Ngành giày da, dệt may: Thay đổi để giữ thị trường
Mặc dù ngành dệt may đã có đơn hàng trở lại từ cuối năm 2023, nhưng vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… hay thị trường châu Âu ban hành những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu khiến ngành này buộc phải thay đổi.
- 11-05-2024Nguồn FDI “rót” vào dệt may ồ ạt, làm thế nào để tận dụng hiệu quả?
- 22-04-2024Tín hiệu tích cực từ ngành dệt may những tháng đầu năm
- 03-04-2024Đơn hàng tăng, doanh nghiệp dệt may nhiều tín hiệu khởi sắc
Nút thắt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu
Ông Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch Hiệp hội Giày da túi xách tỉnh Bình Dương, nói rằng, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp (DN) đang gặp phải là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Theo ông Vũ, hiện nay các quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới, các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao.
Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới về an toàn sinh thái, bền vững. Theo yêu cầu của thị trường này, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về vòng đời sản phẩm, phải tái chế sản phẩm; thẩm định chuỗi cung ứng bền vững với các DN có doanh số 450 triệu euro và trên 1.000 lao động; vấn đề truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, các DN sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất.
Theo Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh Bình Dương, với việc có 15 hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ tác động mạnh mẽ tới các DN trong ngành da giày.
Là DN xuất khẩu vào nhiều quốc gia, nhưng Cty May mặc Dony (TPHCM) cũng chật vật để đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của đối tác ngoại. “Trước đây chúng tôi có xuất khẩu vào châu Âu nhưng hiện nay thị trường này có nhiều quy định, tiêu chí khắt khe về nguồn gốc sản phẩm như truy xuất nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, quy trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững... Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi phải xoay vốn để “xanh hóa”. DN có quy mô vừa và nhỏ nên càng thêm chật vật”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Cty May mặc Dony, nói.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Cty TNHH Việt Thắng Jean (TPHCM), nhìn nhận, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới đang thay đổi. Họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm, đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Trong khi đó, dệt may Việt Nam đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng, phụ thuộc nguyên liệu ngoại.
Chuyển đổi sản xuất xanh
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là con đường đi bắt buộc, là sự sống còn không chỉ riêng DN mà cho cả nền kinh tế quốc gia.
Để bắt nhịp thế giới, Cty TNHH Việt Thắng Jean buộc phải đầu tư máy móc, chuyển đổi sản xuất xanh và đầu tư công nghệ để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. DN này sử dụng công nghệ 3D để thiết kế , rút ngắn 1/4 thời gian so với trước, dùng laser để in, cắt, phun màu cho vải... Nhờ vậy, công suất tăng gấp 3 lần so với trước. Ngoài ra, Cty còn lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn Eco, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh của châu Âu.
“Nhằm hỗ trợ DN, TPHCM chủ động làm việc với Ngân hàng Thế giới, giao Sở KH&ĐT xây dựng danh mục dự án chuyển đổi xanh và mời gọi các nhà đầu tư tham gia; đồng thời phối hợp với các định chế tài chính khác để hỗ trợ về chính sách, tín dụng để chuyển đổi kinh tế xanh. Bên cạnh đó, thành phố có chương trình kích cầu đầu tư, trong đó các dự án chuyển đổi xanh sẽ được ưu tiên hỗ trợ 100% lãi suất để thực hiện chuyển đổi mô hình”.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Đầu tư Thái Bình - TBS (Bình Dương), cho biết ngành da giày đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do nhưng việc có thể tận dụng được hay không cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước. Hiện TBS đã có Trung tâm Nghiên cứu phát triển văn phòng túi xách TBS Group và đang đề xuất xây dựng trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu.
Tại Cty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam (Bình Dương), DN đang sản xuất, gia công đế, khuôn mẫu giày… với 2 nhà máy hơn 1.800 lao động. Cty xuất khẩu hàng sang Mỹ , EU và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. “Thời gian qua, dù khó khăn, Cty cũng tham gia dự án giảm thiểu năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính của các nhãn hàng như Adidas, Nike…”, bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam, chia sẻ.
Lãnh đạo Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh Bình Dương cho hay, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, EU lại là thị trường xuất khẩu rất lớn. Do vậy, trong giai đoạn tới, DN trong lĩnh vực phải thay đổi để đáp ứng các quy định mới của EU.
Để ngành giày da phát triển bền vững, các DN đề xuất cần hình thành khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành giày da, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế… thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp phụ trợ với các cơ chế, chính sách thích hợp.
Tiền phong