Ngành cá tra nếm "trái đắng" vì phát triển quá nóng
Thời gian qua, diện tích nuôi trồng cá tra ghi nhận sự gia tăng ồ ạt, khiến sản lượng tăng nhanh. Cùng với đó, các thị trường XK chủ lực của cá tra như Trung Quốc, Mỹ ngày càng gia tăng rào cản. Tất cả đang đẩy toàn ngành vào tình cảnh khó khăn chất chồng.
Càng bán càng lỗ
Theo thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Trong tháng 8, giá bán buôn cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL có xu hướng nhích nhẹ khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước, nhưng vẫn còn rất thấp so với giá thành sản xuất của nông dân. Giá dao động trong khoảng 21.500-22.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại là 20.500-21.000 đồng/kg. Lượng bắt của các DN ổn định, nhu cầu chưa cao.
Dù đã nhích lên, song dễ thấy với mức giá bán hiện tại, người nuôi cá tra vẫn đang trong cảnh giá bán dưới giá thành, càng bán càng lỗ. Ông Dương Nghĩa Quốc-Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá: Với mức giá bán như hiện tại, nông dân lỗ ít nhất là 3.000 đồng/kg.
Cá tra là một trong 2 mặt hàng thủy sản XK chủ lực và đã gặt hái thắng lợi không nhỏ trong năm 2018. Vậy tại sao từ đầu năm đến nay, giá cá tra lại rơi vào tình trạng lao đao, thậm chí chạm đáy như vậy? Nhiều quan điểm cho rằng, mấu chốt là bởi những khó khăn đến từ thị trường Trung Quốc và Mỹ. "Nguyên nhân giá giảm là do XK giảm mạnh, đặc biệt là XK sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Ông Quốc phân tích: Gần đây, động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc để thúc đẩy XK và giảm NK đã làm giảm lượng hàng hóa vào thị trường này. Bên cạnh đó, kế hoạch "nội địa hóa" cá tra Trung Quốc cũng đang được Chính phủ nước này khuyến khích và đầu tư. Vì vậy, dù từ nay đến cuối năm, XK cá tra Việt Nam sang Trung Quốc - Hồng Kông (Trung Quốc) dự báo vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không đạt được con số như kỳ vọng.
"Với thị trường Mỹ, dù vẫn đứng thứ 2 trong các thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam nhưng XK cá tra sang thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục giảm trong các tháng tới do nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại. Nguyên nhân giảm sút chủ yếu còn do nhu cầu NK của Mỹ giảm do lượng hàng còn nhiều. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tìm kiếm nguồn NK khác từ Canada, Ấn Độ, Chi lê, Indonesia…", ông Quốc nhấn mạnh.
Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây cũng đưa ra dự báo, 2 quý cuối năm 2019, XK cá tra sang thị trường Mỹ nhiều khả năng còn tiếp tục giảm. Rào cản thương mại và kỹ thuật đang tiếp tục gây trở ngại cho các DN Việt Nam tại thị trường này.
Không chạy theo sản lượng
Xung quanh câu chuyện giá cá tra giảm sút, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá: Với thị trường Trung Quốc, phần lớn là do những đổi thay về phương thức mua bán. Cụ thể là trước đây, Trung Quốc cho phép NK tiểu ngạch nên cá tra Việt Nam đã XK nhiều qua thị trường này. Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc siết chặt NK, yêu cầu hàng phải xuất chính ngạch, cùng những tiêu chuẩn không thấp hơn các nước khu vực châu Âu khiến XK cá tra gặp khó. "Phải mất một thời gian để các DN điều chỉnh, sau đó thị trường sẽ ổn định lại", ông Dũng đánh giá.
Xét về nguyên nhân sâu xa, ông Dũng đặc biệt nhấn mạnh nguồn cung mới là yếu tố chính làm cho giá cá tra giảm. Cụ thể, năm 2018, sản lượng cá tra đã tăng hơn 20% so với năm 2017 và sản lượng này tiếp tục gia tăng trong quý I/2019.
Đồng quan điểm, ông Dương Nghĩa Quốc bày tỏ: Chính sự phát triển quá nóng về diện tích đã đẩy ngành ngành nuôi, chế biến cá tra rơi vào tình trạng bất ổn, khó kiểm soát. Năm 2017 và 2018, XK cá tra thuận lợi, giá cá nguyên liệu tăng cao, người nuôi ồ ạt mở rộng diện tích. Bởi vậy, khi thị trường biến động, sức tiêu thụ giảm thì giá cá giảm là điều khó tránh khỏi.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Mức giá cá xuống đáy chủ yếu rơi vào những trường hợp đào ao tự phát, bán cho thương lái, bị ép giá. Năm 2018, giá cá tra tăng, diện tích trồng lúa không hiệu quả được người dân chuyển đổi sang đào ao nuôi cá tra khá nhiều. Diện tích giống cũng như diện tích nuôi cá tra vì thế tăng lên.
Một số chuyên gia đánh giá, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nuôi, chế biến, XK cá tra hiện nay là thiếu sự liên kết giữa người nuôi và DN, giữa các DN với nhau và cả liên kết vùng. Ngành cá tra vẫn hoạt động theo kiểu "mạnh ai nấy làm" nên không thể kiểm soát được sản lượng, dẫn đến dư thừa khi có biến động.
Ông Dương Nghĩa Quốc nhận định, sự cạnh tranh trên thị trường cá tra ngày càng khốc liệt khi Trung Quốc, Ấn Độ đều đầu tư công nghệ cao để chủ động nuôi cá tra. Cùng với đó, tiêu chuẩn NK cá tra của Trung Quốc đến nay đã không khác tiêu chuẩn của Mỹ hay EU là mấy. Vì vậy, để phát triển ổn định, giữ vững thị trường, không còn cách nào khác, các DN phải đổi mới công nghệ, quản trị DN tốt, không chạy theo sản lượng mà nâng cao chất lượng.
Ông Trần Đình Luân cũng nêu rõ, thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã có những khuyến cáo rõ ràng, thường xuyên tới các địa phương về việc nuôi trồng cá tra đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt. Ngoài ra, mấu chốt vẫn là đẩy mạnh nuôi trồng có sự liên kết chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep): Nửa đầu năm nay, tổng giá trị XK cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm trước. Đáng chú ý, với thị trường lớn là Mỹ, tính đến hết tháng 6, tổng giá trị XK cá tra sang Mỹ chỉ đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6, giá trị XK cá tra sang thị trường này giảm mạnh tới 40,8%. Với thị trường quan trọng khác của cá tra là Trung Quốc-Hồng Kông (Trung Quốc), tình hình cũng không mấy khả quan. 6 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông (Trung Quốc) có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%, chiếm 26,4% tổng giá trị XK cá tra.
Hải quan