu đó có thể là các hỗ trợ thanh khoản, tái cấp vốn, như trường hợp đặc biệt tái cấp vốn lãi suất 0% cho 3 ngân hàng triển khai cho vay với Vietnam Airlines.

Việc các ngân hàng chỉ cam kết hy sinh lợi nhuận nhưng không có gói hỗ trợ nào cụ thể của toàn ngành, được giới chuyên môn đánh giá là một sự “chia sẻ” chưa tới với người dân và doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, năm 2020, dưới sức ép của việc hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng đã giảm thấp tối đa lãi suất huy động, song lãi suất cho vay thì lại chưa giảm được bao nhiêu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi còn ở cương vị Thủ tướng Chính phủ vào cuối 2020, đánh giá: “Mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các TCTD đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa”. Câu hỏi được nhà lãnh đạo quốc gia đặt ra cho các lãnh đạo ngân hàng rằng là "năm nay ông chia sẻ với người dân thế nào, ông giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu".

Có áp lực, có sự điều chỉnh từ chính sách nhưng lãi vay vẫn chưa giảm như kỳ vọng; vậy việc giảm lãi vay nếu chỉ dựa trên cam kết và tinh thần “hy sinh lợi nhuận” công bố rầm rộ theo các chương trình của từng ngân hàng, trong thực tế thì sẽ khả thi bao nhiêu?

Nhiều giải pháp hỗ trợ khác, vì sao chưa thể?

Ngoài mong đợi ngành ngân hàng giảm sâu lãi vay, nhiều doanh nghiệp cho biết thực tế việc cơ cấu giãn, hoãn nợ giúp họ giảm lực tài chính trong thời gian khó khăn, đó đã là “rất quý”, nhưng sau đó vẫn sẽ phải trả nợ đủ, đúng thời gian vay các khoản gốc, lãi, “không bớt một đồng”.

Ngân hàng, vì sao chưa có gói hỗ trợ tương xứng? - Ảnh 2.

"Nếu bạn thiếu hãy lấy một phần, nếu bạn đủ xin nhường cho người khác" - Thông điệp yêu thương chia sẻ từ các ATM gạo tự phát của các tổ chức, người dân quyên góp theo sáng kiến của một doanh nghiệp trong mùa dịch

Chưa nói chuyện giảm lãi, các khoản phí dịch vụ khác của ngành ngân hàng cũng được phản ánh không “giảm một cắc”, ngoại trừ những giao dịch chuyển khoản ủng hộ các tổ chức như Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ, Quỹ vaccine phòng chống COVID-19…  Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng công bố giảm một số khoản phí dịch vụ cho doanh nghiệp, cá nhân… nhưng thông thường phải đi kèm điều kiện hoặc sử dụng các gói dịch vụ do ngân hàng đặt ra trong đó có bán nhiều sản phẩm khác hoặc bán chéo như bancassurance, giúp ngân hàng tăng tiền gửi không kì hạn (CASA) qua tỷ lệ tiền bắt buộc cố định phải giữ không rút trong tài khoản khi tham gia gói...

Ngày 30/7, NHNN đã chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Theo đó từ ngày 1-8 đến 31-12, NAPAS giảm 50% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch trên ATM, giảm tối thiểu 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 so với mức phí đang áp dụng.

Trên cơ sở mức phí mà NAPAS điều chỉnh, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua NAPAS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng. Mức giảm phí tối thiểu bằng mức phí mà NAPAS giảm.

NHNN khuyến khích các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm phí lớn hơn mức giảm phí của NAPAS, trong đó đối với các trường hợp đang áp dụng chính sách miễn phí đề nghị tiếp tục thực hiện. Thời gian thực hiện tối thiểu từ hôm nay 1-8 đến hết ngày 31-12.

Như vậy có thể thấy rõ là trong suốt 7 tháng qua, khi NHNN không chỉ đạo, các TCTD cũng không ai tiên phong “hy sinh lợi nhuận” để giảm loại phí giao dịch phổ biến mà doanh nghiệp, người dân sử dụng nhiều nhất và đặc biệt có ý nghĩa hỗ trợ nhiều nhất khi thanh toán online tăng nhanh trong các giai đoạn giãn cách. Ngay cả việc để các TCTD điều chỉnh mức phí hỗ trợ dân giữa lúc dịch căng thẳng hiện nay, NHNN cũng phải đạo “tổ chức nguồn” thuộc cơ quan Nhà nước quản lý, sở hữu vốn, giảm phí trước, qua đó các nhà băng "không mất mát" gì sẽ điều chỉnh phí theo.

Tất nhiên, các ngân hàng, ngoại trừ nhóm Big 4 và nhóm ngân hàng chính sách, đa phần còn lại là ngân hàng thương mại cổ phần do tư nhân góp vốn, chịu trách nhiệm kế hoạch kinh doanh trước cổ đông, họ không thể “so bì” về độ chủ động thực thi nghĩa vụ đóng góp, chia sẻ với nền kinh tế nhanh lẹ có chủ trương như các tổ chức VNPT, Mobilefone, Viettel… Nhưng một chuyên gia đánh giá, trong hệ thống ngân hàng, chỉ riêng Big4 mà NHNN hoặc sở hữu vốn 100% hoặc gần như kiểm soát lợi ích gần tối đa, nhóm này đang được Nhà nước cấp ngân sách tăng vốn và phê duyệt tăng vốn, thì cũng đã chiếm tương đối lớn thị phần tín dụng, đối tượng khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng bán buôn, bán lẻ, với mạng lưới rộng rãi cung cấp các dịch vụ gắn với giao dịch ATM và POS. Chỉ cần họ có "hy sinh lợi nhuận" nhiều hơn một chút mà không cần "chờ" Nhà nước, hoặc triển khai các chương trình hỗ trợ như tinh thần các nhà viễn thông đưa ra với đối tượng bao trùm hơn, gần như không điều kiện, rút ngắn mọi thủ tục xét duyệt phức tạp mà tương thích với những nghiệp vụ, sản phẩm dịch vụ sơ giản của ngân hàng, thì... hiệu quả hỗ trợ theo kỳ vọng đã khác.

Bên cạnh đó, bản thân các ngân hàng nói chung dù trong đại dịch, khi thực thi đảm bảo lưu thông dòng tiền quốc gia, đáp ứng nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp và nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân, lại vẫn đang được hưởng lợi từ chính mỗi hoạt động đó.

Với lợi nhuận ngân hàng hầu hết tăng trưởng 2 chữ số, có ngân hàng tăng bằng nhiều lần so với 2019 và 6 tháng nay tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ 2020; thậm chí nhiều ngân hàng thưởng lớn cho nhân viên trong các dịp lễ, tết, thưởng định kỳ, một số ngân hàng phải cân nhắc giữa việc công bố thông tin lợi nhuận cao hay đề cao yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt dịch. Đây đều những hiện thực không thể phủ nhận.

Đặt những điều đó vào trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp – những người bạn, đối tác của ngân hàng đều đang vô cùng khó khăn, phá sản, đình trệ hoạt động, đời sống người dân khốn khó… do dịch; thì có lẽ ngay cả quan điểm ngân hàng cần “ăn no” để củng cố sức khỏe nhằm “trừ hao” cho rủi ro nợ xấu có thể lớn trong tương lai, cũng cần được xem lại. Hay ngân hàng lãi lớn là theo cơ chế thị trường và chúng ta phải tuân thủ cơ chế đó, càng cần phải xem lại. Chúng ta nhớ rằng ngân hàng đã có 2 giai đoạn tái cơ cấu xử lý nợ xấu vừa qua, và  VAMC đã thành lập nhằm “tiếp sức” cho các ngân hàng trong suốt quá trình. Chính phủ không bỏ "tiền tươi thóc thật" hỗ trợ xử lý nợ xấu ngân hàng nhưng không hề "bỏ bê". Do đó, trong một nền kinh tế, xã hội mà tất cả mọi người, mọi nhà đang gồng mình chống dịch, nhiều nơi đang bữa đói bữa no, còn có ngân hàng phải “ém lãi”, đặt lợi nhuận kếch xù lên đầu… thì đó liệu có thể là "hy sinh" tương xứng”, chuyên gia đánh giá.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên