Ngành gạo Việt Nam có thể hưởng lợi khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu và xu thế bảo hộ thương mại gia tăng
Theo Agriseco, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu là cơ hội tốt để Việt Nam có thể gia tăng các đơn hàng từ các thị trường đang cạnh tranh trực tiếp như Trung Quốc, Philippines, châu Phi,...
Chỉ số giá lương thực toàn cầu đã tăng mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022. Trong cùng khoảng thời gian đó, giá gạo lại đi ngược lại với xu hướng kể trên nhờ vào lượng tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu. Mặc dù vậy, việc Ấn Độ mới đây thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo, cùng với đó là tính hình thời tiết khắc nhiệt ở Trung Quốc và nhiều khu vực trên thế giới có thể làm thay đổi xu hướng trên, khiến giá gạo tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này có tác động lớn đến các quốc gia xuất khẩu gạo trong đó có Việt Nam.
Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đã có cập nhật báo cáo triển vọng ngành gạo và những cơ hội tiềm năng.
Hưởng lợi từ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và nguồn cung gạo toàn cầu sụt giảm do thời tiết khắc nghiệt
Theo Agriseco Research, trong quá khứ, Ấn Độ đã từng cấm xuất khẩu gạo năm 2007 và sau đó giá gạo Việt Nam và toàn cầu đã tăng mạnh lên gấp 3 lần trong năm sau đó. Điểm giống nhau của giai đoạn 2007-2008 kể trên so với hiện tại là việc Ấn Độ áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo và trong bối cảnh thế giới đều đang gặp phải những áp lực về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Đặc biệt, 2 loại gạo xuất khẩu trong danh sách hạn chế chủ yếu sang các thị trường cạnh tranh chính với Việt Nam như Trung Quốc hay Philipines.
Với việc đóng góp vào 37% giá trị thương mại gạo trên toàn cầu, Agriseco Research đánh giá bất kỳ thay đổi nào trong nguồn cung gạo của Ấn Độ ra thế giới cũng sẽ tác động lớn lên lượng tồn kho tại và giá gạo tại các nước. Trong đó, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, đặc biệt với sản phẩm gạo tấm. Năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 360 triệu USD gạo tấm sang Trung Quốc (chiếm tỷ trọng cao nhất – 38,6%). Và với việc cấm xuất khẩu gạo tấm, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, trước khi hạn chế xuất khẩu gạo, Ấn Độ cũng đã có những biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với lúa mì và đường nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời, Nga và Ukraine cũng đã phải hạn chế xuất khẩu lúa mì và một số mặt hàng nông sản khác do cuộc xung đột. Và còn nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang hướng tới xu thế trên, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung và dự trữ lương thực tại nhiều quốc gia đang giảm xuống mức thấp trong nhiều năm qua cho thấy xu thế bảo hộ ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, nguồn cung gạo toàn cầu sụt giảm do tính hình thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt tại các quốc gia sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc. Agriseco Research đánh giá rằng lượng tồn kho gạo trên thế giới đang giảm dần trong 2 năm gần đây sẽ khiến các nước tăng cường tích trữ lương thực hơn để đảm bảo tính trạng an ninh lương thực quốc gia ,đặc biệt trong bối cảnh giá của nhiều loại lương thực, nông sản đã tăng rất mạnh trong 2 năm vừa qua.
Theo Agriseco Research, với vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu và xu thế bảo hộ thương mại gia tăng. Nhiều năm liền Việt Nam liên tục ở trong top 3 các quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan. Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng tốt với giá trị đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ và sản lượng đạt 4,8 triệu tấn,tăng 21% so với cùng kỳ. Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu là cơ hội tốt để Việt Nam có thể gia tăng các đơn hàng từ các thị trường đang cạnh tranh trực tiếp như Trung Quốc, Philippines, châu Phi,...
Bên cạnh đó, Thái Lan và Việt Nam đang thảo luận để xây dựng lộ trình về việc nâng giá gạo trong bối cảnh Ấn Độ hạn chê xuất khẩu và nguồn cung bị thắt chặt như hiện nay. Báo cáo cho rằng thỏa thuận trên có thể giúp nông dân hai nước xuất khẩu với giá công bằng hơn bằng cách sử dụng dụng cơ chế định giá theo thị trường lương thực toàn cầu.
Giá phân bón đã có xu hướng hạ nhiệt kể từ giữa năm 2022, điều này càng hỗ trợ cho người nông dân và các doanh nghiệp rất nhiều khi chi phí vật tư nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cấu phần chi phí của ngành. Agriseco Research đánh giá xu hướng chung của giá phân bón từ giờ tới cuối năm và năm sau sẽ tiếp tục hạ nhiệt trên mức nền cao của năm 2021, 2022. Giá dầu cũng đang nằm trong xu hướng giảm từ giữa năm trước những lo ngại về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp sản xuất gạo có khả năng cải thiện được biên lợi nhuận trong các quý tiếp theo.
Dự phóng triển vọng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp cụ thể, đối với CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR), Agriseco Research đánh giá TAR có thể hưởng lợi lớn từ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo khi có thể gia tăng các đơn hàng xuất khẩu đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Việc Ấn Độ cấm hoàn toàn xuất khẩu gạo tấm là cơ hội lớn để TAR đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này khi đây cũng là một trong các sản phẩm chính của doanh nghiệp.
Tại CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), doanh nghiệp có hệ sinh thái tương đối toàn diện từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật đến sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông sản trong đó nổi bật là gạo. Trong khi thị trường gạo Việt Nam còn tương đối phân mảnh, với lợi thế về chuỗi giá trị và công suất trên 80.000 tấn gạo/năm, LTG tiếp tục định hướng phát triển mảng gạo làm trọng tâm trong thời gian tới . Theo đó, LTG có tỷ trọng doanh thu mảng gạo tương đối cao lên đến 39%, với kỳ vọng giá gạo sẽ tăng mạnh khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu cùng với việc giá phân bón và vật tư nông nghiệp hạ nhiệt, đây là cơ hội để LTG có thể cải thiện biên lợi nhuận đáng kể với mảng gạo.
Agriseco Research cũng kỳ vọng mảng gạo của CTCP Tập đoàn PAN (PAN) sẽ hưởng lợi từ việc giá gạo có thể tăng mạnh khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra do PAN tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao và tự chủ được về giống nên mảng gạo có biên lợi nhuận khá tốt. Hiện, Các mảng kinh doanh khác của PAN cũng đang hoạt động ổn định và kỳ vọng tăng trưởng cao trong giai đoạn 2022-2023. Doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch tăng vốn để tiếp tục M&A thêm các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tăng sở hữu tại các công ty thành viên hiện tại góp phần hoàn thiện hơn chuỗi giá trị nông nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC) cũng sở hữu mảng giống cây trồng có biên lợi nhuận cao và tiềm năng tăng trưởng tốt. Agriseco đánh giá, NSC hoàn thiện chuỗi giá trị từ giống cây trồng tới xuất khẩu lúa gạo với định hướng tập trung phát triển mảng giống và gạo thương hiệu với biên lợi nhuận cao. Giá gạo có thể tăng mạnh sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu sẽ hỗ trợ cho doanh thu và lợi nhuận của NSC trong các quý tới. Ngoài ra, NSC có cơ cấu tài chính lành mạnh, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ vay nợ thấp, trả cổ tức cao và đều đặn. Agriseco kỳ vọng quý 4 sẽ là mùa cao điểm kết quả kinh doanh bởi đây là thời điểm vụ Đông Xuân cho sản lượng và năng suất cao nhất năm.
Nhịp Sống Thị Trường