Ngành nào đang bước chân vào môi trường làm việc trên metaverse?
Trào lưu làm việc mọi nơi đang tạo tiền đề cho môi trường làm việc trong vũ trụ ảo, song các ngành nghề nào đang tiên phong?
- 23-04-2022IMF cảnh báo, Nga có thể sử dụng năng lượng bị cấm vận để "đào" tiền điện tử
- 22-04-2022Cách nhận biết và xử lý lừa đảo giả danh Công an
Xu hướng làm việc kết hợp (hybrid) giữa văn phòng và tại nhà được hình thành trong đại dịch, sẽ tiếp tục trở thành xu hướng trong thời gian tới. Nhờ động lực này, kết hợp với những công nghệ mới như VR, AR và trí tuệ nhân tạo, chuyên gia dự báo mô hình làm việc trên metaverse sẽ dần thành hình.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành HP Việt Nam, dẫn khảo sát cho thấy 41% công ty được khảo sát đang cho nhân viên làm việc kết hợp giữa văn phòng và các nơi khác. Trong khi đó, ngày càng nhiều người lao động muốn thời gian làm việc ngắn lại, 42% người khẳng định muốn làm việc 3-4 ngày/tuần.
Trên toàn khu vực, xu hướng làm việc kết hợp cũng ngày càng tăng lên. Ông Ng Tian Chong, Giám đốc HP khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho hay Covid-19 buộc các tổ chức phải cho nhân viên làm việc tại nhà. Đến hiện nay, thói quen làm việc xen kẽ giữa công ty và tại nhà không còn lạ lẫm. Cả doanh nghiệp lẫn nhân viên đều nhận ra những ưu điểm của việc phối hợp giữa các môi trường làm việc khác nhau.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới. Chẳng hạn, các sản phẩm như máy tính, máy in, camera... phải phù hợp với không gian tại nhà lẫn văn phòng. Thay vì thiết kế sản phẩm để đặt một chỗ cố định như trước, các nhà phát triển phải chế tạo với suy nghĩ người dùng sẽ dùng sản phẩm trong khi đang di chuyển.
Môi trường làm việc kết hợp kéo theo nhu cầu bảo mật thiết bị phải cao hơn. Thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, khoảng 6 ngàn cuộc tấn công đã nhắm vào các thiết bị ngoại vi tại Việt Nam. Điều này dấy lên lo ngại về an ninh thông tin khi người lao động làm việc tại nhà - vốn có hệ thống công nghệ không được bảo vệ mạnh mẽ như trong văn phòng.
“Điều này đặt ra nhiệm vụ cho các nhà sản xuất trong việc tăng cường bảo mật phần cứng ở những sản phẩm họ bán ra trong giai đoạn này”, ông Ng Tian Chong nêu quan điểm.
Ngoài ra, khi càng làm việc nhiều trong môi trường Internet, nhiều người cũng muốn hình ảnh của họ chỉn chu hơn trong các cuộc họp hay học tập trực tuyến. Do đó, chất lượng camera ngày càng được chú trọng hơn. Những camera hội thoại độ phân giải 4K đang ngày càng được người dùng mua sắm.
Việc người dùng đã quen với học tập và làm việc online sẽ tạo cơ sở để đưa những khái niệm này lên metaverse dễ hơn, ông Ng Tian Chong dự báo.
Ông Ng Tian Chong, Giám đốc HP khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại diện HP chưa thấy trường hợp khách hàng của công ty ứng dụng metaverse tại Việt Nam, nhưng cho biết một số nước phát triển và trong các ngành đặc thù đã ứng dụng những bước đầu tiên của vũ trụ ảo. Những công nghệ dựa trên VR, AR, AI chính nền tảng cho metaverse.Dù có nhiều hứa hẹn, song ông Ng Tian Chong thừa nhận với ICTnews rằng, metaverse vẫn đang trong giai đoạn khởi phát, cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện. Tuy nhiên khi công nghệ tiến bộ hơn, giá thành sản phẩm rẻ hơn, môi trường làm việc ảo sẽ đến gần hơn với mọi người.
“Hiện nay các mảng như game, nhà máy thông minh, các ngành công nghiệp đang dẫn đầu và bước những bước đi đầu tiên đến metaverse”, lãnh đạo HP thông tin.
Người dùng trong mảng game thường sử dụng thiết bị đắt tiền, trang bị nhiều công nghệ cao cấp, do đó có sẵn cơ sở để tiếp cận với metaverse. Không chỉ vậy, những thiết bị của ngành game còn có thể được ứng dụng sang lĩnh vực khác như kiến trúc.
Chẳng hạn, HP sản xuất một chiếc balo chứa laptop, người dùng có thể đeo sản phẩm này và dùng kính VR đi quanh phòng, nhập vai vào thế giới game VR. Sản phẩm này khi ra thị trường lại thu hút chú ý của giới kiến trúc. Đã có trường hợp kiến trúc sư ứng dụng sản phẩm này để tạo hình toà nhà trong môi trường ảo VR, sau đó di chuyển trong phòng để khám phá các ngóc ngách của công trình ảo.
Ngoài ra, các hoạt động đào tạo trực tuyến ở nhiều nước phát triển hiện nay cũng đang tạo cơ sở để ngành này tiến vào metaverse. Ví dụ một khách hàng của HP ở lĩnh vực hàng không đã sử dụng kính thực tế ảo trong quá trình đào tạo và sửa chữa động cơ máy bay.
Nhờ VR, chuyên gia từ Mỹ không cần bay sang Singapore mà vẫn có thể hướng dẫn từ xa để đào tạo và tham gia sửa chữa động cơ cùng đồng nghiệp.
Hay tại một số nhà máy thông minh ở Singapore hay Úc, doanh nghiệp đã sử dụng rô bốt, trí tuệ nhân tạo, kính VR để thay thế con người trong một số trường hợp.
“Những quốc gia này có chi phí nhân công cao, hoặc nhân sự bị thiếu do Covid-19, nên đã áp dụng các công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh để nâng cao hiệu suất”, ông Ng Tian Chong trả lời ICTnews.
Lãnh đạo HP nhận định những ví dụ sinh động thực tế nói trên chính là những viên gạch đầu tiên xây nên vũ trụ ảo metaverse, có thể ứng dụng trong mọi ngành nghề khác nhau trong tương lai.
ICT News