MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Việt Nam 2020: Nhận diện các phân khúc và thách thức

25-01-2020 - 17:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2020 tới, nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều thách thức lớn đang đón chờ ngành ngân hàng Việt Nam.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
73 bài viết

Nền tảng củng cố một cách dài hạn

Năm 2019 hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam tiếp tục đạt được những thành quả rất quan trọng. Chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục được cải thiện tiến gần tới chuẩn mực Basel II. Chất lượng tài sản tăng khá ổn định biểu hiện bằng tỷ lệ nợ xấu NPL giảm đều đặn.

Tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn kế toán Việt Nam VAS chỉ còn dưới 2%, tính theo chuẩn quốc tế IAS đã xuống dưới 5%. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt được chỉ tiêu chất lượng tài sản tích cực. Khả năng sinh lời vì vậy tiếp tục được cải thiện đáng kể, tính chung cả hệ thống ROA (lãi ròng trên tổng tài sản) dự kiến đạt 1% và ROE (lãi ròng trên vốn tự có) đạt bình quân 14.5%.

Đây là mức sinh lời bình quân của hệ thống ngân hàng top 4 Đông Nam Á. Thanh khoản của cả hệ thống khá ổn định, tỷ lệ vốn cho vay so với vốn huy động dự kiến đạt 83%. Quản trị ngân hàng có những tiến bộ đáng khích lệ, sự tách bạch giữa quản trị ngân hàng và chủ sở hữu rõ ràng hơn, sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn được giảm thiểu một bước.

Nền tảng công nghệ thông tin được đầu tư và phát triển đáng kể góp phần rất lớn vào phát triển sản phẩm mới (Mobile banking, Internet banking), số hóa ngân hàng, quản lý chất lượng dịch vụ và tiết giảm chi phí hoạt động.

Lần đầu tiên chỉ số chi phí hoạt động trên tổng chi phí của hầu hết các ngân hàng thương mại đã giảm xuống mức 18%, góp phần quan trọng nâng cao khả năng sinh lời một cách ổn định và cho thấy nền tảng tài sản của hệ thống ngân hàng đã được củng cố một cách dài hạn (không mang tính nhất thời). Chỉ số xếp hạng hệ thống ngân hàng thương mại cải tiến tích cực và ổn định.

Dư địa và mục tiêu chính: Chi phí

Bước vào năm mới 2020, hệ thống Ngân hàng Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng tốt trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế được các tổ chức tổ chức tài chính quốc tế dự báo khá cao từ 6,5-6,8% (dự báo cũ 6,3-6,5%), lạm phát bình quân dưới 4% và đặc biệt được đánh giá triển vọng ổn định dài hạn.

Nền tảng tài chính được cải thiện trong vài năm gần đây tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều ngân hàng thương mại tăng vốn tự có kể cả vốn cấp I và vốn cấp II tiệm cận với chuẩn mực Basel II, một số ngân hàng thương mại có khả năng sinh lời cao có thể đạt được chỉ tiêu "đệm tài chính", có khả năng chống chịu rủi ro tốt hơn với các cú sốc từ bên ngoài.

Kinh tế vĩ mô ổn định cũng tạo điều kiện ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt cung tiền và tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ ổn định quanh mức 13-15%/năm. Vì vậy, khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng thương mại không còn phụ thuộc quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng mà phụ thuộc rất lớn vào việc tiết giảm chi phí hoạt động.

Ngân hàng nào đạt được chỉ tiêu chi phí hoạt động trên tổng chi phí dưới 14% sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn và chống chịu rủi ro tốt hơn. Đây là dư địa và cũng là mục tiêu mà các ngân hàng thương mại thông qua đổi mới các chuẩn mực quản trị và đầu tư công nghệ cần hướng tới.

Nhận diện các phân khúc

Một số lĩnh vực tiếp tục có ưu thế mạnh về tín dụng như tài trợ thương mại (xuất nhập khẩu); dịch vụ (du lịch, thương mại, dịch vụ công), dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, dịch vụ vận chuyển logistics, điện nước, xử lý rác, công nghiệp chế biến xuất nhập khẩu và một số sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp xuất khẩu…

Cho vay bất động sản vốn là một thị trường lớn kể cả cho vay phát triển dự án và cho vay mua nhà. Tuy nhiên khu vực này đang có dấu hiệu suy giảm một phần do các quy định kiểm soát của Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước và những sự cố về cam kết lợi nhuận đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, ngoài ra thị trường bất động sản đang có dấu hiệu suy giảm theo chu kỳ kinh tế.

Nhà nước cần có chính sách tín dụng hợp lý cho thị trường bất động sản, tập trung vào nguồn vốn ngân hàng, giảm thiểu đầu tư tự phát vừa tránh rủi ro cho các nhà đầu tư, vừa tập trung nguồn lực tài chính và sử dụng vốn có hiệu quả, được quản trị rủi ro theo chuẩn mực của ngân hàng, đây là thông lệ quốc tế phổ biến nhất và tốt nhất. Các hình thức đầu tư khác như chứng khoán hóa tín dụng bất động sản hay đầu tư tự phát đều có rủi ro lớn cho hệ thống tài chính và nhà đầu tư.

Cho vay tiêu dùng vẫn là kênh hấp thụ vốn triển vọng tích cực và dài hạn, đồng thời cũng là xu thế của ngân hàng thương mại thế giới.

Theo thống kê của Eurofinas, tín dụng ngân hàng của 16 nước thuộc EURO: cho vay tiêu dùng chiếm tới 71% tổng tín dụng, bất động sản và nhà ở chiếm 14%, cho vay sản xuất và thương mại chiếm 15%. Vấn đề cốt lõi của cho vay tiêu dùng là hệ thống cơ sở dữ liệu để lựa chọn khách hàng (hạn mức, lãi suất, kì hạn), để giảm thiểu rủi ro và thu hồi nợ. Đây cũng là lĩnh vực có khả năng số hóa hoạt động nhằm giảm chi phí thông qua các hệ sinh thái tiêu dùng, tín dụng và thanh toán rộng dài nhất

Dịch vụ thanh toán điện tử cũng là cơ hội lớn đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam, so với các nước trong khu vực và đặt biệt so với các nước Đông Bắc Á Việt Nam đã thụt hậu khá xa. Một phần vì Việt Nam chưa có hệ thống thanh toán bù trừ tự động đến tận khách hàng (chỉ mới có thanh toán bù trừ liên Ngân hàng), đơn giản như thanh toán thu phí không dừng đường bộ khách hàng cũng phải nạp tiền vào tài khoản thẻ mới sử dụng được thay vì thanh toán bù trừ ngay lập tức vào tài khoản ngân hàng của khách hàng, đây là sự lạc hậu không chỉ về công nghệ mà cả về phương thức tổ chức hệ thống thanh toán vốn đã có ở các nước phát triển cách nay hơn 20 năm.

Hoạt động kinh doanh trên thị trường tiền tệ cũng có những cơ hội đáng quan tâm trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tính ổn định của cả hệ thống tiền tệ nói chung như cung tiền, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thanh khoản ngân hàng và thị trường tiền tệ liên ngân hàng không tạo ra nhiều cơ hội đầu cơ tăng giá hoặc giảm giá dài hơi (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) nhưng có thể có nhiều cơ hội đầu tư ngắn hạn tùy thuộc vào sự biến động của các yếu tố quốc tế và trong nước, ngắn hạn hàng ngày, hàng tuần và thậm chí một vài tháng với lợi nhuận biến động thấp và ổn định, rủi ro cũng thấp.

So với những năm trước năm 2020 kinh doanh tiền tệ có thể có khó khăn hơn, khó dự đoán và khó ra quyết định hơn. Nhưng thị trường tiền tệ luôn là một thị trường sinh lời tốt nếu dự báo và quyết định đúng.

"Hoán đổi" ngoại tệ và buôn bán ngoại tệ vẫn là kênh sinh lời khả quan trong bối cảnh tiền gửi ngoại tệ lãi suất bằng không, hoạt động thương mại quốc tế khá sôi động và sự bất ổn của thương mại và tiền tệ quốc tế.

Một khu vực khác rất đáng quan tâm đó là trái phiếu Chính phủ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn (đường bộ cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành…) hoặc trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh cho các hạng mục đầu tư này. Đây là một cơ hội đầu tư lớn quan trọng và có thể sinh lời cao ở những kì hạn trung bình. Có rất nhiều yếu tố chưa biết để có thể dự báo mức sinh lời tối thiểu, nhưng chắc chắn đây là những dự án rất có hiệu quả và mức lan tỏa rất lớn để các ngân hàng có kế hoạch chuẩn bị nguồn lực tài chính cho thị trường này.

Thách thức còn khá lớn

Trước hết là thách thức huy động tiền gửi và duy trì thanh khoản luôn là vấn đề của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong nhiều năm qua. Mặc dầu thách thức này được giảm bớt nhờ chính sách tín dụng tương đối cẩn trọng của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn còn những vấn đề khác khá lớn như nợ xấu vẫn khá cao ở một số ngân hàng nhỏ, nhu cầu của Trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp đẩy nhanh đầu tư công và đầu tư các công trình trọng điểm.

Thách thức đầu ra của tín dụng sẽ càng lớn do một số thị trường bị thu hẹp như bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, đánh bắt thủy hải sản, chăn nuôi… Đây là những thị trường có giá trị gia tăng lớn và mức độ lan tỏa khá mạnh.

Sự tụt hậu về công nghệ cả trong đào tạo nhân lực, quản lý và đặc biệt là thanh toán đang làm giảm khả năng sinh lời và sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng đồng thời làm gia tăng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là vấn đề cần có chiến lược nhất quán và bước đi cụ thể từ khâu pháp lý, đến đầu tư, đào tạo và ứng dụng thống nhất trong toàn hệ thống. Những cách làm tự phát, nhỏ lẻ hiện nay ở một số ngân hàng chưa mang lại kết quả thiết thực, nguy cơ bị các tập đoàn nước ngoài thao túng thị trường thanh toán là rất hiện hữu một khi các tập đoàn số hóa và Fintech nhảy vào Việt Nam.

Xử lý nợ xấu vẫn luôn là một thách thức lớn đối với hầu hết các Ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng nhỏ có nợ xấu cũ từ chương trình tái cơ cấu. Nghị quyết 42 của Quốc hội chưa phải là chìa khóa hiện hữu, hàng loạt các thủ tục hành chính pháp lý đang cản trở tiến trình xử lý nợ xấu.

Các ngân hàng thương mại cần thường xuyên rà soát lại các quy định về tín dụng, về xử lý nợ, có giải pháp mạnh dạn đưa nợ xấu không có khả năng thu hồi ra quản lý ngoại bảng hoặc xóa nợ để làm sạch bảng cân đối tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp có phương án kinh doanh mới.

Như vậy nếu kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, nếu chúng ta không tự mình tạo ra các cú sốc tài chính – tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương hoặc Ngân sách, nếu không có những cúc sốc tài chính lớn từ bên ngoài, thì năm 2020 là một năm khá yên bình để các ngân hàng thương mại tập trung hơn vào nâng cao năng lực thể chế, phát triển công nghệ và cải tiến quản trị chuẩn bị cho một chu kì phát triển mới cạnh tranh khốc liệt hơn trong môi trường ngân hàng số.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên