Nhiều nhãn hàng “nhắm đến” nguồn cung dệt may từ Việt Nam
Nhiều nhãn hàng quan tâm và coi ngành dệt may của Việt Nam như một nguồn cung hấp dẫn, ổn định và uy tín.
- 13-05-2024Ông Don Lam: Việt Nam là con hổ mới của khu vực Đông Á, ngay cả DN Dệt may cũng tiến lên 'đẳng cấp' mới trong chuỗi giá trị toàn cầu
- 12-05-2024Mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của dệt may năm 2024 hoàn toàn khả thi
- 08-05-2024Thê thảm sau cú đấm của “gã khổng lồ” Amazon, DN dệt may Việt Nam xin cổ đông huỷ kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 2022
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp dệt may trong nước đã ổn định hơn rất nhiều so với năm 2023. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng ít nhất đến hết 6 tháng đầu năm, thậm chí đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 8. “Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến hiệp hội mong tìm những đơn vị nhỏ hơn để thuê gia công lại những đơn hàng lớn”, bà Mai nói.
Thực tế, không chỉ có đơn hàng đến hết tháng 8, có những doanh nghiệp lớn, uy tín đã nhận được đơn hàng đến hết quý III/2024. Trả lời phỏng vấn Báo Công Thương, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP. Hồ Chí Minh cho hay, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý II/2024 phục hồi tương đối thuận lợi, ở mức từ 10-15%. Đơn hàng vẫn ở quy mô nhỏ nhưng phân khúc sản phẩm đa dạng giúp doanh nghiệp sản xuất “dễ thở” hơn.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp dệt may trong nước khởi sắc sau năm 2023 vô cùng ảm đạm là bởi những thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam như Mỹ, EU kinh tế dần phục hồi, lạm phát đã chững lại, tiêu dùng tăng lên, tồn kho giảm.
Không chỉ thu hút đơn hàng từ khách hàng truyền thống, hàng dệt may Việt Nam còn thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác mới và lớn. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” do Bộ phối hợp tổ chức vào tháng 6/2024, thu hút hàng loạt nhà mua hàng là các đại siêu thị, các nhà phân phối bán lẻ và đoàn thu mua quốc tế như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ điển), LuLu (UAE)…
Những nhà mua hàng này đang lên danh sách chi tiết mua sắm nhiều nhóm hàng hóa. Trong đó, dệt may và phụ kiện thời trang; giày dép, ba-lô, túi xách và phụ kiện… là những mặt hàng được đặc biệt quan tâm. “Trong tổng số hàng trăm đoàn thu mua quốc tế dự kiến “đổ bộ” vào Việt Nam rất nhiều đoàn bày tỏ rõ mong muốn tìm kiếm đối tác bền vững trong lĩnh vực dệt may, da giày”, đại diện Bộ Công Thương nêu.
Với sự khởi sắc đáng kể về đơn hàng cùng mối quan tâm của nhiều nhãn hàng, bà Mai cho rằng, mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của dệt may Việt trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi. “Nếu tình hình kinh tế thế giới không có biến động lớn so với hiện nay, cũng như không có thêm các cuộc xung đột địa chính trị, hoạt động sản xuất của ngành dệt may sẽ có chiều hướng phục hồi và khởi sắc tốt”, bà Mai nhìn nhận.
Dù vậy, bà Mai vẫn bày tỏ sự lo lắng bởi hiện trạng khởi sắc của ngành chưa thực sự "chắc". Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích, Chính phủ đã ký những cam kết quan trọng tại COP 26, theo đó đến năm 2050 giảm phát thải khí nhà kính về 0, lộ trình đến năm 2030 sẽ giảm 30%.
Việt Nam tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là EVFTA, CPTPP… Tại những FTA này, Việt Nam có cam kết quốc tế về lao động, môi trường và buộc phải tuân thủ.
Bên cạnh đó, hiện tại các thương hiệu đến đặt hàng luôn đòi hỏi về sản xuất xanh. Ví dụ, với vải đòi hỏi thuốc nhuộm không gây hại cho người tiêu dùng, đảm bảo môi trường, xử lý nước thải. “Nếu không tuân thủ, doanh nghiệp trong nước sẽ không thể xuất khẩu được sản phẩm”, bà Mai cho hay.
Mặt khác, ngành dệt may vẫn bị “thắt nút cổ chai” ở khâu thượng nguồn khi thiếu vải, sợi tổng hợp cho sản xuất. Điều này khiến dệt may Việt Nam không chủ động được sản xuất và khó bước lên được vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện ngành dệt may Việt Nam có hơn 6.000 doanh nghiệp, nhưng 60-70% trong số đó là sản xuất gia công.
Thách thức lớn nữa doanh nghiệp dệt may trong nước đang phối mặt là đơn hàng giá thấp, số lượng nhỏ và thời gian giao hàng nhanh. Kết hợp với chi phí sản xuất tăng, chi phí vận chuyển cao gấp 2-3 lần, mất dần lợi thế lao động giá rẻ khiến doanh nghiệp trong nước lo lắng.
Bà Mai nhận định, giải pháp cho những thách thức trên bên cạnh việc buộc phải tuân thủ quy định về sinh thái, tiêu chuẩn xanh của các nhãn hàng và quốc gia nhập khẩu, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số trong sản xuất. “Phương thức chuyển đổi đi dần từ sản xuất truyền thống sang tự động hóa, tiến dần tới sản xuất thông minh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hàng hóa”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Báo Công thương