Ngành công nghiệp ngoài trời 400 tỷ USD của Mỹ và nỗi lo về thuế quan chiến tranh thương mại của ông Trump
Các đại diện của VF Corporation, Columbia Sportswear, Nester Hosiery và NEMO Equipment đã gặp gỡ các nhà lập pháp tại Capitol Hill trong tuần này, để nói về việc cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng của họ như thế nào.
- 12-09-2019IMF: Gần 40% FDI trên thế giới là vốn "ngụy trang" để né thuế
- 04-09-2019Ông Trump: "Đáng lẽ ra tôi phải nâng thuế quan với Trung Quốc lên gấp đôi!"
- 02-09-2019Chính sách thuế mới có hiệu lực, mỗi gia đình Mỹ mất thêm bao nhiêu tiền?
Bà Katie Kumerow, Giám đốc phát triển bền vững của Nester Hosiery, công ty sản xuất tất chuyên dụng cho biết, điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Mỹ, công việc Mỹ, đổi mới của Mỹ và trì hoãn tất cả những điều này.
Từ tháng 9/2018 đến tháng 7/2019, các doanh nghiệp giải trí ngoài trời đã trả thêm 1,8 tỷ USD tiền thuế so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu mới được công bố hôm thứ Năm bởi Hiệp hội Công nghiệp ngoài trời. Mức tăng thuế này gần gấp 3 lần những gì các công ty công nghiệp ngoài trời đã trả trong năm ngoái, theo dữ liệu mới nhất của nhóm ngành này.
"Tăng trưởng của chúng tôi đang bị cản trở vì chúng tôi không thể mở rộng lực lượng lao động của mình", ông Brent Merriam, Giám đốc điều hành NEMO Equipment, người đã tham gia cùng các thành viên hiệp hội trên Capitol Hill hôm thứ Năm cho biết.
NEMO Equipment, nhà sản xuất túi ngủ và lều có trụ sở tại New Hampshire, đã trả 175.000 USD tiền thuế cho đến nay. Mặc dù nghe có vẻ không nhiều, ông Merriam nói rằng nó có ý nghĩa rất lớn đối với công việc kinh doanh của ông. Công ty đã phải dành thời gian và nguồn lực để tìm kiếm đối tác cung ứng mới. Ông Merriam đã đến Philippines vào mùa thu năm ngoái để tìm cơ hội thay thế nhà cung cấp ở Trung Quốc cho một dòng ghế cắm trại.
Nester Hosiery, có trụ sở tại Mount Airy, Bắc Carolina, đã phải đối mặt với những thách thức của riêng mình khi sản xuất tất. Nhà cung cấp len lông cừu Merino lớn nhất của họ có trụ sở tại Trung Quốc. Ngay sau khi ông Trump áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái, nhà cung cấp đã chuyển sản xuất sang các nhà máy ở châu Âu để tránh nhiều hình phạt.
Quá trình này mất gần 6 tháng và ngay cả bây giờ, thời gian đặt hàng nguyên liệu lâu hơn ba đến bốn tuần so với trước đây.
"Bản thân quá trình chuyển đổi đã có nhiều khó khăn và gây chậm trễ. Thậm chí bây giờ tất cả các nguyên liệu thô của chúng tôi đã được chuyển hoàn toàn sang châu Âu, chúng tôi vẫn đang gặp vấn đề về năng suất và thời gian thường kéo dài để đưa được len đến Bắc Carolina nơi chúng tôi sản xuất tất", bà Kumerow nói.
Nền kinh tế giải trí ngoài trời chiếm 2,2% GDP của Mỹ, tương đương 412 tỷ USD, theo Cục phân tích kinh tế. Nhóm ngành này ước tính hỗ trợ ngành công nghiệp Mỹ 7,6 triệu việc làm và chiếm 887 tỷ USD chi tiêu của người tiêu dùng, bao gồm tất cả mọi thứ, từ may mặc và giày dép đến vé máy bay và vé trượt tuyết.
Sau đó, chúng tôi đã trải qua một năm rưỡi bấp bênh, bà Emily Vedaa, nhà quản lý thương mại và hải quan toàn cầu của Columbia Sportswear, cho biết sau khi gặp các nhà lập pháp. Ngay cả khi chúng tôi chỉ bị ảnh hưởng phần lớn ngay bây giờ, bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, chúng tôi đã dành cả một năm để lường trước những gì có thể xảy ra.
Đó là một lát cắt mạnh mẽ của nền kinh tế phải đối mặt với mất việc làm và tăng giá hàng tiêu dùng nếu cuộc chiến thương mại kéo dài. Bà Vedaa hy vọng sẽ cung cấp cho các nhà lập pháp những ví dụ hữu hình về tác động chiến tranh thương mại.
Một trong những ví dụ đó là thẻ giá thuế. Columbia Sportswear đã giả định các thẻ sẽ ghi giá của áo khoác lông cừu Columbia - cùng với mức thuế thông thường là 32% và mức phạt bổ sung 25% trong những tháng gần đây của ông Trump, khi một chiếc áo khoác 100 USD đội giá lên đến 157 USD. Columbia Sportswear muốn các thẻ giá thể hiện rõ ràng thuế quan đang tác động đến người tiêu dùng như thế nào.
Thẻ giá giả định của Columbia Sportswear
Bà Vedaa nói, "chúng tôi chưa tăng giá, nhưng đang trong quá trình xem xét chúng tôi có thể làm những gì, khi nào và bao nhiêu". Các sản phẩm của Columbia đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức tăng thuế 15% đối với khoảng 111 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1/9, và công ty phải tranh giành để nhập khẩu càng nhiều sản phẩm càng tốt trước thời hạn đó. Mặc dù Columbia vẫn chưa tăng giá đối với người tiêu dùng, nhưng họ vẫn chịu tác động của chi phí thuế quan trong thời gian này.
Các thành viên nhóm bán lẻ ngoài trời đã gặp gỡ các nhà lập pháp từ gần 12 tiểu bang. Nhóm bắt đầu với cuộc gặp gỡ nghị sĩ Greg Gianforte, đại diện cho Montana - nơi nền kinh tế giải trí ngoài trời tạo ra 71.000 việc làm và 7,1 tỷ USD chi tiêu tiêu dùng theo nhóm này.
Không ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, ông Greg Gianforte nói trong một tuyên bố với CNBC. "Tôi mong các nhà đàm phán thương mại nhanh chóng giải quyết các cuộc đàm phán và công bố các thỏa thuận thương mại mới có lợi cho Montana."
Nhu cầu về sự chắc chắn chưa bao giờ lớn hơn khi các công ty đã cố gắng giảm chi phí thuế quan cho đến bây giờ, nhưng phải cân nhắc về việc tăng giá không thể tránh khỏi cuối cùng sẽ đánh vào người tiêu dùng Mỹ.
Theo ông Patricia Rojas-Ungar, một người vận động hành lang cho nhóm này, "có rất nhiều giá trị trong việc đưa các thành viên của chúng tôi đến Washington. Đó là áp lực từ những người Mỹ đến nói chuyện với các quan chức đã được họ bầu và gọi điện tới Nhà Trắng khiến Tổng thống phải suy nghĩ lại về chính sách này vì chính sách này không hiệu quả, và nó làm cho người dân Mỹ bị tổn hại."