MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành nghề ở Việt Nam lương lên đến 300 triệu/tháng có nhẹ nhàng "như lời đồn": Đây là tiết lộ của người trong cuộc

14-01-2023 - 07:51 AM | Sống

Nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam chia sẻ những yếu tố quan trọng nếu muốn theo đuổi nghề phi công.

Nghề phi công hào nhoáng, lương cao, được đi du lịch nhiều... Có biết bao nhiêu lý do để khi nhắc đến nghề này, nhiều bạn trẻ luôn ấp ủ ước mơ được một lần khoác lên chiếc áo ngành và bắt đầu hành trình chinh phục bầu trời. Cũng không quá khó hiểu khi phi công hiện đang được xem là một trong những ngành nghề hot nhất tại Việt Nam và cả ở thế giới.

Khác với suy nghĩ của khá nhiều người cho rằng phi công chỉ có nhiệm vụ ngồi trong buồng lái và điều khiển máy bay, thực tế, nhiệm vụ của một phi công bắt đầu từ trước khi cất cánh. Họ nộp kế hoạch bay, tiến hành một số quy trình kiểm tra quan trọng như thời tiết, tình trạng phi cơ, nhiên liệu, trọng lượng hành khách và hành lý.

Ngành nghề ở Việt Nam lương lên đến 300 triệu/tháng có nhẹ nhàng như lời đồn: Đây là tiết lộ của người trong cuộc - Ảnh 1.

Phi công hiện đang là một trong những ngành nghề hot nhất tại Việt Nam và cả ở thế giới. Ảnh minh họa.

Trong chuyến bay, phi công phải giám sát các thiết bị của máy bay và tất cả liên lạc vô tuyến, sử dụng dữ liệu nhận được để đánh giá và phát hiện bất cứ vấn đề nào có khả năng ảnh hưởng đến phi cơ. Họ cần duy trì liên lạc với đài kiểm soát không lưu để tiếp nhận và tuân theo những chỉ dẫn về cất hạ cánh an toàn trên đường băng được chỉ định. Phi công cũng giám sát tất cả nhân viên trong khoang máy bay và buồng lái.

Theo Cục Hàng không Việt Nam ước tính, số máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ tăng từ hơn 200 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc vào năm 2023. Hãng Boeing tính toán với mỗi tàu bay mới cần khoảng 14 phi công để khai thác, Việt Nam sẽ cần thêm hơn 1.900 phi công đến năm 2023, tương đương hơn 400 phi công mỗi năm.

Học Phi công có khó không?

Để trở thành phi công lái máy bay dân dụng, các học viên sẽ phải trải qua khâu tuyển chọn vô cùng khắt khe, nghiêm ngặt về cả thể hình và thể lực, ngoài ra còn yêu cầu trình độ tiếng Anh. Tại Trường đào tạo phi công Bay Việt, học viên phải trải qua phần Thi tuyển đầu vào, Huấn luyện lý thuyết ATP, Huấn luyện bay, Huấn luyện MCC/JET FAM. Ngoài ra còn có Huấn luyện quân sự (Yêu cầu riêng của Vietnam Airlines) và Huấn luyện sau cơ bản (tại Hãng), trong đó bao gồm Huấn luyện chuyển loại và Huấn luyện Base & Line.

Với phần Thi tuyển đầu vào, thí sinh sẽ trải qua 3 vòng: Vòng 1 - CBT: Thi tiếng Anh kỹ năng Nghe & Đọc; Vòng 2 - ADAPT: Bài trắc nghiệm trên máy tính đánh giá sự thích ứng, tố chất, năng khiếu bay và tiềm năng phát triển trong nghề phi công; Vòng 3 - Hội đồng giám khảo phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh.

Sau chương trình phi công cơ bản, học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành lái phụ rồi phải cần thêm hàng nghìn giờ bay và nhiều năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành lái chính. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm các phi công phải trải qua từ 1 đến 2 đợt khám sức khỏe và 6 kỳ thi chuyên môn.

Ngành nghề ở Việt Nam lương lên đến 300 triệu/tháng có nhẹ nhàng như lời đồn: Đây là tiết lộ của người trong cuộc - Ảnh 2.

Quy trình huấn luyện Phi công của trường Bay Việt.

Còn tại học viện Hàng không Vietjet (VJAA), học viên sẽ trải qua 1 khóa học lý thuyết và 3 giai đoạn của chương trình thực hành bay trong khoảng thời gian 20 tháng huấn luyện. Người tham gia phải trong độ tuổi từ 18 - 35; tốt nghiệp THPT trở lên có trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 5.0 trở lên. Chiều cao, cân nặng với nam là từ 1m65/54kg, nữ là từ 1m60/48kg trở lên. Tiêu chuẩn sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe loại 1 đối với phi công dân dụng của Cục Hàng không Việt Nam.

Lương khởi điểm hấp dẫn, nhu cầu lớn thế nhưng việc tuyển dụng phi công ở Việt Nam vẫn không dễ dàng. Một phần lý do nằm ở mức chi phí đào tạo đắt đỏ. Học viên Phi công của Bay Việt sẽ tiêu tốn khoảng 1,8 tỉ đồng trong khoảng thời gian 18 - 20 tháng. Giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57.000 - 65.000USD (1,3 - 1,6 tỉ đồng).

Mức lương Phi công ra sao?

Phi công thường không nhận lương theo tháng mà thường được trả theo giờ, dựa trên thời gian bay và theo ngày. Tương tự tất cả ngành nghề khác, phi công càng nhiều kinh nghiệm thì mức lương theo giờ càng cao.

Trong năm 2018, Vietnam Airlines công bố mức thu nhập bình quân cho phi công là 132,5 triệu đồng/tháng (khoảng 1,5 tỉ đồng/ năm). Mức lương cao nhất dành cho công việc này của hãng có thể lên đến 300 triệu đồng. Đây là thu nhập dành cho những phi công có khả năng đào tạo cho người khác. Mức lương này thay đổi dựa vào năng lực, vị trí trong buồng lái và loại máy bay phi công điều khiển.

Trong khi đó, trong báo cáo thường niên của Vietjet Air năm 2017, thu nhập trung bình của phi công là 180 triệu đồng/tháng, tương ứng khoảng 2,2 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, mức thu nhập của phi công lái các dòng máy bay thân rộng như Boeing 787 hay Airbus A350 cao hơn nhiều những đồng nghiệp lái các dòng tàu bay thân hẹp Airbus A320, Boeing 737.

Trong thông báo tuyển phi công để phục vụ kế hoạch phát triển các đường bay mới của hãng năm 2022, mức thu nhập tối đa mà Bamboo Airways đưa ra lên đến 13.300 USD/tháng (khoảng 300 triệu đồng) cho cơ trưởng dòng máy bay thân rộng Boeing 787, cơ phó là 8.000 USD/tháng (khoảng 180 triệu đồng); thu nhập tối đa cho cơ trưởng và cơ phó ở dòng máy bay thân hẹp Airbus và Embraer 190 lần lượt khoảng 10.450 USD/tháng (khoảng 236 triệu đồng) và hơn 6.300 USD/tháng (khoảng 142 triệu đồng).

Muốn "trụ" lại lâu dài với nghề Phi công, cần nhất là đam mê

Nói về nghề phi công, chị Nguyễn Ly Hương, nữ Cơ trưởng Việt Nam đầu tiên - một trong hai nữ phi công đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam cho rằng: Bạn có thể đến với nghề vì cảm thấy làm phi công khá "hào nhoáng", thu nhập cao, nhưng để trụ lại lâu dài, cần nhất vẫn là sự đam mê.

Đặc biệt hiện nay Việt Nam đã có thêm rất nhiều nữ phi công, điều đó cho thấy các bạn nữ đã có cái nhìn khác về nghề được cho là "đặc quyền của nam giới". Tuy nhiên, dù là nam hay nữ thì tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng là như nhau, yêu cầu sức khoẻ cũng vậy. Hoàn toàn không có sự phân biệt và ưu tiên gì khác.

Tất cả đều phải có tính trách nhiệm cao và luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình. Ai cũng phải đều đặn vượt qua các bài kiểm tra SIM, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các môn phối hợp hằng năm, nếu không đạt là phải làm lại đến đạt mới được bay. Trên máy bay cũng vậy, họ đều luôn phải thực hiện tất cả các thao tác với độ chuẩn xác như nhau.

Để trở thành nữ Phi công, chị Hương trải qua quá trình đào tạo với 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 là đào tạo huấn luyện phi công cơ bản. Chị Hương bắt đầu vào học dự khoá tại trung tâm huấn luyện bay (FTC) từ tháng 1/2006. Sau đó đến tháng 1/2007, chị vượt qua kì thi tuyển cùng 20 bạn đi học đào tạo phi công cơ bản tại trường đào tạo phi công ESMA, thành phố Montpellier, nước Pháp.

Ngành nghề ở Việt Nam lương lên đến 300 triệu/tháng có nhẹ nhàng như lời đồn: Đây là tiết lộ của người trong cuộc - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Ly Hương, nữ Cơ trưởng Việt Nam đầu tiên - một trong hai nữ phi công đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam.

Giai đoạn 2 là huấn luyện phi công chuyển loại. Sau khi hoàn thành xong 2 giai đoạn này thì sẽ chính thức trở thành một cơ phó của một loại máy bay. Chị Hương bắt đầu chuyển loại máy bay A350 từ tháng 6/2021 với kinh nghiệm 10 năm bay máy bay ATR72, 3 năm bay máy bay A321. Lịch làm việc hiện tại theo chị Hương không quá áp lực, 1 tháng khoảng 70 giờ bay, trừ những tháng cao điểm sẽ bận rộn hơn.

Chị Hương cho biết, làm phi công sẽ thường xuyên bay qua nhiều vùng, miền khác nhau trên thế giới, với giờ giấc và thời tiết thay đổi liên tục và tiếp xúc nhiều với sóng điện từ trong buồng lái. Tuy nhiên, đây là những khó khăn có thể thích nghi được. Bù lại, công việc mang lại nhiều cơ hội để không ngừng học hỏi, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nghề phi công cũng bình đẳng, không đòi hỏi các mối quan hệ xã hội nhiều mà quan trọng nhất là năng lực của mỗi người. Bạn được đi đây đi đó nhiều nơi, khám phá nhiều vùng đất mới.

Nghề phi công học khó, với những yêu cầu khắt khe, nếu không kiên trì mọi thứ dễ đổ bể giữa chừng. Vậy nên, yếu tố quan trọng để theo đuổi nghề chính là sự hiểu biết nhất định về nghề nghiệp để chuẩn bị tâm lý; có năng lực, trình độ và đam mê. Ban đầu, có thể bạn đến với nghề vì những lý do khác nhau như vì sự hào nhoáng hay thu nhập, nhưng nếu đã trụ được với nghề thì sẽ ở lại vì yêu thích. Những lúc đi bay 4 chặng mệt mỏi hay thời tiết xấu thì nghề phi công không còn hào nhoáng gì cả.

Đặc thù riêng biệt của ngành nghề là đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt đúng, đầy đủ quy trình làm việc của hãng hàng không nhằm đảm bảo các chuyến bay được thực hiện an toàn và hiệu quả tốt nhất.

Theo Hiểu Đan

Thể thao văn hóa

Trở lên trên