Ngân hàng Việt đang hé cửa hoán đổi rủi ro
Mối quan hệ giữa người gửi tiền, ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn đang có một phần thay đổi tại Việt Nam...
- 12-02-2019Ngân hàng Việt đang ở đâu trên bảng xếp hạng toàn cầu?
- 10-02-2019Ngân hàng Việt có thể thua ngay trên "sân nhà" sau khi gia nhập CPTPP
- 06-02-2019Ngân hàng Việt chạy đua lì xì… quanh năm
Ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Công ty Chứng khoán Techcom Securities (TCBS) cập nhật diễn biến gần nhất trên thị trường trái phiếu trong nước, cho thấy một xu hướng tiếp tục thể hiện.
Theo cập nhật này, đầu năm 2019, khi mà hoạt động ngân hàng và diễn biến lãi suất huy động VND trên thị trường bước vào mùa cao điểm nhất trong năm, thì một bộ phận dòng tiền cá nhân vẫn gia tăng không ngừng vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Một xu hướng gia tăng
Trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm truyền thống, quen thuộc trên thị trường Việt Nam. Nhưng nó trở nên đáng chú ý khi có những chuyển động mới, ngày càng đậm nét hơn với sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân - khách hàng gửi tiền của ngân hàng thương mại.
Trước đây, tại Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp (ngoại trừ trái phiếu của ngân hàng thương mại) chủ yếu có khách hàng là các ngân hàng thương mại và tổ chức đầu tư, không nhiều khách hàng cá nhân tham gia để định hình một mảng thực sự trong cơ cấu thị trường.
Thế nhưng, khi ngày càng có nhiều người hòa vào dòng chảy này, và họ từng hoặc đang gửi tiền tại ngân hàng thương mại, thì các chuyển động và thay đổi liên quan không còn là truyền thống nữa.
Theo một số dữ liệu cập nhật trong năm 2018, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành vẫn ở mức độ nhỏ. Nhưng xu hướng gia tăng đã và đang thể hiện mạnh. Trong xu hướng này, sự tham gia của khách hàng cá nhân, qua kết nối của ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán hiện nay được xem là những bước đi đầu tiên để hướng tới những quy mô lớn hơn.
Tham khảo tại TCBS, đầu mối nắm tới 81,7% thị phần giao dịch trái phiếu năm 2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, xu hướng gia tăng nói trên thể hiện rõ.
Cụ thể, năm qua công ty này đã phát hành thành công hơn 61.992 tỷ đồng trái phiếu cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, tăng 79% so với tổng khối lượng 34.637 tỷ đạt được trong 2017.
Và cập nhật đến đầu 2019, TCBS đã có 18.587 khách hàng tham gia. Đáng chú ý là họ đến từ 45 tỉnh thành trên cả nước - mức độ phổ cập theo mạng lưới của một ngân hàng thương mại.
Hoán đổi rủi ro
Tương tự như với bảo hiểm, cánh cửa đã hé mở và có xu hướng rộng hơn trong hoạt động phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại.
Vài năm trở lại đây, người có số dư tiền gửi lớn, tại một số ngân hàng thương mại, có thể nhận được lời mời tham gia trái phiếu doanh nghiệp mà họ phân phối, với lãi suất cao hơn.
Như trên, đã và đang có nhiều hơn số người gửi tiền cá nhân gật đầu. Cánh cửa mở ra, bản chất dòng tiền trong hoạt động ngân hàng ở đây đã thay đổi. Các mối quan hệ theo đó cũng thay đổi, rủi ro theo đó cũng hoán đổi.
Tại Việt Nam bao năm nay, ngân hàng thương mại làm trung gian tài chính, nhưng chủ yếu trực tiếp huy động vốn và cho vay. Mối quan hệ giữa người gửi tiền - ngân hàng - doanh nghiệp vay vốn theo truyền thống này đặt ngân hàng ở trọng tâm rủi ro; người gửi tiền cũng tiềm ẩn chịu rủi ro nhưng mức độ không lớn.
Còn với cánh cửa đang hé mở trên, rủi ro hoán đổi. Rủi ro được chuyển sang người gửi tiền - trở thành trái chủ của doanh nghiệp thay vì gửi tiền vào ngân hàng như trước. Ngân hàng tách khỏi rủi ro (nợ xấu) vì không cho vay trực tiếp như trước, mà đơn thuần làm trung gian dịch vụ, thu phí.
Với cánh cửa này, người gửi tiền truyền thống trở thành nhà đầu tư, có lợi ích cao hơn qua lãi suất trái phiếu thường cao hơn đáng kể so với gửi ngân hàng, nhưng họ cũng phải chấp nhận rủi ro cao hơn.
Doanh nghiệp vay vốn có thêm kênh trực tiếp huy động vốn với lãi suất có thể thấp hơn vay ngân hàng. Và nguồn này tách khỏi tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Cảnh cửa đó, sự hoán đổi đó như là những dịch chuyển đầu tiên giữa kênh tín dụng với kênh thị trường vốn, trở nên đáng chú ý khi nó có xu hướng thu hút nhiều hơn khách hàng cá nhân - người gửi tiền tham gia.
Hoán đổi rủi ro, ngân hàng trong vận động này an toàn hơn, có cơ cấu thu dịch vụ tốt hơn, bớt áp lực nợ xấu cùng các sức ép cân đối trong sử dụng vốn khi cho vay như thông thường.
Hướng đi này cũng kích thích dần phát triển thị trường vốn, kênh huy động nguồn trung dài hạn cho doanh nghiệp, trong khi ngân hàng tập trung chức năng chính là đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và tài trợ vốn lưu động.
Vấn đề còn lại là rủi ro hoán đổi sang những người từng là khách hàng gửi tiền của ngân hàng. Họ trở thành những nhà đầu tư. Cơ chế bảo vệ những nhà đầu tư cá nhân này, cùng lượng hàng trái phiếu có từ những doanh nghiệp hoạt động như thế nào, minh bạch đến đâu là tương lai của mức độ hoán đổi.
Trong tương lai đó, cùng với sự lan rộng kênh phân phối tại nhiều tỉnh thành, cánh cửa trên đang có những hướng mở đại chúng hơn, khi mới đây đã có sản phẩm huy động "món lẻ" với đơn vị chục triệu đồng thay vì phải có hàng trăm triệu đồng như trước đây - một hướng mở rộng hơn nữa sức hút khách hàng cá nhân, những người từng và đang gửi tiền tại ngân hàng thương mại.
Vneconomy