Ngân sách sẽ có thêm 10 tỷ usd nếu quyết tâm bán đứt 20 doanh nghiệp “không trọng yếu” này
Con số theo ước tính này của CafeF gấp hơn 3 lần giá trị của lượng cổ phiếu Vinamilk mà nhà nước đang nắm giữ và tương đương 20% dự toán thu ngân sách hàng năm.
Kể từ khi Chính phủ ra quyết định sẽ thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk cách đây 8 tháng, cổ phiếu này đã tăng giá liên tục khiến giá trị phần vốn nhà nước tại đây đã tăng vọt từ 2,4 tỷ lên 3,3 tỷ USD, tương đương 74.000 tỷ đồng.
Mức tăng mạnh mẽ đã nâng giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết mà SCIC đang quản lý có giá trị lên đến xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, tương đương 10% vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài những cổ phiếu trong danh mục của SCIC đã được Chính phủ chấp thuận thoái vốn, tính toán của CafeF cho thấy nhà nước có thể thu về cả trăm nghìn tỷ đồng nữa nếu quyết tâm thoái vốn khỏi những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề mà nhà nước không cần thiết phải nắm giữ cổ phần.
Những doanh nghiệp có giá trị cao mà nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ hiện do các Bộ, Tập đoàn quản lý có thể kể đến như Sabeco, Habeco, VEAM, Vinatex, Viglacera, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL), Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ.
Với ngành nghề kinh doanh chính là dầu khí, nhu cầu nắm giữ cổ phần chi phối của PVN tại 2 nhà máy phân đạm có lẽ không quá cấp thiết. Phần vốn của PVN tại 2 nhà máy này hiện có trị giá hơn 11.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phần vốn tại Bảo hiểm dầu khí PVI Holdings – hiện có trị giá 2.000 tỷ - cũng có thể bán đi.
Các tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Viglacera, Vinatex hoàn toàn cũng có thể bán đi giống như nhiều tổng công ty lớn khác đã được “bán đứt” trong thời gian gần đây như Cienco1, Cienco4, Vinamotor, Gelex, Sowatco…
Một cái tên lạ lẫm nhưng cũng có thể được định giá lên đến cả tỷ đô là Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Hoạt động chính của VEAM là sản xuất động cơ và ô tô tải mang thương hiệu VEAM. Tuy nhiên, trong khi hoạt động chính không có gì đáng kể thì VEAM lại sở hữu khối tài sản cực kỳ giá trị: 30% cổ phần của Honda Việt Nam, 20% cổ phần của Toyota Việt Nam và 25% cổ phần của Ford Việt Nam.
VEAM không có vai trò gì nhiều đối với hoạt động của các liên doanh này ngoại trừ quyền lợi lĩnh cổ tức lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Phần vốn tại các doanh nghiệp bia có thể giá trị hơn cả Vinamilk
Ba doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam gồm Sabeco, Habeco và VBL (công ty con của Heineken sản xuất các thương hiệu Heineken, Tiger, Larue…) đều có cổ phần đáng kể của Nhà nước. Hiện Bộ Công thương nắm cổ phần chi phối tại Sabeco và Habeco, còn Tổng công ty thương mại Sài Gòn – Satra sở hữu 40% VBL.
Theo ước tính của CafeF, nhà nước có thể thu về khoảng 56.000 tỷ đồng nếu “bán đứt” Sabeco và Habeco. Trong khi đó, phần vốn tại VBL có giá trị vào khoảng 25-30.000 tỷ đồng. Một điểm cần phải lưu ý là mặc dù chỉ đứng thứ 2 về thị phần (doanh thu) nhưng lợi nhuận nhiều năm nay của VBL đều lớn hơn tổng lợi nhuận của 2 đối thủ chính cộng lại.
Như vậy tổng giá trị của 3 công ty bia dao động trong khoảng từ 80-85.000 nghìn tỷ - lớn hơn cả giá trị của phần vốn nhà nước tại Vinamilk. Một khi Chính phủ đã có chủ trương bán đi Vinamilk thì có lẽ cũng không có gì phải “lưu luyến” để giữ lại cổ phần tại các công ty bia.
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đang được quản lý khá phân tán bởi rất nhiều bộ ngành, địa phương khác nhau, mỗi khi xin chủ trương thoái vốn hay cổ phần hóa phải qua rất nhiều cấp phê duyệt dẫn đến tiến trình cải cách, đổi mới diễn ra chậm.
Những bất cập này được kỳ vọng sẽ được hạn chế phần nào khi Chính phủ đang có chủ trương trình Quốc hội thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước, được gọi là Ủy ban quản lý vốn, tài sản tại các doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn hoặc nắm cổ phần chi phối - nhóm doanh nghiệp đang quản lý khối tài sản có giá trị hơn 5 triệu tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ