MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành Giao thông bàn cách vượt khó do dịch COVID-19

Dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Để ngăn chặn tình hình lây lan của đại dịch, nhiều biện pháp đã được đưa ra như kiểm soát chặt người nhập cảnh từ các cửa khẩu, cắt giảm các chuyến bay, chuyến tàu qua từ nước có dịch.

Đi cùng đó, không ít các doanh nghiệp trong ngành giao thông tưởng chừng như "lao dốc" theo  dịch.

Hàng không Việt sẽ thiệt hại lớn hơn con số 30.000 tỷ đồng

Tính đến ngày 18-3, theo thống kê sơ bộ, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam là khoảng 30.000 tỷ đồng. Tính từ cuối tháng 1-2020 đến nay, các hãng hàng không Việt đã cắt toàn bộ chuyến bay giữa Việt Nam-Trung Quốc; Cắt giảm 25% số chuyến bay với Đài Loan, trong đó các hãng Việt Nam cắt giảm 34% chuyến bay còn 99 chuyến/tuần so với 151 chuyến/tuần cuối năm 2019.  Hồng Kông đã cắt giảm 69% số chuyến bay; Nhật Bản hiện nay chưa cắt giảm chuyến bay vẫn giữ 160 chuyến/tuần nhưng các các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới. Với đường bay Hàn Quốc, đã cắt giảm 100% số chuyến bay.

Trên cơ sở thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra dự báo với hai kịch bản cho thời gian tới. Thứ nhất, trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4-2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2 % so cùng kỳ).

Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6-2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17 % so cùng kỳ).

Liên quan đến lĩnh vực hàng hải, báo cáo từ Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho thấy, trong tháng 2-2020 chỉ tiếp nhận 6 lượt tàu khách quốc tế ra, vào (3 chuyến) bằng 38% so với cùng kỳ năm 2019 (tháng 2-2019 có 16 lượt). Tại Huế, một số hãng tàu đã hủy chuyến đến cảng Chân Mây, dự kiến chỉ còn 33 chuyến tàu khách tới cảng với 71.491 hành khách (giảm 15 chuyến với 39.758 hành khách).

Tính đến hết tháng 2 năm 2020 có 14 chuyến tàu khách đến cảng Chân Mây với 30.356 hành khách (giảm 03 chuyến và 9.455 khách so với dự kiến ban đầu). Từ tháng 3 đến hết tháng 5-2020 dự kiến có 16 chuyến tàu khách với 39.263 hành khách; tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đại lý hàng hải thông báo hủy 13 chuyến tàu khách đến cảng Chân Mây, chỉ còn 3 chuyến với 7.901 hành khách.

Ngành giao thông cũng dự báo, đối với doanh nghiệp vận tải biển trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung đầu vào (nguyên vật liệu) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, kể từ thời điểm xảy ra dịch đến nay, tình hình vận chuyển hành khách, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều bị ảnh hưởng trực tiếp, các tiêu chí về lượt xe (xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, du lịch), sản lượng khách, vận tải hàng hóa, doanh thu đều giảm mạnh từ 40% đến 80% so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch.

Tương tự, ngành đường sắt chỉ trong vòng 1 tháng từ 25-1 đến 25-2, doanh thu cũng sụt giảm khoảng 90 tỷ đồng.

Ngoài các lĩnh vực trên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu về vận tải và thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển sẽ có những khó khăn, ảnh hưởng đáng kể. Trong đó, một số dự án đầu tư đang thực hiện có tham gia của nhà thầu, tư vấn từ các quốc gia đang bùng phát dịch (Hàn Quốc, Trung Quốc...) đã gặp khó khăn như: Chậm huy động nhân sự nước ngoài quay lại Việt Nam để tiếp tục thực hiện dự án (điển hình như các dự án: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi); Việc nhập khẩu các trang thiết bị phục vụ dự án (nhất là các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc) do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát y tế chặt chẽ.

Ngành Giao thông bàn cách vượt khó do dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nếu dịch diễn biến phức tạp, thời gian tới nhiều chuyến bay sẽ tiếp tục phải tạm ngừng khai thác.


Trước khó khăn trên, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu với một số dịch vụ chuyên ngành hàng không. Cụ thể, Bộ GTVT đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ chính sách đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.Đề xuất Chính phủ cho áp giá dịch vụ 0 đồng

Theo đó, trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép bộ này được áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ 1-3-2020 đến hết ngày 31-5-2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá. Thời gian từ 1-3-2020 đến hết ngày 31-5-2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.

"Đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách", công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Không chỉ hỗ trợ cho các hãng bay, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận áp dụng mức giảm thuế VAT cho phương thức vận tải container bằng đường thủy từ 10% xuống 5%, qua đó tạo tính cạnh tranh cho loại hình dịch vụ vận tải bằng đường thủy. Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hải Phòng xem xét không thu phí cơ sở hạ tầng đối với container hàng hóa xuất nhập khẩu được vận tải bằng đường thủy.

Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, thống kê của Bộ GTVT cho thấy, kể từ thời điểm xảy ra dịch, tình hình vận chuyển hành khách, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều bị ảnh hưởng trực tiếp, các tiêu chí về lượt xe (xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, du lịch), sản lượng khách, vận tải hàng hóa, doanh thu đều giảm mạnh từ 40%- 80% so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch.

Theo Phạm Huyền

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên