MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách trung ương hụt thu hơn 29.000 tỷ, vậy cơ cấu thu ngân sách tăng trưởng ở đâu?

Ngân sách trung ương hụt thu hơn 29.000 tỷ, vậy cơ cấu thu ngân sách tăng trưởng ở đâu?

Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, cơ cấu thu NSNN năm 2021 đã có điều chỉnh giảm so với dự toán 2020 nhưng NSTW vẫn hụt thu 29,3 nghìn tỷ, trong khi tổng thu ngân sách có tăng trưởng, vậy cơ cấu thu ngân sách tăng trưởng nằm ở đâu?

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính ngân sách về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay các chương trình mục tiêu quốc gia

Để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, đại biểu quan tâm việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Theo đại biểu Vũ Tuấn Anh, đây là các nội dung chiến lược hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phát huy lợi thế các vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tuy nhiên việc triển khai còn rất chậm. Đến giữa tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tại kỳ họp này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn từ 2021 sang 2022 toàn bộ 16.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương đã được Quốc hội quyết định để bố trí cho 3 chương trình mục tiêu. Như vậy, từ nay đến hết năm 2021, sẽ không tiến hành phân bổ, giao kế hoạch vốn và triển khai được các chương trình mục tiêu quốc gia này.

Để đảm bảo mục tiêu đã đề ra, ông Tuấn Anh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay các chương trình, sớm quyết định đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại, sớm ban hành quy định về nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn 3 chương trình, ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn khó khăn; quy định nguyên tắc định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành làm căn cứ để phân bổ vốn, cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện

Thống nhất với việc chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng từ 2021 sang 2022 để tổng nguồn vốn ngân sách trung ương cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022 sẽ là 24.000 tỷ đồng; để đảm bảo kịp thời triển khai các chương trình và cũng để rõ trách nhiệm, tránh hình thức, đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ là Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ phân bổ chi tiết và chịu trách nhiệm cho việc phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Quốc hội và các cơ quan liên quan sẽ giám sát, kiểm tra sau.

NSTƯ hụt thu hơn 29.000 tỷ, vậy cơ cấu thu ngân sách tăng trưởng ở đâu?

Nhấn mạnh, năm 2021, đại dịch Covid-19 có những tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, đến đời sống an sinh xã hội, việc đạt được các kết quả thu chi thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh), về cơ cấu thu NSNN, mặc dù đã có điều chỉnh giảm so với dự toán 2020 nhưng NSTW vẫn hụt thu 29,3 nghìn tỷ, trong khi đó, tổng thu ngân sách có tăng trưởng vậy cơ cấu thu ngân sách tăng trưởng nằm ở đâu?

Đại biểu cho biết, thực tế cho thấy, một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.

“Vậy có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Vì vậy, Chính phủ cần có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Phân bổ nguồn thu chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng?

Về phân bổ thu NSNN từ hoạt động xổ số kiến thiết, theo đại biểu đoàn Hà Tĩnh, Luật ngân sách 2015 quy định sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết được phân bổ 100% vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nguồn thu này lại có sự chênh lệch cơ bản giữa các địa phương và các vùng trong cả nước. Năm 2021, chỉ riêng 19 tỉnh vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ chiếm 84,26% dự toán thu xổ số kiến thiết, còn 15,74% chia cho 44/63 tỉnh, thành còn lại, chưa kể các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn, thì số thu này chiếm chưa đến 1%.

Đại biểu cho rằng, theo định mức phân bổ dự toán hàng năm của Bộ Tài chính từ 2017-2021, nguồn thu dự toán từ hoạt động xổ số kiến thiết được quy định phân bổ cho đầu tư phát triển các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nông thôn mới. Trong đó, lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế các tỉnh miền Bắc, miền Trung Tây Nguyên được bố trí 60% còn Đông Nam bộ và ĐBSCL bố trí 50%.

Cho rằng, nguyên tắc phân bổ ngân sách địa phương phụ thuộc vào nguồn thu của địa phương đó, tuy nhiên, giáo dục, dạy nghề, y tế, là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, thì việc phân bổ nguồn thu như trên theo đại biểu chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Tờ trình 49 của Chính phủ về phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2022, đang dùng thuật ngữ “ưu tiên đầu tư” mà chưa có định mức rõ. Đề nghị Chính phủ có quy định phân bổ đầu tư phát triển đều cho các lĩnh vực giáo dục, y tế trong cả nước.

“Đặc biệt đối với các địa phương có số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết thấp, cần được phân bổ và quy định rõ từ nguồn lực khác để đảm bảo cân đối giữa các địa phương trong cả nước. Quan trọng là định mức phân bổ cần phải quy định cụ thể, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các ngành như trên, vừa đảm bảo đủ để phòng chống dịch”, đại biểu nêu quan điểm./.

Theo PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên