Ngân hàng Việt làm ăn thế nào tại nước ngoài?
Nhiều nhà băng đã và tiếp tục có ý định mở thêm PGD, chi nhánh mới hay nâng vốn cho các ngân hàng con ở nước ngoài. Vậy việc kinh doanh ở nước ngoài của ngân hàng Việt có ổn không mà họ vẫn đầu tư?
Theo báo cáo mới đây của Bộ kế hoạch và đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 153,6 triệu USD. Đáng chú ý, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Trong khi gần đây có nhiều ngân hàng ngoại thu hẹp hoạt động hoặc rời khỏi Việt Nam thì các ngân hàng Việt quy mô lớn sau khi có được lợi thế áp đảo sân nhà lại không ngừng mở rộng mạng lưới ra nước ngoài, đặc biệt là những nước lân cận.
Lào và Campuchia là 2 thị trường được ưa chuộng bậc nhất của các ngân hàng Việt. Đây là điều là dễ hiểu khi đây không chỉ là 2 quốc gia láng giềng mà còn có mối quan hệ ngoại giao, thương mại thuận lợi và nhiều điểm tương đồng về văn hóa với Việt Nam. BIDV, Sacombank, SHB, MB, VietinBank và Vietcombank là những ngân hàng đi đầu về việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Nhiều nhà băng đã và tiếp tục có ý định mở thêm PGD, chi nhánh mới hay nâng vốn cho các ngân hàng con ở nước ngoài. Vậy việc kinh doanh ở nước ngoài của các nhà băng Việt đang thế nào mà vẫn đầu tư như vậy?
BIDV là ngân hàng tiên phong trong việc liên doanh, thành lập công ty con, ngân hàng con tại nước ngoài. Nhà băng này hiện có 6 văn phòng đại diện tại nước ngoài, bao gồm Campuchia, Myanmar, Lào, Séc, Đài Loan và Liên bang Nga.
Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt (LVB) là ngân hàng Việt Nam được thành lập đầu tiên tại Lào vào năm 1999 liên doanh giữa BIDV và Ngân hàng ngoại thương Lào Đại chúng (BCEL). LVB có vốn điều lệ 100 triệu USD, trong đó phần góp vốn của BIDV chiếm 65%. Năm 2017, LVB có tổng tài sản đạt trên 1,18 tỷ USD, đứng thứ 4 toàn thị trường, lợi nhuận trước thuế đạt 11,6 triệu USD (~264 tỷ VNĐ). Tuy có tổng tài sản đứng thứ 4 toàn thị trường Lào nhưng quy mô nhân sự toàn hệ thống chỉ có 395 người với 1 hội sở, 6 chi nhánh và 14 PGD, có mặt tại 8/18 tỉnh thành.
Tại Lào, BIDV còn góp vốn tương đương 33,15% tại công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt. Năm 2017, công ty này đạt được 11,2 triệu USD doanh thu phí bảo hiểm, lợi nhuận trước thuế đạt 900 ngàn USD (~20 tỷ VNĐ). BIDV cho biết, công ty đang đứng thứ 2 về doanh thu phí bảo hiểm gốc trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Lào.
Ngoài ra, BIDV hiện còn sở hữu 50% tại Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) và 98,5% vốn điều lệ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC).
VietinBank hiện có 2 chi nhánh tại Đức, 1 văn phòng đại diện tại Myanmar và 1 ngân hàng 100% vốn tại Lào. Năm 2017, VietinBank cho biết, các công ty con và chi nhánh nước ngoài tăng trưởng mạnh với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 560 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2016.
VietinBank Lào là ngân hàng 100% vốn đầu tiên tại nước ngoài của VietinBank và được thành lập cách đây 6 năm. Ngân hàng hoạt động hiệu quả có lãi ngay từ năm đầu tiên thành lập, năm 2012 lợi nhuận trước thuế là 103 ngàn USD, đến năm 2016 VietinBank Lào đạt gần 3 triệu USD và năm 2017 đạt 4,33 triệu USD (97,8 tỷ VNĐ), hoàn thành 103% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đạt hơn 203,6 triệu USD, tăng gần 28,9% so với năm 2016; huy động vốn đạt gần 244 triệu USD, tăng gần 54,4% so với năm 2016.
Năm 2017 VietinBank Lào đã mở chi nhánh mới ở tỉnh Savanakhet. Trong tương lai đẩy mạnh phát triển mạng lưới tại một số tỉnh trọng điểm của Lào như: Bolikhamxay, Luangphabang, Atapu….Đồng thời, tòa nhà trụ sở chính VietinBank Lào sẽ chính thức đi vào hoạt động.
So với BIDV và VietinBank, Vietcombank đi muộn hơn trong việc mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài. Ngân hàng này hiện có 1 văn phòng đại diện tại Singapore, 2 công ty con tại nước ngoài (Công ty Vinafico Hongkong và Công ty chuyển tiền Vietcombank) và 1 ngân hàng con tại Lào mới được thành lập.
Trong đó, công ty tài chính Việt Nam của Vietcombank tại Hồng Kông năm 2017 đem về 12,17 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 44% so với kế hoạch; đây là công ty con do VCB sở hữu 100% với vốn đầu tư là 116 tỷ đồng.
hNăm ngoái, Vietcombank đã được NHNN chấp thuận việc thành lập Ngân hàng 100% vốn Lào.Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, lãnh đạo ngân hàng cho biết quý 2 năm nay sẽ hoàn tất đưa Vietcombank Lào với vốn điều lệ ban đầu là 80 triệu USD đi vào hoạt động. Không chỉ với thị trường quen thuộc với Việt Nam là Lào hay Campuchia, Vietcombank cho biết dự kiến năm 2019 sẽ mở chi nhánh tại Úc và sau đó là mở văn phòng đại diện tại Mỹ.
Bên cạnh 3 "ông lớn" NHTM CP Nhà nước, thị trường Lào và Campuchia cũng thu hút một số ngân hàng lớn trong nhóm tư nhân, nổi bật là Sacombank và SHB.
Sacombank cho biết ngân hàng con tại Campuchia có nguồn thu cải thiện (tăng 9,5%) nhưng trong năm hạch toán bổ sung khoản chi nộp thuế khá lớn khi chuyển lợi nhuận về Việt Nam (690 ngàn USD). Trong năm, Sacombank Campuchia đã thành lập mới chi nhánh Siem Reap, nâng tổng số điểm giao dịch trực thuộc lên thành 9 điểm. Thực tế, kể từ khi bứt phá vào năm 2014 thì Sacombank Cambodia 4 năm trở lại đây có tăng trưởng lợi nhuận không mấy ấn tượng, xoay quanh mức 1,7 triệu USD (38,7 tỷ VNĐ).
Điều tương tự cũng diễn ra tại Sacombank Lào khi từ năm 2013 đến nay lợi nhuận không có sự bứt phá, thậm chí sụt giảm mạnh. Năm 2017, tổng thu nhập của Sacombank Lào tăng 18,9% trong đó thu từ lãi tăng 14,8% và các khoản thu phi tín dụng tăng 36,3%, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt được là 1,37 triệu USD (~31 tỷ VNĐ). Năm 2016, ngân hàng này cũng chỉ đem về 894 nghìn USD (~20 tỷ), thấp hơn nhiều so với mức đạt được hồi năm 2013 (trên 2 triệu USD). Dù vậy, Sacombank vẫn tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ và mở rộng mạng lưới tại đây, trong năm 2017, ngân hàng đã mở thêm chi nhánh mới Savannakhet và nâng cấp CN That Luang. Hiện Sacombank Lào có 1 Hội sở chính và 4 chi nhánh trực phụ thuộc.
Trong khi với những ngân hàng kể trên, nguồn lợi nhuận từ nước ngoài chỉ bằng một góc ở trong nước thì tại SHB, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài đóng góp khá lớn (khoảng 10%). Trong năm 2017, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh tại khu vực nước ngoài của SHB là 192 tỷ đồng, bẳng 10% tổng LNTT của ngân hàng này.
Trong quý 1/2018, LNTT từ nước ngoài của SHB đạt gần 69 tỷ đồng, đóng góp 10% tổng LNTT của ngân hàng và cao hơn nhiều so với mức đạt được của các chi nhánh khu vực miền Trung (53 tỷ).
SHB hiện có một ngân hàng con 100% vốn trực thuộc tại Lào và một ngân hàng con tại Campuchia. Nhà băng này dự kiến sẽ rót vốn, nâng vốn điều lệ của SHB Campuchia từ 50 triệu USD lên 75 triệu USD trong năm nay.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa, không chỉ đón nhận vốn ngoại mà còn thúc đẩy đầu tư ra ngoài lãnh thổ thì việc các định chế tài chính mở rộng hoạt động ra nước ngoài sẽ hỗ trợ rất nhiều không chỉ cho kiều bào mà còn cho các doanh nghiệp Việt kinh doanh ở đây. Tuy nhiên hiện nay, các ngân hàng Việt chủ yếu hiện diện tại thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là các nước láng giềng và dường như còn khá e dè với những thị trường đòi hỏi tính cạnh tranh, sự minh bạch cao như thị trường Âu Mỹ.
Trí Thức Trẻ