MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách bị cắt bớt, nhiều thành phố lớn kêu khó

Đại biểu TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh… đồng loạt kêu khó vì phải tăng tỉ lệ điều tiết nguồn thu về ngân sách trung ương năm 2017.

Đó là diễn biến đáng quan tâm tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 1-11 để thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Làm gì để hết xin - cho?

TP.HCM có hai đại biểu nêu vấn đề này, đó là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) và bà Văn Thị Bạch Tuyết.

Bà Quyết Tâm mở đầu phát biểu bằng những lời khen tặng Chính phủ: Tôi thấy rằng Thủ tướng, Chính phủ trong thời gian ngắn đã điều hành với quyết tâm cao, bước đầu cho thấy sự tác động có hiệu quả đối với phát triển kinh tế đất nước.

“Chính phủ sâu sát với các vấn đề cơ sở, lắng nghe ý kiến của cơ sở, địa phương. Qua đó tạo động lực cho sự phát triển, không chỉ là kinh tế mà còn là chính sách, niềm tin” - bà Tâm nói.

Đối với dự toán chi ngân sách, đại biểu Quyết Tâm nhất trí với Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng phải tái cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng. Đây là vấn đề đã nói nhiều lần nhưng thực hiện chưa hiệu quả.

Ví dụ điển hình là hiệu quả của bộ máy, bởi hiện nay Chính phủ vẫn đánh giá là cồng kềnh, chồng chéo, hiệu quả chưa cao, nhưng vẫn thiếu sự quyết liệt trong cải cách, tinh giản biên chế.

Một vấn đề được bà Quyết Tâm nhấn mạnh nữa là tính minh bạch trong chính sách thời gian qua chưa tốt.

“Tôi đề nghị luật hóa các cơ chế, chính sách để chống tình trạng xin - cho tồn tại nhiều năm nay. Vì sao cơ chế này tồn tại nhiều năm? Chúng ta muốn nó tồn tại hay không muốn nó tồn tại? Nếu chúng ta không muốn nó tồn tại thì chúng ta có đủ quyền năng để làm điều này” - bà nói.

Về tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, đại biểu Quyết Tâm (phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND TP) cho biết Ban thường vụ Thành ủy đã có văn bản đề nghị Bộ Chính trị.

“Trong điều kiện khó khăn thì TP chia sẻ với các địa phương khác, nhưng giảm một lúc 5% là rất lớn (tỉ lệ điều tiết nguồn thu ngân sách được giữ lại của TP giảm từ 23% xuống 18% - NV), sẽ làm khó khăn cho TP.HCM thực hiện các nhiệm vụ mà Đại hội đảng bộ TP đã đề ra” - bà Tâm nói.

Đại biểu Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Quang cũng than dự toán thu năm 2017 của chúng tôi được giao dự toán tăng hơn 28%, giao thu như vây là quá cao.

“Trong khi đó điều tiết về ngân sách trung ương tăng tới 214%, hơn gấp đôi tỉ lệ điều tiết từ năm 2016 trở về trước. Tăng điều tiết quá cao so với nhiều tỉnh, thành khác. Khi tăng điều tiết như vậy, trung ương đang dồn về cho Đà Nẵng quá nhiều khó khăn” - đại biểu Quang nêu.

Ông Quang cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem lại tỉ lệ này, giảm bớt điều tiết để Đà Nẵng có thêm tiền đầu tư. Lý do là Đà Nẵng đầu tư không chỉ cho cư dân Đà Nẵng, mà còn phục vụ chung cho cả vùng, ví dụ như xây ký túc xá cho sinh viên các tỉnh bên ngoài, nhà ở công nhân cho hàng vạn công nhân các tỉnh khác đến làm việc…

Nêu vấn đề tương tự, đại biểu tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hồng cũng cho biết: Tỉ lệ phân chi khoản thu là địa phương 83%, trung ương là 17%. So với giai đoạn trước thì tỉ lệ điều tiết giảm quá lớn, bởi giai đoạn 2011-2015 tỉ lệ điều tiết là 93% và 7%, tức là giai đoạn tới Bắc Ninh bị điều tiết giảm tới 10%.

“Tỉ lệ điều tiết này ảnh hưởng lớn tới các chương trình mục tiêu của Bắc Ninh, như chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, Bắc Ninh thông cảm với những khó khăn của thu ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng khó khăn, thu từ dầu thô giảm. Vì vậy, Bắc Ninh sẽ cố gắng cơ cấu lại các khoản chi để chia sẻ với khó khăn này” - bà Hồng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì?

Được mời giải trình vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết về vấn đề điều tiết ngân sách các địa phương, nhiều đại biểu có ý kiến ở hội trường, trên báo chí trong những ngày qua, họp Chính phủ thì Thủ tướng cũng yêu cầu phải giải thích.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Cổng TTQH

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Cổng TTQH

Đây là vấn đề quan trọng, Hiến pháp và Luật ngân sách nhà nước đã quy định. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cũng đã được quy định rõ. Tỉ lệ điều tiết các khoản thu được phân chia được cơ bản giữ ổn định trong thời kỳ cân đối ngân sách (theo các giai đoạn như 2011-2015; 2016-2020).

Việc tính toán tỉ lệ như trên là dựa trên cơ sở tính toán khả năng cân đối ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. Đất nước có 63 tỉnh, TP với điều kiện địa lý, kinh tế rất khác nhau, thu ngân sách cũng rất khác nhau.

16 địa phương trọng điểm thu chiếm tới hơn 80% thu ngân sách cả nước. Trong khi có những địa phương như Bắc Kạn, tổng thu ngân sách trong năm không bằng số thu một ngày của TP.HCM.

Bộ trưởng “đồng ý với quan điểm đầu tư cho các vùng trọng điểm là “nuôi con gà đẻ trứng vàng”, nhưng cũng phải nghĩ về những vùng khó khăn để giảm khoảng cách phát triển. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ vấn đề này với các địa phương, kể cả các địa phương điều tiết ngân sách về trung ương và các địa phương nhận hỗ trợ ngân sách. Chúng tôi đã cố gắng tối đa để tạo công bằng nhất”.

“Chúng tôi rất chia sẻ với TP.HCM. Việc cắt giảm ngân sách tác động đến nhiệm vụ chi của TP. Do đó chúng tôi rất ủng hộ TP.HCM trong đổi mới, cải cách. Khi phân bổ ngân sách, chúng tôi cũng đã áp dụng cho TP.HCM định mức cao hơn định mức đối với các địa phương khác, ngoài ra hằng năm chúng ta bổ sung có mục tiêu vốn ODA, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác…” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

“Mong TP.HCM và các địa phương có tỉ lệ điều tiết ngân sách về trung ương khác thông cảm với Chính phủ và với 47 địa phương nhận hỗ trợ ngân sách khác” - ông Dũng nói thêm.

Ấn nút xin phát biểu tiếp, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định TP.HCM không xin tiền chi tiêu cho bộ máy, mà đề nghị cơ chế để TP.HCM đầu tư, làm ra của cải phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng cần suy nghĩ là tại sao thời gian qua TP.HCM gặp nhiều điểm nghẽn như kẹt xe, ngập nước…, phải chăng có vấn đề tận thu?

“Chúng tôi không bàn lùi. Một khi Quốc hội, Chính phủ đã quyết định thì TP chỉ bàn cách thực hiện với quyết tâm cao nhất” - bà Tâm nhấn mạnh.

Theo Lê Kiên

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên