Ngành học đang vô cùng thiếu hụt nhân sự, bao nhiêu tập đoàn lớn "trải thảm" chào đón mà mức lương thì chỉ có thể thốt lên: Trên cả mơ ước
Ngành học có cơ hội việc làm dồi dào, mức lương thì "không phải dạng vừa", thật là một lựa chọn không thể bỏ qua khi chọn ngành.
- 04-12-2020Một ngành học không bao giờ lo thất nghiệp mà còn khiến nhiều người nể phục, đến cả tiến sĩ đại học Harvard cũng đề cao như thế này
- 01-12-2020Ngành học của tương lai: Mới ra trường lương ngàn đô, muốn khởi nghiệp làm ông chủ cũng không phải là điều khó khăn mà xét tuyển chỉ từ 15 điểm
- 28-11-2020Một ngành học siêu tiềm năng, không bao giờ lo thất nghiệp, lương nhân viên đã hơn 30 triệu lại còn thoải mái vi vu khắp mọi nơi
Khi cuộc sống ngày càng cải thiện, nhu cầu của người dân không còn là "cơm no" mà là "cơm ngon, thức ăn sạch". Nhiều người sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn để sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe.
Trong khi đó, với thế mạnh về nguồn nguyên liệu phong phú đặc sắc về các nhóm hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, rau quả... không chỉ cung cấp cho hơn 97 triệu người dân ngay trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu ra thế giới hàng triệu container mỗi năm với đa dạng các mặt hàng nông sản, thủy hải sản,… tươi ngon.
Công nghệ thực phẩm là 1 trong 5 ngành thuộc khối ngành công nghệ. (Ảnh minh họa)
Đóng góp công sức to lớn cho hoạt động này chính là nguồn nhân lực Công nghệ thực phẩm. Từ thực phẩm tươi sống như cá, tôm, thịt đến các sản phẩm từ sữa, rượu - bia - nước giải khát đến các sản phẩm tinh bột như ngũ cốc, bột mì,… đều cần có công nghệ chế biến hiện đại để thực phẩm được bảo quản lâu và an toàn.
Công nghệ thực phẩm - ngành học của sự sáng tạo
Có bao giờ bạn thắc mắc quy trình làm ra những chiếc kẹo, gói bánh mà chúng ta hay ăn như thế nào? Hàm lượng chất dinh dưỡng ra sao? Bảo quản đồ ăn như thế nào để không mất chất? Tất cả sẽ được sáng tỏ khi bạn theo học ngành Công nghệ thực phẩm.
Nhắc đến thực phẩm là nghĩ ngay đến… thức ăn và thực phẩm, hẳn nhiên rồi! Tuy nhiên, với ngành Công nghệ thực phẩm, bạn còn có cơ hội khám phá nhiều điều thú vị mà chỉ “người trong cuộc” mới hiểu hết.
Công nghệ thực phẩm là 1 trong 5 ngành thuộc khối ngành công nghệ chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,… Đây là ngành học được Chính phủ lựa chọn là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035.
Khi chọn ngành Công nghệ thực phẩm, bạn sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về hóa học, hóa sinh, vi sinh thực phẩm, dinh dưỡng,… và những kiến thức chuyên sâu về nguyên liệu chế biến, phụ gia thực phẩm, quy trình phân tích, đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế nhà máy.
Cũng như công nghệ chế biến đối với từng sản phẩm như thịt cá, rau quả, thủy hải sản, trà, cà phê, rượu bia, nước giải khát,… để từ đó bạn có thể “biến tấu” thành những sản phẩm riêng của mình.
Ngành công nghệ thực phẩm ở Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)
Hiệp định Thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) được thông qua vào đầu tháng 2/2020 tiếp tục mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm thâm nhập vào các thị trường tiềm năng tại nước ngoài.
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nhân lực.
Nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Đó là khó khăn của nền kinh tế, nhưng cũng chính là cơ hội để các kỹ sư công nghệ thực phẩm chớp lấy và thành công.
Vì vậy, học ngành Công nghệ thực phẩm cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn một mảnh đất màu mỡ để khai thác và thể hiện bản thân. Đây là một ngành học hấp dẫn với triển vọng việc làm rộng mở tại các doanh nghiệp nội địa lẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Mức lương thu hút
Sinh viên mới ra trường thường làm tại các vị trí thấp và cơ bản nên mức lương khởi điểm rơi vào khoảng 7 triệu đến 8 triệu đồng/tháng. Sau khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, bạn sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến trong ngành nghề hơn.
Mức lương của các chuyên viên, kỹ sư, quản lý, giám sát bộ phận có thể lên đến 20-30 triệu đồng/tháng. Nếu làm việc ở những tập đoàn lớn của nước ngoài, mức lương có thể lên đến 2.000 USD - 3.000 USD/tháng tuỳ theo tầm quan trọng của vị trí công việc.
Nhiều doanh nghiệp thực phẩm liên tục được xây dựng, đầu tư để đa dạng hóa chủng loại và chất lượng sản phẩm. Do vậy, thị trường lao động luôn có những vị trí tuyển dụng thích hợp để chào mời và làm hài lòng các kỹ sư công nghệ thực phẩm.
Có thể kể đến một số tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đã quen thuộc với chúng ta như Kinh Đô, Sài Gòn Food, T&T Group, Trung Nguyên, Vinamilk, TH True Milk, Vina Acecook, Vinacafe, Masan, Vissan, Cholimex…
Nhìn đâu cũng thấy cơ hội việc làm
Công nghệ thực phẩm trang bị cho người học những kiến thức về bảo quản, chế biến, đánh giá, kiểm định chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; vận hành dây chuyền sản xuất. Ngành học này đào tạo ra đội ngũ kỹ thuật viên, chuyên gia và các nhà nghiên cứu, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời là nguồn nhân lực cốt lõi trong các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Ứng dụng của ngành này vô cùng đa dạng và gần gũi với đời sống hàng ngày của chúng ta. Cơ hội việc làm ngành công nghệ thực phẩm cũng rất rộng mở.
Học Công nghệ thực phẩm không chỉ để làm... đầu bếp. (Ảnh minh họa)
Học Công nghệ thực phẩm vì thế không chỉ để làm... đầu bếp. Sau tốt nghiệp, sinh viên có thể làm ở các vị trí:
Nhân viên phụ trách kỹ thuật dây chuyền chế biến, bảo quản, kiểm định thực phẩm.
Nhân viên nghiên cứu nâng cao chất lượng, cải thiện kỹ thuật chế biến thực phẩm trong các phòng Nghiên cứu - Phát triển sản phẩm.
Nhân viên phụ trách kỹ thuật trong hệ thống phân phối và tiếp thị sản phẩm thực phẩm.
Nhân viên tư vấn về quy định và luật thực phẩm.
Chuyên viên kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ quan kiểm nghiệm, trung tâm dinh dưỡng.
Nghiên cứu viên tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về công nghệ thực phẩm của Việt Nam và nước ngoài.
Học Công nghệ thực phẩm ở đâu?
Nếu yêu thích và có mong muốn tìm hiểu chuyên sâu về ngành học độc đáo này, bạn có thể tham khảo một số trường đại học có đào tạo ngành này như:
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Điểm chuẩn: 21,15)
Đại học Nông Lâm TP. HCM (Điểm chuẩn: 23,00)
Đại học Công nghệ TP. HCM (Điểm chuẩn: 18,00)
Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. HCM (Điểm chuẩn: 22,50)
Đại học Bách Khoa Thành phố TP. HCM (Điểm chuẩn 25,00)
Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (Điểm chuẩn: 15,00)
Đại học Đông Á (Điểm chuẩn: 14,00)
Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo những cái tên đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm sau: Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. HCM; Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; Đại học Nông lâm - Đại học Huế; Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên; Đại học Công nghiệp TP. HCM; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM...
Pháp luật và Bạn đọc