Ngành thép sẽ có sự phân hóa
Những doanh nghiệp (DN) sản xuất phôi thép sẽ được hưởng lợi lớn trong thời gian tới khi áp dụng chính sách thuế phòng vệ thương mại đến 23% trong khi những DN sản xuất nhỏ với công nghệ chưa cao, phải nhập khẩu phôi thép về làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
- 25-04-2017Ngành thép dự kiến tốc độ tăng trưởng năm nay đạt trên 10%
- 16-04-2017Ngành thép trước sức ép phòng vệ thương mại
- 24-02-2017Ngành thép lãi lớn nhờ bảo hộ?
Tại buổi "Đối thoại ngành thép - triển vọng 2017-2020" diễn ra chiều 12-6 tại TP HCM, các chuyên gia đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, Quỹ đầu tư Dragon Capital, Công ty CP Chứng khoán Vietinbank (VietinbankSC) cho rằng từ nay đến năm 2020, ngành thép sẽ tăng trưởng tốt.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ năm 2013-2016, sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng trung bình 21,04% và 25,7%. Lượng thép tiêu thụ theo đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Vì vậy, tiềm năng phát triển ngành này là rất lớn. Cụ thể, tiêu thụ thép/đầu người của Việt Nam còn thấp hơn 20% so với Thái Lan và 49% so với Malaysia.
Chính sách thuế phòng vệ thương mại sẽ có lợi cho những doanh nghiệp sản xuất phôi thép
Ông Khổng Phan Đức, Tổng Giám đốc VietinbankSC, cho biết năm 2016, nhờ giá thép thế giới phục hồi mạnh và việc Chính phủ áp thuế tự vệ tạm thời, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một năm bùng nổ của ngành thép. Tính trung bình, doanh thu và lợi nhuận của các DN trong ngành đã tăng trưởng 14,34% và 81,65% đã giúp giá cổ phiếu chung của ngành tăng trưởng đến 91%. Trong quý II/2017, ngành thép tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi sản phẩm tôn mạ được áp thuế tự vệ chính thức.
Tại buổi đối thoại, TS Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, khẳng định thời gian tới, thị trường thép tăng hay giảm là rất khó đoán. Tuy nhiên, ông chắc chắn rằng giá thép trong giai đoạn 2017-2020 sẽ không quay lại mức đáy của năm 2014-2015. Nguyên nhân do Trung Quốc đã rút kinh nghiệm "đau thương" từ việc phải xử lý lượng thép tồn kho đến 112 triệu tấn năm 2015 dẫn đến lỗ 15 tỉ USD. "Tôi cho rằng hiện nay, Trung Quốc vẫn đang dẫn dắt thị trường nên đã rút kinh nghiệm và không để xảy ra tình trạng giảm giá thép xuống giá đáy như trước" - TS Sưa nhận định.
Ở góc độ đầu tư, ông Võ Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Nghiệp vụ Quỹ Đầu tư Dragon Capital, cho rằng thời gian tới sẽ có sự phân hóa bởi các cổ phiếu ngành thép. Các DN sản xuất lớn như Hòa Phát (HPG), Thép Nam Kim (NKG)… sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ trong khi những DN nhỏ sẽ gặp khó khăn khi áp dụng chính sách phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu.
Người lao động