Ông Don Lam: Việt Nam là con hổ mới của khu vực Đông Á, ngay cả DN Dệt may cũng tiến lên 'đẳng cấp' mới trong chuỗi giá trị toàn cầu
Kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, song "Việt Nam đang là một con hổ mới của khu vực Đông Á", chia sẻ đáng chú ý của ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, trong buổi phỏng vấn với đài CNN mới đây.
- 04-05-2024Đơn hàng dệt may tăng 10-15%
- 04-05-2024Việt Nam sắp có doanh nghiệp dệt may đầu tiên đầu tư sang Ai Cập
- 29-04-2024Dệt may Việt Nam đang phải chịu áp lực kép
- 03-03-20242023 phá kỷ lục doanh số, DN dệt may gia công cho Decathlon, Adidas... muốn tăng 15% công suất, tuyển thêm 3.000 lao động
Được biết, đây là buổi trò chuyện trong chuyến thăm Việt Nam của ông Richard Quest – người dẫn chương trình "Quest Means Business" của đài CNN.
Việt Nam đang là một con hổ mới của khu vực Đông Á
Theo ông Don Lam, Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới. Cách đây 10 năm, khi ông gặp một số nhà đầu tư nước ngoài, họ vẫn hỏi liệu có còn chiến tranh ở đất nước này không? Họ không biết rằng nó đã kết thúc hơn 30 năm rồi.
Việt Nam giờ đây là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, là một "con hổ mới" của khu vực Đông Á, dựa trên tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng GDP đạt 6 - 7% mỗi năm. Việt Nam có 100 triệu dân và đang dịch chuyển nhanh chóng từ sản xuất dệt may, điện tử chi phí thấp sang các ngành công nghệ cao như bán dẫn.
Hiện, 1/3 kim ngạch xuất khẩu vẫn là điện tử và bán dẫn. Đó là một bước tiến quan trọng khi chỉ khoảng 7-8 năm qua, được dẫn dắt bởi "đại bàng" Samsung, gần như một nửa số lượng điện thoại di động Samsung trên toàn cầu là sản xuất ở Việt Nam.
Đặc biệt, nói về bước tiến mới trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ với Việt Nam, ông Don Lam cho rằng đây là bước ngoặt quan trọng trong 10 năm qua. Các nhà sản xuất sẽ nghĩ đến Việt Nam, và bây giờ họ đang dịch chuyển đến Việt Nam, giống như "con dấu chấp thuận", sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.
Tháng 3 năm ngoái, hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh. Trong đó, nhiều tên tuổi quen thuộc, có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng, bao gồm Apple, Coca-Cola và PepsiCo, Netflix...
Mới đây, đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm 50 công ty hàng đầu của Mỹ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ, năng lượng, hàng không và quốc phòng, sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, dịch vụ tài chính, y tế, quỹ đầu tư… cũng đã tới thăm và làm việc tại Việt Nam. Chương trình do USABC tổ chức. Đây là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ tới Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Vị CEO này nhận định Việt Nam đang hưởng lợi vì các nhà sản xuất đang tìm cách dịch chuyển từ chính sách Trung Quốc + 1. Vì vậy, các công ty đang di dời nhà máy đến Việt Nam để có thể sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu toàn cầu.
DN Việt Nam đang tiến lên chuỗi giá trị của may mặc toàn cầu
Một yếu tố thể hiện nền kinh tế Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên trường quốc tế theo ông Don Lam là sự tăng tốc của ngành dệt may. "Ngay cả ngành may mặc, Việt Nam cũng đang tiến lên chuỗi giá trị của may mặc, hiện đang sản xuất cho các thương hiệu cao cấp", ông Don Lam cho biết.
Trong buổi phỏng vấn đầu năm 2024, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) – cũng khẳng định doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam đã thoát "kiếp gia công". Có 4 nguyên nhân thúc đẩy DN dệt may Việt Nam trưởng thành, bao gồm:
Thứ nhất, trừ một số DN nhỏ vẫn làm theo cách làm cũ, thì nhiều DN vừa và lớn hiện đã thay đổi cách mua hàng FOB, ODM và thậm chí là OBM.
Thứ hai cũng là điều cực kỳ quan trọng, chúng ta đã có đội ngũ các nhà thiết kế những dòng sản phẩm không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà cả trên toàn cầu. Hiện nay, các mua hàng của nhãn hàng trên thế giới họ chỉ đưa ý tưởng, hoặc họ khuyến khích chúng ta sáng tạo mẫu rồi gửi họ.
Thứ ba, bán hàng trên mạng phát triển giúp DN Việt có thể tiếp cận rất nhanh thị trường toàn cầu. Ví dụ, Mỹ khi mua hàng đơn hàng dưới 800 USD thì miễn thuế toàn bộ, điều này khiến việc bán hàng trên mạnh giúp Việt Nam bán hàng đi được nhiều nước trên mạng. Đây là xu thế tất yếu, và Việt Nam chủ động bắt xu hướng rất nhanh.
Thứ tư, cách mua hàng của nhãn hàng lớn thay đổi, ngày này họ muốn mua trực tiếp (bỏ hết các bên trung gian). Nên "gia công" là cách nói cũ, cách nói trước đây chứ bây giờ đã không còn phù hợp. Vì cách mua hàng của khách hàng đã thay đổi, họ sẽ không bỏ tiền ra trước như xưa mà DN Việt Nam phải bỏ tiền ra, bỏ công nghệ ra làm sản phẩm và bán cho họ.
Bên cạnh nhận định nền kinh tế phát triển, DN chủ động hơn trong cuộc chơi hội nhập… khi nói về thay đổi lớn nhất mà ông Don Lam thấy được trong 30 năm ở Việt Nam, ông nói: "Đó chính là đời sống của người dân ổn định hơn, giàu có hơn và hạnh phúc hơn".