MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành hàng không sẽ “bớt khó” năm 2021

Ngành hàng không sẽ “bớt khó” năm 2021

Bối cảnh đặt ra nhiều tín hiệu lạc quan đối với nền kinh tế trong nước cũng như khả năng phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, ngành hàng không đang kỳ vọng nhất tới khả năng sớm được cất cánh trở lại với những chặng bay từ quốc gia này tới quốc gia khác.

Hơn 200 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Lô vắc xin 117.600 liều Astrazeneca đầu tiên theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều đã về tới Việt Nam ngày 24/2/2021 và sẽ được ưu tiên trước tiêm cho 11 đối tượng đã được xác định trong thời gian tới.

Cùng nhìn lại năm 2020, ngành hàng không Việt Nam cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, với tổng số chuyến bay do 3 hãng hàng không trong nước khai thác (Vietnam AirlinesVietJet Air và Bamboo Airways) giảm 38% so với cùng kỳ, đạt 337.000 chuyến bay trong năm 2020.

Ngành hàng không sẽ “bớt khó” năm 2021 - Ảnh 1.
 

Trong năm 2020, các hạn chế về biên giới khiến hầu như không có các chuyến bay quốc tế thường xuyên, trong khi thị trường trong nước lại dư cung khiến tổng quy mô đội bay của các hãng hàng không nội địa đều giảm.

Chật vật với năm 2020, những gì các hãng hàng không Việt Nam đạt được được coi là "ngoạn mục" so với nhiều hãng hàng không trên thế giới, như hãng hàng không lớn nhất Virgin Australia đã sụp đổ, hãng hàng không lớn thứ hai Mỹ Latinh -Avianca Holdings nộp đơn xin phá sản, tiếp theo là AirAsia Nhật Bản...

Dự báo năm 2021 khó khăn vẫn còn, tuy nhiên, mức độ giảm 50% so với năm vừa qua.

VIETNAM AIRLINE LỖ ÍT HƠN NHIỀU SO VỚI DỰ KIẾN

Khó khăn chung của ngành đã phản ánh lên kết quả kinh doanh của các hãng hàng không thậm chí phần lớn đều lỗ nặng trong những quý dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Quay lại thời điểm quý 1/2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines (mã HVN) đạt 19.212 tỉ đồng, giảm 6.712 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019, lỗ 2.383 tỉ đồng.

Vào thời điểm đó,  Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhận định, Vietnam Airline là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 và dự báo, trong diễn biến phức tạp, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỉ đồng, giảm 72.411 tỉ đồng so với kết hoạch, ước lỗ 19.651 tỉ đồng.

Tuy nhiên, những tín hiệu lạc quan đã bắt đầu xuất hiện vào quý IV của năm 2020, khi tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát tốt.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020, Vietnam Airlines  ghi nhận doanh thu 8.202 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ. Dù vậy, đây vẫn là con số "khởi sắc" do quý 4/2020 Việt Nam hầu như đã kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, các đường bay nội địa đã ổn định, các hãng hàng không cùng với các doanh nghiệp bất động sản du lịch, các công ty lữ hành cùng bắt tay nhau tạo ra ra nhiều "combo" kích cầu nội địa với mức giá hấp dẫn.

Ngành hàng không sẽ “bớt khó” năm 2021 - Ảnh 2.
 

Trong kỳ, các chi phí vận hành đã được cắt giảm mạnh, nhưng Vietnam Airlines vẫn lỗ ròng 422 tỷ đồng trong đó lỗ của công ty mẹ 373 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 55 tỷ đồng. Kết quả này nâng mức lỗ ròng cả năm 2020 lên 10.845 tỷ đồng.

Thời điểm 31/12/2020, Vietnam Airlines lỗ luỹ kế gần 9.260 tỷ đồng. Đây là mức lỗ thấp so với dự báo từ quý 1/2020.

VIETJET AIR & BAMBOO AIRWAYS BÁO LÃI 

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hoạt động vận chuyển hành khách của VietJet Air giảm đáng kể kéo theo doanh thu cả năm của hãng cũng giảm 64% xuống 18.210 tỷ đồng.

VietJet Air đã chuyển đổi cấu hình một số tàu bay thành vận tải hàng hóa, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hoá cho đội bay. Doanh thu bán vận chuyển hàng hoá trong và ngoài nước đạt mức tăng trưởng tăng 75% trong quý 4/2020 và 16% cho cả năm.

Ngành hàng không sẽ “bớt khó” năm 2021 - Ảnh 3.
 

Kết thúc năm 2020, VietJet Air (mã VJC) báo lãi 995 tỷ đồng trong quý 4, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm đạt 70 tỷ đồng và là lọt vào danh sách một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới có lãi trong năm 2020.

Bên cạnh VietJet Air, Bamboo Airways cũng cho biết, hãng hàng không này cũng có lãi trong năm 2020 với lợi nhuận trước thuế ước khoảng hơn 400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2020, Bamboo Airways vận chuyển hơn 4 triệu lượt hành khách, tăng 40% về số lượng chuyến bay và sản lượng khách so với năm 2019. Bamboo Airways là hãng hàng không trong nước phục hồi hoạt động nhanh sau dịch bệnh theo thống kê của Cục hàng không Việt Nam. Đặc biệt, hãng vẫn liên tục duy trì ổn định vị thế hãng bay có tỷ lệ đúng giờ cao nhất Việt Nam, với tỷ lệ đúng giờ trung bình lên tới 95,8%.

Ở chiều ngược lại, Vietravel (mã VTR), đơn vị mới cho ra mắt hãng hàng không Vietravel Airlines cuối năm 2020 cũng trải qua một năm đầy khó khăn. Doanh nghiệp này báo lỗ 16,3 tỷ đồng quý 4, qua đó đào sâu khoản lỗ ròng cả năm xuống mức 90 tỷ đồng trong khi cùng kỳ số lãi là 40 tỷ đồng. Kết quả này khiến Vietravel lỗ lũy kế hơn 15 tỷ đồng thời điểm 31/12/2020.

Năm 2020, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietravel đều bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 khiến doanh thu của Vietravel giảm tới 73% so với năm trước, đạt 1.936 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành chỉ bằng 1/5 năm trước, đạt 1.215 tỷ đồng trong khi hoạt động bán vé máy bay cũng chỉ mang về 463 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm trước.

NỘI ĐỊA VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG TRỌNG TÂM

Theo báo cáo triển vọng năm 2021, SSI Research cho rằng ngành hàng không có thể phục hồi khi các vắc xin được sử dụng trên quy mô lớn, tuy nhiên điều này chỉ có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2021 và thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022.

Năm 2021, thị trường nội địa được nhận định vẫn sẽ là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không. Chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách.

Theo đánh giá của SSI Research, lợi nhuận ngành hàng không có khả năng phục hồi, nhưng vẫn ở mức âm đối với tất cả các hãng hàng không vì các yếu tố tải và sản lượng dự kiến sẽ còn ở mức thấp trong năm 2021.

Trong kịch bản cơ sở, SSI Research ước tính ngành hàng không sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019 (75 triệu hành khách). Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu khách (đạt khoảng 34% mức trước Covid).

Mặt khác, giá dầu tăng trong năm 2021 cũng cho thấy khó khăn trong bài toán cân đối kinh doanh đối với các hãng hàng không, cạnh tranh trong nước sẽ ngày càng gay gắt. Việc thiếu các chuyến bay quốc tế sẽ buộc các hãng hàng không phải sử dụng tất cả các máy bay phục vụ trong thị trường nội địa, cuộc chiến cạnh tranh về giá vé theo chiều hướng giảm sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới.

Đánh giá hàng không Việt Nam sẽ từng bước phục hồi trong diễn biến mới, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các hãng nghiên cứu để trình Chính phủ các kế hoạch mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát.

Theo Thanh Hà

BizLIVE

Trở lên trên