Ngành hàng không tiếp tục xin miễn giảm thuế, Bộ Tài chính nói gì?
Trước đề xuất miễn, giảm một số loại thuế trong năm 2022 của doanh nghiệp hàng không, Bộ Tài chính cho biết thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
- 27-04-2022Các hãng hàng không phục vụ khách bay thế nào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5?
- 16-04-2022Xem xét chuyển sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế
- 13-04-2022Vì sao Cục Hàng không đề xuất tăng trần vé máy bay thời điểm này?
Ngày 29-4, Bộ Tài chính đã có phản hồi về việc một số hãng hàng không kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm nay, giảm thuế giá trị gia tăng xuống mức 5% và điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không từ mức 7% xuống 0%.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước nói chung, ngành hàng không nói riêng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cơ quan này đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp ngành hàng không), tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ là khoảng 129 ngàn tỉ đồng. Trong năm 2021, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 ngàn tỉ đồng.
Riêng đối với ngành hàng không, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 nghị quyết để giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong các năm 2020, 2021 và 2022.
Bộ Tài chính cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sự tăng giá mặt hàng xăng, dầu gần đây đã tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước, không chỉ riêng ngành hàng không.
Năm 2022, nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế có thể sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tiếp tục thực hiện các giải pháp giãn, giảm một số khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
So với nhiều ngành sản xuất khác, Bộ Tài chính cho rằng ngành hàng không bên cạnh được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung còn được áp dụng chính sách hỗ trợ về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay ngay từ khi thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Trong bối cảnh cân đối ngân sách còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc đặt vấn đề bổ sung thêm các giải pháp để hỗ trợ cho ngành hàng không cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước.
Dẫn quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng nhiên liệu bay là 7%. Nhiên liệu bay nhập khẩu từ một số quốc gia có ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam là thành viên được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp hơn (5%) trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Bên cạnh đó, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng hiện đang được quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng. Do đó, kiến nghị giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống mức 5% và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hàng không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Đối với thuế giá trị gia tăng, hiện nay, các doanh nghiệp hàng không cũng đang được hưởng lợi từ chính sách giảm 2% mức thuế suất quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho một số đối tượng, trong đó có ngành hàng không.
Người lao động