MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành tài chính đảm bảo nguồn thu, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách

(Ảnh minh họa - KT)

(Ảnh minh họa - KT)

Theo số liệu cập nhật đến đầu tháng 12 năm nay, lũy kế thu ngân sách Nhà nước trong cân đối đạt hơn 1 triệu 678.000 tỷ đồng, bằng 120% dự toán năm 2022 được giao. Chi ngân sách Nhà nước tính đến hết tháng 11 năm nay ước đạt 1 triệu 359.000 tỷ đồng, bằng hơn 76% dự toán và tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2022 ước thực hiện bằng 4,5%, nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép. Kết quả tích cực này cho thấy ngành Tài chính đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, từ đó triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo thu – chi ngân sách, góp phần thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa ổn định kinh tế vĩ mô trước tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngành tài chính đã có nhiều nỗ lực để tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách, đồng thời điều hành ngân quỹ chặt chẽ, linh hoạt đảm bảo khả năng thanh toán của ngân sách Nhà nước tại mọi thời điểm. Chính sách tài khóa năm 2022 là một trụ cột quan trọng giúp phục hồi và phát triển kinh tế.

Năm nay là một năm giảm thuế nhiều nhất, hơn 230.000 tỷ đồng trong 9 tháng để thực hiện giãn, hoãn và gia hạn thuế. Số thuế miễn cũng đạt hơn 151.000 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử của ngành thuế. Nhưng một điều đặc biệt là thu nội địa vẫn đạt tăng trưởng 9,8%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, ngành đã thực hiện hiệu quả các giải pháp chống thất thu thuế: "Thực hiện các biện pháp thu ngân sách như phát hành hóa đơn điện tử, xây dựng Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, 9 tháng đầu năm đã thu được 3.167 tỷ đồng của 37 tập đoàn công nghệ của quốc tế như Youtube, Google, Microsoft, Tiktok… Hai là quay số điện tử, hóa đơn may mắn và chống chuyển nhượng bất động sản trục lợi 2 giá tăng được 15 ngàn tỷ và chống chuyển giá là nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hàng ngàn tỷ vào gói ngân sách. Đây là một chính sách có thể nói là rất thắng lợi".

Bên cạnh nỗ lực thu thuế trung ương, không thể không kể đến nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách ở địa phương. Theo ước tính của Bộ Tài chính, có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 11 tháng có tiến độ đạt hơn 95% dự toán; 50/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ. Như ở tỉnh Đắk Lắk, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 10 đã đạt gần 5.000 tỷ đồng, vượt dự toán năm nay, và ước tính cả năm đạt hơn 9.100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và vượt 37% dự toán trung ương giao.

Ông Bùi Văn Chuẩn, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Chúng tôi triển khai đồng bộ 5 nhiệm vụ trọng tâm... trong đó tập trung đẩy mạnh các biện pháp quản lý nguồn thu, chống thất thu thu hồi nợ đọng, tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho người nộp thuế thông qua các giải pháp cải cách thủ tục hành chính và quản lý thuế điện tử trên nền tảng điện tử. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tổ chức quyết liệt các nhóm giải pháp tăng cường đào tạo kỹ năng cho cán bộ thuế rồi công tác kỷ cương kỷ luật".

Ở tỉnh Đắk Nông, số thu ngân sách cũng tăng cao, có vai trò quan trọng từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã phát huy hiệu quả giúp nhiều doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, nên thu ngân sách đạt kết quả tốt. Ông Đinh Vũ Anh, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cho biết, ngay từ đầu tháng 10, thu ngân sách trên địa bàn đã đạt 2.600 tỷ đồng, vượt dự toán trung ương giao và bằng 91% dự toán năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

"Thu ngân sách đạt khá do dịch bệnh đã được kiểm soát, sản xuất kinh doanh có sự phục hồi tốt. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đã và đang thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp trọng điểm có số nộp lớn, tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Về số lượng giao dịch bất động sản tăng cao cùng với đột biến về giá làm cho thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ tăng mạnh ở tất cả các địa bàn" - ông Đinh Vũ Anh nói.

Tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với giá nhiên, vật liệu liên tục biến động, song thu ngân sách của tỉnh Yên Bái trong 11 tháng qua đã đạt gần 138% dự toán Trung ương giao, bằng 78% dự toán của tỉnh. Theo ông Nguyễn Mạnh Khôi, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái, để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách của địa phương, trong những tuần cuối cùng của năm nay, ngành Thuế tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc thu nợ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ cho các đơn vị gặp khó khăn để duy trì sản xuất ổn định…

"Chúng tôi thực hiện đánh giá lại tình hình nguồn thu, trên cơ sở đó chúng tôi phân tích các nguồn thu có khả năng đạt được dự toán, nguồn thu nào không có khả năng đạt được để có các giải pháp bù đắp. Thứ 2 là chúng tôi tập trung đánh giá rủi ro, thông qua đó để tiến hành kiểm tra đối với các đơn vị mà có rủi ro lớn và quyết liệt trong thu nợ tiền nợ đọng thuế..." - ông Nguyễn Mạnh Khôi cho biết.

Tỉnh biên giới Lào Cai cũng đang tập trung nỗ lực trong những tháng cuối năm nhằm tăng thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất. Tính đến đầu tháng 12 này, tổng thu ngân sách của tỉnh đã đạt khoảng 8.200 tỷ đồng, bằng 110% dự toán trung ương giao. Ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai cho biết, cùng với việc chủ động triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch của ngành, Sở đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang vướng mắc trong cấp phép, triển khai nhằm khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Ngô Đức Ảnh nhận định: "Ngành Tài chính quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, yếu tố chính là tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có điều kiện phát triển, từ đó doanh nghiệp cũng như người dân sẽ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thì mới tạo ra động lực phát triển được".

Hiện nay, ở nhiều tỉnh trong cả nước, ở cấp huyện và tỉnh đều có ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách, hoạt động của các ban chỉ đạo thu ngân sách ở các huyện, thị xã, thành phố cũng hoạt động tích cực ngay từ đầu năm. Theo đó, ngay khi tỉnh giao chỉ tiêu ngân sách là có sự vào cuộc để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách của địa phương. Đồng thời, thu ngân sách cũng được xác định là nhiệm vụ của tất cả cấp uỷ chính quyền địa phương, là một trong những chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cấp từng ngành. Sự nỗ lực chung này của các địa phương đã giúp nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn vượt qua khó khăn của năm 2022, đạt được những kết quả tích cực.

Theo Trung Hiếu

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên