MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành điều Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung

16-11-2018 - 21:09 PM | Thị trường

Hạt điều là một trong những mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn nhất trong 10 tháng đầu năm nay nhưng trong thời gian tới, Việt Nam có thể mất đi một nguồn cung lớn.

Hạt điều vẫn là mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao

Mặc dù đã giảm so với năm 2017, hạt điều vẫn là 1 trong 4 mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn nhất. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 1,06 triệu tấn về khối lượng và hơn 2,1 tỷ USD về giá trị. So với năm 2017, nhập khẩu mặt hàng này giảm 10,4% về lượng và 8,9% về giá trị.

Việt Nam đang có nguy cơ mất một trong những nguồn cung hạt điều lớn là Tanzania bởi chính phủ Tanzania mới đây tuyên bố sẽ mua toàn bộ số hạt điều thu được từ vụ 2018 của nước này.

Tanzania là thị trường cung cấp điều lớn thứ hai cho Việt Nam sau Bờ Biển Ngà trong 9 tháng đầu năm nay.

Ngành điều Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung - Ảnh 1.

10 nước cung cấp điều lớn nhất cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018. Nguồn: AgroMonitor.

Tổng thống Tanzania, ông John Magufuli, yêu cầu tăng giá hạt điều 94% để bảo vệ người nông dân. Cùng với động thái này, ông Magufuli quyết định mua khoảng 220.000 tấn hạt điều từ nông dân sau khi các doanh nghiệp tư nhân từ chối mua với mức giá cao như vậy.

Người Tanzania sẽ tiêu thụ hết số hạt điều mà họ sản xuất ra nếu không bán được, người đứng đầu nước này khẳng định.

Giới thương nhân cho rằng điều này có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu, Việt Nam và Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng đầu tiên.

Ngành điều Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung - Ảnh 2.

Tanzania lên kế hoạch mua lại toàn bộ vụ điều 2018 của nông dân, dấy lên lo ngại thiếu cung trong thời gian tới. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, chuyên gia Ian Dyas tại Công ty CG Hackinglo ngại Tanzania sẽ không có đủ công suất về logistics để chứa toàn bộ lượng hạt điều của vụ 2018 (thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 12). Tuy nhiên, theo Phó Bộ trưởng Nông nghiệp Tanzania Innocent Bashungwa, chính phủ nước này có đủ khả năng dự trữ và bảo quản tất cả số hạt điều hiện có trong kho cũng như số hạt ở trong dân.

“Hạt điều là một mặt hàng nông sản có giá trị. Vì vậy, chúng tôi phải đảm bảo cũng được lưu kho cẩn thận trước khi bán ra thị trường. Quân đội sẽ được huy động trong quá trình mua, vận chuyển và lưu kho số hạt điều trong kho được an toàn”, ông Bashungwa nói.

Ủy ban Hạt và Trái cây sấy khô Quốc tế cho biết Tanzania xuất khẩu 75% sản lượng hạt điều hàng năm. Theo số liệu chính thức, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của nước này gấp hai lần lên 540 triệu USD trong năm 2017, từ mức 270 triệu USD của năm ngoái.

Thiếu cung, giá sẽ tăng mạnh

Động thái này dấy lên lo ngại thị trường thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung hạt điều trong thời gian tới. Nếu không thể tới tay người mua ở Việt Nam, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt hạt điều, Sushant Gupta, Giám đốc Công ty Thương mại Hàng hóa ReloBridge, cho biết.

Theo nhận định của ông Dyas, giá điều tại hai quốc gia chế biến và tiêu thụ hạt điều lớn là Ấn Độ và Việt Nam sẽ bị đẩy lên cao vì chính sách mới này của Tanzania. Đáng nói là không một quốc gia nào thu hoạch hạt điều cùng thời điểm với nước này nên nguy cơ thiếu hụt cung càng lớn.

“Trong ngắn hạn, giá hạt điều chắc chắn sẽ tăng, đặc biệt là ở Ấn Độ”, ông Dyas nói.

Hiện tại, giá điều nhân trên thị trường thế giới đã xuống 7.500 USD USD/tấn, từ mức 9.500 USD hồi đầu năm.

Tại thị trường trong nước, giá điều khô ổn định trong tháng qua, với giá tại Bình Phước ở mức 40.000 đồng/kg, tại Đồng Nai là 46.000 đồng/kg. Giá điều nhân tại Bình Phước ổn định, với điều nhân loại W240 ở mức 295.000 đồng/kg; điều nhân loại W320 ở mức 285.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá điều khô Bình Phước diễn biến giảm trong 10 tháng qua, với mức giảm khoảng 6.000 – 10.000 đồng/kg.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây cũng dự báo giá điều trong quý IV có thể tăng do nhu cầu thường tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Theo Phan Vũ (tổng hợp)

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên