MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành học đòi hỏi sinh viên phải có ngoại hình cao nhưng cơ hội việc làm may rủi: Hên thì kiếm lương chục tỷ, không thì nguy cơ thất nghiệp lơ lửng

21-12-2020 - 09:36 AM | Sống

Ngành học đòi hỏi sinh viên phải có ngoại hình cao nhưng cơ hội việc làm may rủi: Hên thì kiếm lương chục tỷ, không thì nguy cơ thất nghiệp lơ lửng

Nếu thành công, bạn có thể kiếm được mức lương cực khủng nhờ ngành học siêu hot này.

Trở thành diễn viên nổi tiếng là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Bởi một khi nổi tiếng, bạn sẽ có mức thu nhập cực khủng, không chỉ đến từ những bộ phim mà còn cả hợp đồng quảng cáo, tham gia gameshow,... Chính vì vậy ngày một nhiều người quyết theo đuổi con đường nghệ thuật.

Tất nhiên để thành công, ngoài các yếu tố ngoại hình, may mắn, đam mê thì bạn cần phải có cả tài năng diễn xuất. Bởi nếu không có tài năng thì sự nổi tiếng chỉ nhất thời, khó duy trì được lâu. Hiện tại để được đào tạo diễn xuất chuyên nghiệp, bạn có thể theo học ngành diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Đây chính là cái nôi đào tạo nghệ thuật lớn nhất cả nước.

Ngành học đòi hỏi sinh viên phải có ngoại hình cao nhưng cơ hội việc làm may rủi: Hên thì kiếm lương chục tỷ, không thì nguy cơ thất nghiệp lơ lửng - Ảnh 1.

Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Ngành Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình thi khối gì, lấy bao điểm?

Với khối ngành nghệ thuật, thí sinh sẽ thi khối S, gồm 2 môn: Ngữ Văn (thi theo đề chuẩn của Bộ giáo dục) và môn Năng khiếu. Môn năng khiếu sẽ nhân đôi hệ số điểm. Thí sinh dự thi ngành diễn viên sẽ có 2 vòng thi, vòng sơ tuyển và vòng chung tuyển. Vòng sơ tuyển thi về ngoại hình, giọng nói. Với thí sinh nam thì phải cao tối thiểu 1m65, nữ 1m55. Các thí sinh không nói ngọng, nói lắp, không khuyết tật, đủ sức khỏe tham gia và trình bày một bài hát, thơ, tự thể hiện 1 tình huống kịch trong vòng 10 phút.

Với vòng thi chung tuyển: Thí sinh sẽ biểu diễn một tiểu phẩm theo đề thi, thời gian 10 phút, không có người hỗ trợ.

Là trường top đầu về đào tạo nghệ thuật nên điểm chuẩn của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khá cao. Năm 2018, trường lấy 14,5 điểm, trong đó môn năng khiếu phải đạt 12,5 điểm. Chỉ tiêu của trường năm đó chỉ có 37 sinh viên, tỷ lệ chọi ở mức 1/20. Vậy nên những thí sinh muốn đỗ, theo học ở trường phải có năng khiếu tốt vì đây là môn tiên quyết, nhân đôi số điểm của bạn. Môn năng khiếu thấp khả năng thi trượt là rất cao.

Ngành học đòi hỏi sinh viên phải có ngoại hình cao nhưng cơ hội việc làm may rủi: Hên thì kiếm lương chục tỷ, không thì nguy cơ thất nghiệp lơ lửng - Ảnh 2.

Ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh - truyền hình có tỷ lệ chọi cao.

Ngành Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình học những gì?

Khi trúng tuyển, sinh viên sẽ được học những môn kiến thức cơ bản bắt buộc theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, chương trình đào tạo Diễn viên Kịch – Điện ảnh được tổ chức như sau:

Năm 1: Sinh viên được rèn luyện hệ thống kỹ năng cơ bản về nghệ thuật biểu diễn như: cảm thụ, phán đoán, giao lưu, tưởng tượng, thích ứng… nhằm bảo đảm tính chân thực trong biểu diễn, tính tích cực, cách triển khai và ý nghĩa của hành động. Sinh viên được học cách chuyển dịch từ các chất liệu văn học như truyện ngắn, một phần tiểu thuyết sang hành động của nghệ thuật biểu diễn và làm các bài tập thực hành về nó do sinh viên tự sáng tạo.

Năm 2: Sinh viên bắt đầu rèn luyện tính chuyên nghiệp của nghề nghiệp diễn viên thông qua việc tiếp cận kịch bản văn học và nhân vật kịch ở mức độ trích đoạn của các vở kịch Việt Nam hiện đại, kịch về đề tài lịch sử và văn hoá truyền thống. Trên cơ sở phân tích đánh giá đúng nội dung kịch bản và nhân vật kịch, sinh viên được trang bị kiến thức và phương pháp nghiên cứu sẽ bước đầu trực tiếp thực hành sáng tạo các vai diễn thích hợp được trích từ các tác phẩm đó.

Ngành học đòi hỏi sinh viên phải có ngoại hình cao nhưng cơ hội việc làm may rủi: Hên thì kiếm lương chục tỷ, không thì nguy cơ thất nghiệp lơ lửng - Ảnh 3.

Năm 3: Sinh viên được tiếp tục rèn luyện tính chuyên nghiệp của nghề nghiệp diễn viên thông qua việc tiếp cận và thực hiện các vai diễn trong các tác phẩm kịch kinh điển của thế giới (nước ngoài và cổ điển). Điều này sẽ giúp sinh viên trang bị cho bản thân phong cách biểu diễn phong phú. Sinh viên cũng sẽ có thể được học các chuyên gia về diễn xuất đến từ các nước như Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc… cũng như được tạo mọi điều kiện để có thể tham gia các bộ phim điện ảnh, truyền hình trên cả nước.

Năm 4: Tổng hợp các kiến thức và kĩ năng qua 3 năm học, sinh viên tham gia một vai diễn (đảm bảo đầy đủ đời sống nhân vật) trong một vở kịch hoàn chỉnh (vở tiền tốt nghiệp và vở diễn tốt nghiệp). Sinh viên có thể được đi biểu diễn thực tập trước khán giả qua những vở diễn trên.

Ngoài ra trong 4 năm học, sinh viên sẽ được học các môn bổ trợ khác như: hóa trang, lịch sử điện ảnh Việt Nam và thế giới, tâm lý học, mỹ học, phương pháp sân khấu truyền thống, thanh nhạc, múa, phân tích tác phẩm kịch, hình thể, tiếng nói, nghệ thuật tạo hình,...

Khi theo học ở trường, ngoài được các giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy, sinh viên còn được các diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch nổi tiếng đến dạy các môn chuyên ngành, định hướng phát triển nghề nghiệp, tạo các mối quan hệ với các nhà sản xuất phim. Thực tế, rất nhiều sinh viên đã được trao cơ hội đóng phim ngay khi mới năm 1, năm 2.

Ngành học này cũng rất dễ thất nghiệp

Như đã nói ở trên, để thành công với nghiệp diễn, bạn sẽ cần đến các yếu tố: ngoại hình, đam mê, may mắn, tài năng diễn xuất. Thiếu một yếu tố cũng có thể khiến bạn mất đi cơ hội thành công. Thực tế, có rất nhiều người tài năng, ngoại hình có thừa nhưng lại không thể nổi tiếng vì không quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng.

Hay có những người ngoại hình không nổi bật nhưng vẫn nổi tiếng vì sự duyên dáng trong diễn xuất, và cả một chút may mắn. Vì độ may rủi cao nên sinh viên cần suy nghĩ khi lựa chọn theo học ngành Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình. Một khi quyết tâm, bạn nên phấn đấu, theo đuổi đam mê đến cùng.

Theo Thanh Hương

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên