Ngành công nghệ được dự báo tăng trưởng cao trong quý 2/2024, cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp 3 từ đầu năm
Theo Agriseco, bước sang Quý 2/2024, cơ hội tìm kiếm các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao dần khan hiếm hơn, yếu tố nền KQKD thấp cùng kỳ sẽ không còn là câu chuyện chính.
- 05-06-2024Khi cổ phiếu ngành công nghệ phá đỉnh 'như một thói quen': Nhiều mã tăng 20%-30% từ đầu tuần, vốn hóa Viettel Global lớn thứ 2 thị trường, FPT vượt Vietinbank, Vingroup, Vinhomes
- 03-06-2024Thêm một công ty công nghệ Việt lập kỷ lục vốn hóa mới, cổ phiếu tăng 70% chỉ sau gần hai tháng
- 03-06-2024Dù công ty lỗ 3.800 tỷ trong 2 năm, CBNV 1 tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam sắp được mua số cổ phiếu trị giá 330 tỷ với giá chỉ 19 tỷ đồng
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định lợi nhuận thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong Quý 2/2024. Agriseco Research đã lựa chọn ra 6 nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng kết quả kinh doanh cao trong Quý 2/2024, xếp theo thứ tự kỳ vọng tăng trưởng từ cao xuống thấp như sau: Bán lẻ; Thép; Xuất khẩu; Xây dựng; Công nghệ thông tin – Viễn thông và Dầu khí.
Đối với nhóm Công nghệ thông tin - viễn thông, theo Agriseco Research, ngành Công nghệ thông tin kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trên 15%. Xu hướng phát triển AI, BigData, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Các doanh nghiệp CNTT kỳ vọng được hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.
Động lực tăng trưởng cho ngành CNTT trong Quý 2/2024 đến từ các yếu tố:
Xuất khẩu phần mềm duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ các thị trường nước ngoài gia tăng nhu cầu chuyển đổi số trong đó có thị trường Nhật Bản và APAC (Châu Á - Thái Bình Dương).
Ngành công nghệ thông tin trong nước duy trì đà tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Theo HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Nền tảng hạ tầng số phát triển khi mạng 4G, 5G dần được thương mại hóa và nhiều trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động trong các quý tới giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng internet, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp CNTT.
Bên cạnh đó. ngành viễn thông dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng về lợi nhuận nhờ đẩy mạnh phát triển 5G. Theo đó, năm 2024-2025 được kỳ vọng là giai đoạn triển khai rộng khắp mạng 5G ở các tỉnh thành. Mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100% dân số kết nối 5G.
Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh phát triển và xây dựng trung tâm dữ liệu (Data center) tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động viễn thông phát triển. Theo Gartner, việc phát triển Data Center sẽ giúp thúc đẩy 15% doanh thu hàng năm cho mảng viễn thông.
Trên thị trường chứng khoán, từ đầu năm tới nay, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin đã tăng mạnh. Trong đó không thể không nhắc tới cổ phiếu VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel. Hiện nay, cổ phiếu VGI có giá 90.300 đồng/cp, gấp khoảng 3,5 lần so với hồi đầu năm. Vốn hóa đứng thứ 3 thị trường sau Vietcombank và BIDV với 272.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu FOX của CTCP Viễn thông FPT tăng gấp đôi so với hồi đầu năm, đạt 106.900 đồng/cp.
Cổ phiếu FPT cũng đã tăng 48% so với hồi đầu năm đạt 142.000 đồng/cp, vốn hóa hơn 180.000 tỷ, là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 7 thị trường.
Kể từ đầu năm 2023 rất nhiều những tín hiệu tích cực đối với ngành công nghệ Việt Nam liên tiếp đến. Đầu tiên phải kể đến việc trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mối quan hệ giữa hai nước được nâng lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Những doanh nghiệp công nghệ được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ việc nâng tầm mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam khi từ lâu Mỹ đã được coi là cái nôi của công nghệ thế giới.
Thứ hai là trong tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc với một số tập đoàn công nghệ tại thung lũng Silicon (California) gồm Nvidia, Meta và Synopsys để thăm quan và mời gọi đầu tư. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng cho biết Việt Nam-Mỹ đã xác định hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá mới trong quan hệ song phương, nhất trí hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp. Tại cuộc gặp, Thủ tướng cũng đã mời gọi những tập đoàn này đầu tư về Việt Nam.
Cuối cùng và có thể coi là quan trọng nhất là việc CEO Jensen Huang của tập đoàn Nvidia - gã khổng lồ sản xuất chip trị giá 2.000 tỷ USD đến thăm Việt Nam vào cuối năm 2023. Tại Việt Nam, vị CEO này mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai…, góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam.
Ngay lập tức, những công ty như FPT, VNG hay CMC Corp trong thời gian gần đây đã liên tiếp công bố những thỏa thuận với Nvidia trong mảng AI hay Cloud với những hợp đồng trị giá trăm triệu USD. Không chỉ là những lời hứa xuông mà các công ty công nghệ Việt Nam đã có thể hợp tác với Nvidia.