MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách cứ tăng thu dựa vào đất, tài nguyên và cổ phần hóa thì đến khi bán hết sẽ tăng thu bằng gì?

Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội diễn ra sáng nay (22/5), nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về câu chuyện ngân sách vượt thu 76,48 nghìn tỷ đồng nhưng ẩn chứa những nguy cơ về nguồn thu.

Ngân sách cứ tăng thu dựa vào đất, tài nguyên và cổ phần hóa thì đến khi bán hết sẽ tăng thu bằng gì? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban bí thư. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ngay trong phần phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Quốc Vượng (Yên Bái) đã chia sẻ băn khoăn của mình về vấn đề thu ngân sách năm 2017 vượt so với dự toán nhưng nguồn thu từ 3 khu vực quan trọng (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh) thấp hơn khá nhiều so với dự toán và thấp hơn số đã báo cáo. "Tôi thấy đây là một dấu hiệu chưa tích cực trong bức tranh tăng trưởng năm 2017.

Trao đổi về chủ đề thu ngân sách, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội phân tích, nguồn thu từ dầu thô vẫn chiếm tỷ trọng tương đối lớn, thu từ thuế giá trị gia tăng và hàng nhập khẩu vẫn tương đối cao trong năm 2017 (cao hơn cả năm 2016).

Ngân sách cứ tăng thu dựa vào đất, tài nguyên và cổ phần hóa thì đến khi bán hết sẽ tăng thu bằng gì? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (giữa): "Ở các nước tiên tiến, nguồn thu từ thuế TNDN và thuế TNCN phải chiếm trên 80% tổng thu ngân sách". Ảnh: Tiến Tuấn.

Khoản thu từ VAT và hàng nhập khẩu lên tới gần 300.000 tỷ đồng, gấp đôi số thu từ doanh nghiệp Nhà nước và 1,5 lần khối FDI. "Theo quan niệm của các nhà kinh tế thì nguồn thu từ xuất nhập khẩu không nên được khuyến khích mà nên từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân. Ở các nước tiên tiến, 2 nguồn này phải chiếm trên 80% tổng nguồn thu của ngân sách", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Chuyên gia này nhận xét thêm, nhìn vào bối cảnh Việt Nam đã tham gia 11 AFTA và đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do khác thì phần lớn thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0%. Do đó, nguồn thu từ xuất nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm mạnh trong thời gian tới và cơ cấu thu ngân sách hiện nay có nhiều rủi ro.

Trao đổi về chủ đề thu ngân sách "tăng mà chưa vui" của đại biểu Trần Quốc Vượng, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) bổ sung ý kiến của đại biểu Kiên: Cả 3 nguồn thu tăng vượt gồm tiền sử dụng đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của DNNN đều là những nguồn sẽ giảm hoặc hết trong những năm tới. "Nếu như không tạo ra nguồn thu nội địa đủ mạnh từ các doanh nghiệp thì ngân sách sẽ khó bền vững", đại biểu đến từ Cao Bằng nhận xét.

Góc nhìn "lạ" về hiệu quả của đầu tư Nhà nước

Ngân sách cứ tăng thu dựa vào đất, tài nguyên và cổ phần hóa thì đến khi bán hết sẽ tăng thu bằng gì? - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh: "Với những dự án kinh tế trọng điểm thì thực ra Nhà nước không cần đầu tư nên để tư nhân làm nhưng cái này Nhà nước lại đang làm rất nhiều". Ảnh: Tiến Tuấn

Trong khi đó đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) lại chia sẻ một góc nhìn khác về vấn đề đầu tư công. Theo đại biểu hiện là Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Chính phủ có chủ trương "Nhà nước chỉ đầu tư vào những gì tư nhân không làm được", nhưng thực tế là chưa dám làm như vậy.

Theo đại biểu này, đầu tư vào những dự án dân sinh sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho người dân nhưng sẽ khó đo đếm được hiệu quả ngay lập tức. "Với những dự án kinh tế trọng điểm thì thực ra Nhà nước không cần đầu tư nên để tư nhân làm nhưng cái này Nhà nước lại đang làm rất nhiều", đại biểu Nguyễn Hoàng Anh nhận xét.

Theo đó, đại biểu này đề xuất Nhà nước nên tập trung đầu tư vào các vấn đề mang tính chiến lược mà tư nhân không thể làm chứ không nên cạnh tranh về hiệu quả với khu vực tư nhân. "Kết quả cuối cùng là nguồn thu về cho ngân sách phải tăng nhiều hơn và đời sống nhân dân phải được cải thiện hơn", đại biểu Nguyễn Hoàng Anh nói.

Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên