MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành đường 2018: Cơn ác mộng vẫn còn!

14-02-2018 - 10:11 AM | Doanh nghiệp

Theo ông Lê Văn Đông – Chủ tịch HĐQT Vinasugar II, mấu chốt thời gian đến ngành đường Việt Nam phải giải quyết được bài toán hạ giá thành sản phẩm, thứ hai là phải giải quyết vùng nguyên liệu cho nó thật tốt. Và làm gì làm thì cũng phải cạnh tranh được với đường Thái Lan, về chất lượng cũng như giá cả.

Bà Bùi Thị Thanh Trà – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mía đường II – CTCP (Vinasugar II) khẳng định: "Năm 2018 theo chị nhận định ngành đường vẫn còn rất khó, vì giá thành đường trong nước hiện khá là cao, trong khi đó giá đường nhập từ Thái Lan lại thấp".

Cơn ác mộng 2017 vẫn còn tiếp diễn?

Mặc dù đấu giá thành công hơn 63 triệu cổ phần vào sáng 13/02/2018 với tổng số tiền thu về gần 667 tỷ đồng, song cả Chủ tịch và Tổng Giám đốc Vinasugar II đều chau mày khi dự đoán ngành đường trong năm 2018. Trong đó, theo ông Lê Văn Đông – Chủ tịch HĐQT Vinasugar II: "Nói chung mấu chốt thời gian đến ngành đường Việt Nam phải giải quyết được bài toán hạ giá thành sản phẩm, thứ hai là phải giải quyết vùng nguyên liệu cho nó thật tốt. Và làm gì làm thì cũng phải cạnh tranh được với đường Thái Lan, về chất lượng cũng như giá cả".

Đồng tình, bà Trà cho biết năm 2018 thị trường đường được nhận định vẫn còn rất khó, vì giá thành đường trong nước khá là cao, trong khi đó giá đường nhập từ Thái Lan lại thấp. Hơn nữa, lợi thế cạnh tranh thấp dẫn đến một điểm khó cho nhà sản xuất đường hiện nay nữa là buộc phải giảm giá thành, mà hạ giá thành trực tiếp phải hạ thấp giá mía, từ đó ảnh hưởng đến người nông dân. Điều này vô tình gây tổn hại lên vai người nông dân, không chỉ riêng nhà sản xuất!

Điểm lại năm 2017 có thể nói là cơn ác mộng đối với ngành đường, cũng như cổ phiếu đường trên thị trường. Khi mà theo lộ trình triển khai Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, mặt hàng mía đường sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan, đồng thời mức thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2017 đến nay, mặc dù giá đường tinh luyện đang thấp, nhưng các doanh nghiệp vẫn không bán được và đang tồn kho hàng trăm ngàn tấn.

Trước tình thế cấp bách trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) liên tiếp kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017. VSSA cũng kiến nghị thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan giảm 50% so với trước đây, chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng... Tuy nhiên đến nay khó khăn vẫn hoàn khó khăn, năm 2018 dự kiến cơn ác mộng vẫn còn đó với doanh nghiệp trong ngành cũng như người nông dân trồng mía!

Ngành đường 2018: Cơn ác mộng vẫn còn! - Ảnh 1.

Bóc tách vấn đề

Được biết, bên ngành đường, thì các nhà máy hầu như phải bảo hiểm trữ đường, đồng thời phải bơm vốn đầu tư cho nông dân thì họ mới trồng trọt. Như vậy, theo bà Trà sẽ có sự cạnh tranh giữa các loại cây trồng khác trên khía cạnh người nông dân. Đây cũng là một thách thức khác đối với ngành mía đường.

Song song với đó, sản phẩm sản xuất đường thì hầu như là không sử dụng được việc cơ giới hóa nhiều, điển hình là không được áp dụng trên những cánh đồng mẫu lớn do ruộng sở hữu bởi người nông dân, cho nên sản xuất chỉ dừng lại ở mức độ manh mún. Như vậy, việc đưa những thiết bị cho cánh đồng mẫu lớn thì hiện tại nước ta chưa làm được, khiến chi phí khó được tiết giảm dẫn đến việc hạ giá thành cũng khó khăn.

Mới đây, phía VSSA tiếp tục có kiến nghị Chính phủ. Cụ thể Hiệp hội trình Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị không gia hạn cho các giấy phép tạm nhập tái xuất (TNTX) đường đã hết hạn. Bởi, ngành mía đường đã bước vào niên vụ mới được 2 tháng, 100 nghìn tấn đường mới ra lò, trong khi hàng trăm nghìn tấn đường của niên vụ cũ còn tồn đọng trong kho không thể bán nổi vì bị đường lậu "đè bẹp", thì việc gia hạn TNTX đường không khác gì đòn chí mạng bồi thêm, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước "chết hẳn" thay vì thoi thóp như hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, vị Tổng Giám đốc Vinasugar II phân trần: "Thực ra ngành đường hiện nay là một ngành nhu yếu phẩm, tức sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước, nên theo tôi cần được Nhà nước bảo hộ".

Trong đó, thứ nhất là phải có thuế suất đánh lên đường lỏng. Hiện nay đường lỏng nhập vào Việt Na, rất nhiều, trong khi nước ta hiện chưa đánh thuế tại đường lỏng. Ở chiều ngược lại, đường cát của mình lại đang chịu mức thuế khá cao, cho nên Chính phủ phải có biện pháp bảo hộ sao cho hỗ trợ các nhà máy đường đảm bảo được hiệu quả sản xuất, hạ giá thành và không gây ảnh hưởng đến người nông dân.

Thứ hai, đứng về mặt chính sách thì Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ quy hoạch, từ đó thắt chặt cũng như làm rõ ràng giao thương giữa người nông dân và nhà sản xuất. Đồng thời, về vi mô, các nhà máy cũng cần phải tiết giảm chi phí sản xuất, cũng như đưa ra các giải pháp quản lý để làm sao mà hạ được giá thành sản phẩm xuống, bà Trà nhấn mạnh.

"Phải tạo sự công bằng thuế suất giữa đường lỏng và đường mía", ông Đông và bà Trà cùng nhấn mạnh, vì hiện nay các nhà sản xuất nước giải khát… đang sử dụng đường lỏng nhập nhiều hơn vì giá rẻ hơn. "Cũng là đường, trong khi đường lỏng khâu sản xuất lại đơn giản hơn nhưng thuế lại được ưu ái hơn đường cát. Trong khi đó, đường cát muốn làm nguyên liệu được thì mình phải nấu đường lên mới có thể dung hòa vào dung dịch khác, từ đó tạo ra thành phẩm", bà Trà nói thêm.

Nhà đầu tư cổ phiếu đường cũng đau đầu không kém

Đi cùng với khủng hoảng ngành đường, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp trong ngành đang trên đà lao dốc không phanh.

Nếu ở giai đoạn 9 tháng đầu năm 2016, nhóm cổ phiếu ngành mía đường đem lại nhiều vị ngọt cho nhà đầu tư thì bước sang năm 2017, mọi thành tích không những quay về con số 0 mà còn gây ra nhiều cay đắng.

Điển hình, cổ phiếu LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn hiện chỉ đạt 10.800 đồng/cp, trong khi chỉ hơn một năm trước cổ phiếu này xác lập mức đỉnh gần 18.000 đồng. Tương tự, đạt đỉnh gần 70.000 đồng vào tháng 7/2016 nhưng hiện tại, mỗi cổ phiếu KTS của CTCP Đường Kon Tum chỉ còn chưa tới một nửa. Tính đến ngày 13/02/2018, giá cổ phiếu đơn vị này đạt 22,700 đồng/cp. Hay CTCP Mía đường Sơn La với mã cổ phiếu SLS cũng đã giảm so với mức đỉnh chỉ trong 5 vài tháng gần đây.

Ngành đường 2018: Cơn ác mộng vẫn còn! - Ảnh 2.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu ngành đường cũng ảnh hưởng nặng nề đến CTCP Đường Quảng Ngãi với mã cổ phiếu QNS. Cổ phiếu này giờ chỉ còn 54.600 đồng, giảm gần một nửa so với mức đỉnh gần 100.000 đồng xác lập cách đây hơn nửa năm. Như vậy, dù là ông lớn trong ngành, nổi tiếng với 2 thương hiệu sữa đậu nành là Fami và VinaSoy, song triển vọng mảng kinh doanh đường không mấy tích cực cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến xu hướng vận động tiêu cực của giá cổ phiếu QNS.

Ngành đường 2018: Cơn ác mộng vẫn còn! - Ảnh 3.

Một cái tên đình đám khác, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa với mã cổ phiếu SBT cũng chốt phiên 12/02/2018 tại mức đáy kỷ lục, đạt 17,900 đồng/cp.

Ngành đường 2018: Cơn ác mộng vẫn còn! - Ảnh 4.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên