Ngân hàng Việt ở đâu trên bản đồ châu Á
3/4 ngân hàng quốc doanh Việt Nam hạ bậc trong bảng xếp hạng các nhà băng lớn nhất châu Á.
Hai năm trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Triển khai chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội thảo nhằm hiện thực hóa các mục tiêu được Thủ tướng phê duyệt của ngành ngân hàng, lấy năm 2020 và 2025 làm cột mốc.
Một trong những chỉ tiêu được nêu là đến cuối năm 2020, ít nhất 1-2 ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á và trong 5 năm tiếp theo nâng con số này lên 2-3 ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng đặt mục tiêu niêm yết 3-5 ngân hàng trên thị trường chứng khoán nước ngoài đến năm 2025.
Cột mốc 2020 đã đi qua. Mục tiêu của cơ quan đầu ngành ngân hàng vẫn chưa thể thực hiện, dù các chỉ tiêu tài chính của nhiều tổ chức tín dụng đã cải thiện. Theo bảng xếp hạng 500 ngân hàng lớn nhất châu Á của The Asian Banker, không có nhà băng nào của Việt Nam nằm trong top 100 về tổng tài sản, theo số liệu 30/6/2020.
Top 10 ngân hàng lớn nhất trong khu vực bao gồm 6 ngân hàng Trung Quốc và 4 ngân hàng Nhật Bản. Hai nước này cũng dẫn đầu về số lượng ngân hàng trong top 500, chiếm lần lượt 49,5% và 24,7% tổng tài sản của 500 ngân hàng lớn nhất châu Á.
Ngân hàng đứng thứ 100 trong danh sách có tổng tài sản 94,8 tỷ USD, Huanan Bank của Đài Loan.
Trong khi đó, đơn vị xếp hạng cao nhất của ngân hàng Việt Nam là Agribank, dù tăng 6 bậc so với cuối 2019, vẫn đang dừng ở vị trí 136, với tổng tài sản 63,2 tỷ USD, tăng 8,5%. Vị trí tiếp theo là BIDV xếp thứ 138, giảm 1 bậc dù tổng tài sản 62,2 tỷ USD, tăng 3,3%.
Hai vị trí tiếp theo đều đến từ các ngân hàng quốc doanh VietinBank và Vietcombank lần lượt xếp thứ 162 và 168, giảm 9 bậc và 2 bậc so với cuối năm 2019.
Ở nhóm dưới, các ngân hàng thương mại tư nhân đều có bước tiến nhanh trong bảng xếp hạng. Đơn cử, Saigonbank tăng 44 bậc từ vị trí 295 lên 251 với tổng tài sản 25,8 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước. Sacombank cũng tăng 47 bậc lên vị trí 288 với tài sản 20,7 tỷ USD. MB tăng 40 bậc, VPBank tăng 57 bậc, ACB tăng 53 bậc…
Dù trong nửa cuối 2020, tổng tài sản của các ngân hàng Việt Nam tiếp tục tăng nhưng mục tiêu lọt vào top 100 nhà băng có tổng tài sản lớn nhất châu Á vẫn rất xa.
Số liệu tổng tài sản của ngân hàng Việt Nam. Đơn vị: tỷ đồng.
Với quy mô của các ngân hàng quốc doanh, những đơn vị này là nhóm trọng tâm nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu của NHNN. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của các đơn vị này lại chậm hơn so với nhóm ngân hàng tư nhân. Điều này khiến các ngân hàng không thể nâng vị trí trong bảng xếp hạng top 500 châu Á. Nguyên nhân chủ yếu do sự khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ tại nhóm Agribank, BIDV, VietinBank - 3 đơn vị dẫn đầu về tổng tài sản của Việt Nam. Trong khi nhóm tư nhân có nhiều “cửa” để tăng vốn điều lệ, nhóm quốc doanh lại bị hạn chế khi chia cổ tức bằng cổ phiếu và giới hạn về sở hữu tối thiểu của Nhà nước…
Cuối năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015 ngày 13/10/2015 về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nhóm ngân hàng được thêm vào danh sách các lĩnh vực cho phép đầu tư bổ sung vốn Nhà nước, áp dụng với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Điều chỉnh trên là cơ sở pháp lý để VietinBank, Vietcombank và BIDV được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn thặng dư nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao hệ số an toàn vốn.
Cuối năm 2020, Agribank đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 3.500 tỷ đồng từ ngân sách, trong khi VietinBank gần đây được Chính phủ chấp thuận bổ sung vốn Nhà nước gần 7.000 tỷ đồng từ nguồn cổ tức cho cổ đông Nhà nước. Ngân hàng này dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 28,8% từ lợi nhuận sau thuế sau trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Với BIDV, sau khi chào bán 15% cho đối tác KEB Hana, ngân hàng cũng đang có kế hoạch chào bán cổ phiếu và trả cổ tức bằng cổ phiếu. Động thái tương tự cũng diễn ra tại Vietcombank.
Năm 2021 được kỳ vọng là thời gian để các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn điều lệ. |
Trong năm 2021, nhiều ngân hàng có kế hoạch nâng vốn điều lệ. Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research, 16 ngân hàng dự định tăng vốn thêm khoảng 82.700 tỷ đồng, cao hơn 31% so với cùng kỳ, trong đó 61.800 tỷ đồng, qua chia tách cổ phiếu, 18.300 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu và 2.600 tỷ đồng thông qua phát hành ESOP.
Một số nhà băng dự kiến có vốn điều lệ tăng mạnh có thể điểm tới như ABBank tăng 65%, MB lên kế hoạch tăng 40%, VietinBank sẽ tăng chia cổ tức 2017-2019 tỷ lệ 28,8%, dự kiến chi cổ tức 2020 tỷ lệ 12% trong trường hợp đã tăng vốn điều lệ từ cổ tức 2017-2018 hoặc 17% trường hợp chưa hoàn thành. VPBank có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng năm 2022, từ mức 25.300 tỷ đồng hiện nay.
Việc tăng vốn thành công sẽ là cơ sở để các ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tín dụng mà vẫn đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn theo quy định của NHNN, từ đó nâng quy mô tổng tài sản. Dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng mục tiêu một đến hai ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực về tổng tài sản vào năm 2025 theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030 sẽ sớm đạt được.
NDH