MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành rượu mạnh thế giới khát khao thị trường Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên đán

30-01-2022 - 19:17 PM | Thị trường

Ngành rượu mạnh thế giới khát khao thị trường Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán là “chìa khóa” cho doanh số bán đồ uống ở thị trường Viễn Đông, với khoảng thời gian bán hàng trước Tết luôn làm thay đổi doanh thu của quý I cũng như dữ liệu về lợi nhuận của những ‘gã khổng lồ” về rượu mạnh như Diageo, Pernod Ricard và Rémy Cointreau.

Tết Nguyên đán Canh Dần bắt đầu từ ngày 1/2/2022, với kỳ nghỉ (Lễ hội mùa xuân) kéo dài 2 tuần ở Trung Quốc, là khoảng thời gian quan trọng để diễn ra các buổi tiệc tùng và tặng quà, đặc biệt là các loại rượu mạnh – đang chiếm ưu thế trong danh sách mua sắm.

Hãng Alibaba ước tính rằng 30% doanh số bán rượu của họ được mua làm quà tặng có liên quan đến lễ hội. Và hầu như số rượu đó chỉ nằm trong khung giá cao cấp.

Tuy nhiên, trong khi tất cả các công ty toàn cầu đều đang hết sức nỗ lực để giành lấy thị phần ngày càng tăng ở Trung Quốc (thị trường lớn thứ hai của Pernod Ricard và cũng rất quan trọng đối với Rémy Cointreau), thị trường này vẫn bị chi phối gần như tuyệt đối bởi rượu Baijiu (Bạch Tửu, chiếu 96% tổng thị trường tiêu thụ rượu ở Trung Quốc.

Số liệu mới nhất cho thấy Cognac chỉ chiếm 3% thị phần và scotch whisky chỉ có 1% ở thị trường này. Các loại rượu mạnh khác như gin, Tequila hoặc vodka hầu như không có mặt trong danh sách thống kê.

Baijiu được coi là quốc hồn quốc túy ở Trung Quốc, được sản xuất bằng cách làm lên men gạo hoặc lúa miến. Đây đã là một phần quan trọng của văn hóa kể từ thời nhà Minh, bắt đầu vào giữa thế kỷ 14.

Statista ước tính doanh số bán Baijiu vào năm 2020 đạt 92 tỷ USD, dù bị kìm hãm bởi đại dịch Covid-19 tác động đến việc tiêu thụ trong các lễ mừng năm mới ở Trung Quốc. Thị trường rượu này hiện nay ước tính trị giá khoảng 100 tỷ USD.

Để so sánh, năm 2021, thị trường tất cả các loại rượu whisky trên toàn cầu là khoảng 80 tỷ USD, trong đó rượu whisky Scotch ước tính khoảng 5,5 tỷ bảng Anh (7,5 tỷ USD).

Nhưng rượu Baijiu là một danh mục bao gồm tất cả các loại rượu sản xuất trong nước, có thể có giá chỉ vài xu cho một loại đồ uống nhẹ, giống như bia, trong khi một chai rượu loại cao cấp nhất có uy tín của Wuliangve được bán lẻ với giá 3.375 USD.

Một chai Moutai (Mao Đài) cổ điển năm 1935 đã được bán với giá 1,2 triệu bảng Anh trong cuộc đấu giá, theo thông tin từ trang BaijiuBlog.com.

Tuy nhiên, trong khi nhu cầu đã tăng vọt trong vài năm qua, sản lượng lại giảm từ 13 tỷ lít vào năm 2016 xuống còn 7,6 tỷ vào năm 2019, theo Satatista. Bất chấp những đợt phong tỏa chống Covid vào năm 2020, doanh thu từ thị trường nội địa của Trung Quốc vẫn tăng 3,5 tỷ USD so với năm 2019 do các nhà sản xuất tăng giá và biên lợi nhuận.

Tương ứng với đó, giá cổ phiếu của những công ty rượu lớn đã tăng vọt. Vào mùa thu năm 2018, Kweichow Moutai, công ty lớn nhất ở Trung Quốc, được định giá hơn 100 tỷ USD; đến đầu năm nay, công ty này được định giá hơn 400 tỷ USD. So sánh với thế giới thì công ty Diageo có vốn hóa 145 tỷ USD.

Ngay cả khi cho phép cổ phiếu trượt giá kể từ đó do lo ngại về sự xuất hiện trở lại của coronavirus ở Trung Quốc, Moutai vẫn là công ty có giá trị thứ 23 trên thế giới và có giá trị thứ ba ở châu Á.

Tại một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Steffi Noëla của công ty Daxue Consulting ở Thượng Hải, cho biết: "Có ít nhất bảy đến tám công ty trong ngành kinh doanh rượu Baijiu có điều kiện tài chính tuyệt vời. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Moutai và Wuliangye có thể đạt lần lượt là 35,6% và 22,9%. Ngành này cũng có mô hình kinh doanh dễ dàng với tỷ suất lợi nhuận 90% ".

Đến năm 2029, ngành công nghiệp rượu cao cấp của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ là một thị trường trị giá 25 tỷ đô la, phần lớn là từ doanh số bán rượu Baijiu, khi tầng lớp trung lưu và tài sản dùng một lần của Trung Quốc phát triển nhanh chóng.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những công ty lớn muốn làm một cái gì đó bên cạnh việc phát triển thị trường rượu whisky của họ ở Trung Quốc - ví dụ Pernod Ricard đã mở nhà máy chưng cất của riêng mình, còn Diageo đã bắt đầu xây dựng một nhà máy.

Công ty Diageo lần đầu tiên tham gia vào ngành rượu Baijiu là vào năm 2013, khi mua 40% cổ phần của công ty mẹ của nhà sản xuất rượu cao cấp Shui Jing Fang, từ đó tăng lên 60%. Vào năm 2019, Pernod Ricard đã ký một thỏa thuận hợp tác phân phối với Wuliangve để đảm bảo lợi ích chung của họ tại các thị trường châu Á.

Tuy nhiên, trong khi Baijiu là loại rượu được tiêu thụ thường xuyên nhất trên thế giới, phần lớn nhờ vào dân số 1,3 tỷ người của Trung Quốc, loại rượu này lại hầu như không được biết đến bên ngoài biên giới Trung Quốc, ngoại trừ các cửa hàng bán lẻ du lịch, nơi người mua đến để tìm quà tặng cho người Hoa hải ngoại.

Nhưng tất cả những điều đó đang thay đổi. Baijiu từ chỗ chỉ được tiêu thụ trong cộng đồng người Hoa thì nay đang nhắm tới mục tiêu có đối tượng tiêu dùng rộng lớn hơn, nhất là ở Mỹ, nơi loại rượu này được quảng cáo như một thành phần cocktail thay vì uống nguyên chất như cách truyền thống.

Luzhou Laojiao, nhà máy chưng cất lâu đời nhất ở Trung Quốc và nằm trong top 4 công ty rượu mạnh có giá trị nhất trên toàn thế giới, đang mở rộng kinh doanh loại rượi này với sản phẩm mới Ming River, dành riêng cho người tiêu dùng bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Derek Sandhaus, người đồng sáng lập của công ty Ming River, cho biết gần đây: "Chúng tôi đã tạo ra một cái tên và bao bì dễ tiếp cận hơn với thị trường quốc tế, nhưng tôn trọng di sản của sản phẩm. Thống kê doanh số bán hàng của chúng tôi cho thấy trên thị trường Mỹ mấy năm qua ngày càng có nhiều người uống rượu Baijiu."

Một số thương hiệu nhỏ đang hướng tới đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi hơn. Năm 2018, những người trong độ tuổi từ 25 đến 34 là nhóm đối tượng tiêu thụ rượu Baijiu nhiều nhất, thống kê từ Global Data cho thấy. Hiện có ít nhất 6 thương hiệu kiểu đó ở thị trường Châu Âu.

Trong khi đó, Buffalo Trace Distillery của Kentucky, thuộc sở hữu của Sazerac, cũng tung ra sản phẩm rượu mạnh mới kiểu Baijiu được ủ trong ba thùng gỗ sồi Mỹ, như một phần của Bộ sưu tập rượu mạnh.

Jim Boyce, người sáng lập Ngày Baijiu Thế giới (9/8) cho biết các thương hiệu ngày càng có nhiều sự thay đổi sản phẩm nhằm vào giới trẻ.

Theo ông Sandhaus của Ming River, điều thú vị là danh mục này ngày càng được đón nhận nhiều hơn bởi những người chưa bao giờ thử rượu Baijiu và có rất ít hiểu biết về loại rượu đó. "Họ không có sẵn bất kỳ quan niệm sai lầm nào về Baijiu là gì và nên dùng như thế nào," ông Sandhaus cho biết.

Tham khảo: thedrinksbusiness

https://cafef.vn/nganh-ruou-manh-the-gioi-khat-khao-thi-truong-trung-quoc-nhat-la-dip-tet-nguyen-dan-2022012800384698.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên