MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành công thương hướng tới những mục tiêu cao hơn

Năm 2019, Quốc hội giao Chính phủ, Bộ Công Thương phấn đấu chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% so với năm 2018; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%...

Nhìn lại năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phấn khởi cho biết, tất cả các chỉ tiêu kế hoạch của ngành đều đạt và vượt so với "kỳ vọng" mà Quốc hội và Chính phủ giao. Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ấn tượng và đặc biệt xuất nhập khẩu liên tiếp xác lập những "kỷ lục mới". Đây là động lực rất lớn để toàn ngành bước vào năm 2019 với nhiều mục tiêu cao hơn.

Thưa Bộ trưởng, nếu đánh giá ngắn gọn về những thành quả mà ngành công thương đạt được trong năm 2018, Bộ trưởng sẽ nói gì?

Năm 2018, ngành công thương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế chung của đất nước.

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 9,8% vượt so với chỉ tiêu kế hoạch được giao là 9%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng trưởng trên 12%, đồng thời đã khẳng định được vai trò là trụ đỡ, là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng công nghiệp. Điều này cho thấy, quá trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực.

Về phát triển thị trường trong nước: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 tăng từ 11,5-12%, vượt mức kế hoạch đề ra là 10-10,5%. Trong công tác hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương đã thực hiện quyết liệt, chủ động và nhất quán chiến lược hội nhập của đất nước, qua đó đã nâng cao vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2018, tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cả năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 482 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017.

Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. Nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực, xuất khẩu cả nước đã tăng nhanh và vững chắc, không còn phụ thuộc lớn vào tăng trưởng xuất khẩu điện thoại. Đặc biệt, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp chúng ta có xuất siêu. Cán cân thương mại đạt thặng dư 7,2 tỷ USD là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Có thể khẳng định, tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân thanh toán, góp phần vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Tăng trưởng xuất khẩu cao còn tạo hiệu ứng "lan tỏa", thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước.

Năm 2018, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện "cuộc cách mạng lần thứ 3" khi cắt giảm một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư - kinh doanh trên 10 lĩnh vực. Kết quả này có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư - kinh doanh luôn là mục tiêu được Bộ Công Thương xác định xuyên suốt trong quá trình đổi mới hoạt động của ngành theo tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động với việc tiến hành những bước cải cách mạnh mẽ trên quan điểm toàn diện, từ cải cách tổ chức bộ máy, đến cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các thể chế môi trường kinh doanh, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước...

Trong năm 2018, Bộ Công Thương đã triển khai một cách triệt để và mạnh mẽ hơn trong đổi mới phương thức quản lý, chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển gắn với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp một cách mạnh mẽ hơn cho các địa phương.

Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, việc tiến hành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư - kinh doanh là một hành động cụ thể của Bộ Công Thương nhằm thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Việc rà soát, xây dựng, thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa vừa qua là trong tiến trình chung của Chính phủ nói chung và của Bộ Công Thương nói riêng về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của đất nước.

Công tác rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thêm các điều kiện đầu tư - kinh doanh, thủ tục hành chính là công tác thường xuyên, liên tục và cần được tiến hành theo lộ trình từng bước vững chắc, đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất và sẽ được tiếp tục triển khai, thực hiện theo lộ trình trong các năm tiếp theo.

Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và dự kiến đầu năm 2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về những hiệp định này?

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Việc tham gia các FTA thế hệ mới này, xét trên bình diện chung, mang lại các lợi ích nhất định cho Việt Nam. Đối với CPTPP, thỏa thuận thương mại này tạo ra một thị trường rộng lớn với tỷ trọng 13,5% trong tổng GDP toàn cầu và quy mô thị trường là khoảng 500 triệu dân; do đó, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích nhất định cho tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Theo kết quả một số nghiên cứu, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,1% vào năm 2030 trong bối cảnh các điều kiện kinh tế căn bản được giữ nguyên. Với giả định có sự tăng trưởng về năng suất, mức tăng GDP của Việt Nam khi có CPTPP có thể đạt 3,5%.

Đối với EVFTA, theo một nghiên cứu, dự kiến hiệp định này sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4% - 6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Tới năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ đạt 220 tỷ USD, tăng thêm 75-76 tỷ USD so với trường hợp không có FTA.

Nhìn chung, việc tham gia CPTPP và EVFTA, sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico... đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, một số mặt hàng dệt may và da giày.

Điều này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường nhất định, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng phức tạp và khó đoán định. Bên cạnh đó, các FTA sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi các hiệp định này có hiệu lực.

Năm 2019, Chính phủ dự kiến hàng loạt chỉ tiêu quan trọng, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% so với năm 2018; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Xin Bộ trưởng cho biết, ngành công thương sẽ hướng tới mục tiêu này như thế nào?

Năm 2019, Quốc hội giao Chính phủ, Bộ Công Thương phấn đấu chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% so với năm 2018; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Trên cơ sở bối cảnh hiện nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 từ 7 - 8% và phấn đấu cao hơn, Bộ Công Thương sẽ chú trọng triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quan trọng nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức triển khai tận dụng tốt các cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là CPTPP để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu.

Cùng với đó, chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất. Chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới. Đổi mới, đẩy mạnh hiệu quả triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại Chính phủ Trung ương và địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại phi Chính phủ.

Đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo để kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường. Phát huy công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước...

Bộ Công Thương cam kết sẽ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn, phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.

Theo Nguyễn Mạnh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên