MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nuôi cá lồng trên lòng sông thủy điện giúp người dân thu nhập 500-700 triệu đồng

Cùng với thế mạnh phát triển cây có múi, Hòa Bình còn là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Đặc biệt, khi kết hợp giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Mô hình này giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập 500 - 700 triệu đồng.

Cũng giống như những gia đình đang sinh sống nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình, gia đình chị Lô Thị Đào, dân tộc Thái, có 5 người cuộc sống mưu sinh đều dựa vào việc đánh bắt và nuôi cá trên lòng hồ Hòa Bình.

Chị Đào cho biết, hiện nhà nuôi 6 lồng cá, nói chung cũng đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình. "Hàng ngày đi chài lưới, nhưng chủ yếu thu nhập vẫn là chăn nuôi cá. Thu nhập trung bình cũng chỉ hơn trăm triệu/ lồng, nếu không dịch bệnh. Vừa rồi dịch bệnh cũng chết hết cá, cũng muốn nuôi rộng hơn nhưng kinh tế chưa cho phép".

Là một trong số cá nhân, doanh nghiệp hợp tác xã có điều kiện hơn, ông Nguyễn Trung Nam, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình đầu tư nuôi 40 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình theo quy mô công nghiệp.

Nuôi cá lồng trên lòng sông thủy điện giúp người dân thu nhập 500-700 triệu đồng- Ảnh 1.

Nuôi cá lồng kết hợp làm du lịch ở lòng hồ Hòa Bình

Ông Nam cho biết, cá nuôi thương phẩm khoảng 1,5 năm là xuất bán, trừ chi phí một lồng thu nhập cũng 500 - 700  triệu đồng.

Theo ông Nam: "Nuôi cá quan trọng phải có nguồn thức ăn đều, bà con thì khó khăn nên chăm sóc cá chưa hiệu quả lắm. Giống cá bản địa như cá ngạnh, lăng đuôi đỏ hơi chậm lớn nhưng không dịch bệnh. Những cặp thuyền chài họ cứ đánh ở sông về nuôi vài năm cũng hiệu quả, cá bản địa khỏe không hay chết vặt".

Với lợi thế tự nhiên, hiện trên vùng hồ Hòa Bình có gần 5.000 lồng nuôi cá của các hộ gia đình và doanh nghiệp, sản lượng trung bình hàng năm đạt gần 10.000 tấn. Hầu hết các cơ sở nuôi cá lồng ở lòng hồ Hòa Bình chủ yếu nuôi những loại cá truyền thống, sản lượng chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm bị hạn chế.

Nuôi cá lồng trên lòng sông thủy điện giúp người dân thu nhập 500-700 triệu đồng- Ảnh 2.

Cá được nuôi theo mô hình công nghiệp

Để hoạt động nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phát triển, ông Trần Hùng Cường, Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Cá phát triển tốt thì cũng phải xuất phát từ con giống, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi hướng các cơ sở nuôi cá lồng tìm đến đơn vị cung cấp cá giống đảm bảo, không bị cận huyết để cá phát triển tốt. Trong quá trình nuôi cũng khuyến cáo người dân vệ sinh lồng bè thông thoáng. Thức ăn thừa, cỏ rác phải dọn dẹp để tránh ô nhiễm môi trường".

Hồ Hòa Bình nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình và 4 huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu, có vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên, được ví như Hạ Long trên núi.

Là một trong số những đơn vị sớm kết hợp nuôi cá lồng với làm du lịch, ông Hà Văn Cương, Giám đốc Hợp tác xã passsion Hòa Binh, cho biết, Hợp tác xã có hơn chục thành viên đều sinh sống lâu năm ở lòng hồ Hòa Bình cùng nhau kết hợp nuôi cá lồng. Một năm trung bình mỗi thành viên hợp tác xã cũng thu nhập được hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, cùng với nuôi cá lồng hợp tác xã đang kết hợp xây dựng các khu nhà nổi làm nhà hàng, homestay phục vụ khách du lịch.

Nuôi cá lồng trên lòng sông thủy điện giúp người dân thu nhập 500-700 triệu đồng- Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá lồng kết hợp xây dựng các khu nhà nổi làm nhà hàng, homestay phục vụ khách du lịch.

Ông Cương chia sẻ: "Nhà nước cũng quan tâm hỗ trợ, nhưng đang trong chương trình. Nhà nước cũng muốn hỗ trợ về giống, thức ăn, kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản cho bà con, hợp tác xã cũng đang lập dự án, nếu được hỗ trợ tôi tin rằng đời sống bà con sẽ được cải thiện".

Trong phát triển nuôi, trồng thuỷ sản, tỉnh Hòa Bình đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Trong đó, khẩn trương phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030.

Ông Lương Thanh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, cho biết, phát triển nuôi cá lồng không chỉ đặt mục tiêu về số lượng. Việc kiểm soát tránh đầu tư ồ ạt sẽ đảm bảo môi trường lòng hồ cũng như giữ được cảnh quan để phát triển du lịch.

Nuôi cá lồng trên lòng sông thủy điện giúp người dân thu nhập 500-700 triệu đồng- Ảnh 4.

Trong phát triển nuôi, trồng thuỷ sản, tỉnh Hòa Bình đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Theo ông Hải: "UBND tỉnh Hòa Bình đang giao cho Sở NN&PTNT và Chi cục xây dựng đề án phát triển nuôi cá kết hợp du lịch. Trong đề án sẽ nuôi những giống cá thế mạnh như Trắm đen, trắng và cá bản địa như Lăng, Chiên.. Chúng tôi nuôi sẽ kết hợp với du lịch trải nghiệm, người dân đến xem, chăm sóc và thưởng thức chính cá ở lòng hồ đem lại".

Khu Du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực. Hiện tỉnh Hòa Bình đang ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi cá lồng tập trung trên hồ Hòa Bình, xây dựng mô hình nuôi cá công nghệ cao sử dụng vật liệu lồng bè thân thiện với môi trường. Đồng thời, tổ chức sắp xếp hiệu quả khu vực lồng bè nuôi, trồng thủy sản gắn với du lịch khu vực hồ Hòa Bình.

Theo Mạnh Phương

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên