MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thuế tích cực phối hợp triển khai hóa đơn điện tử

26-05-2024 - 16:32 PM | Kinh tế số

Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử giúp ngành Thuế tạo bước đột phá mới trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt trong điều tra, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

Ngành thuế tích cực phối hợp triển khai hóa đơn điện tử- Ảnh 1.

Cần xây dựng chính sách khuyến khích người tiêu dùng khi mua xăng dầu lấy hóa đơn

Đây là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo khoa học "Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay" do Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức vừa qua.

Quản lý rủi ro, giảm thiểu chi phí tuân thủ nhờ HĐĐT

Thượng tá-PGS.TS Phạm Tiến Dũng, Trưởng Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Học viện cảnh sát) cho biết: Chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, nhất là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT), giúp ngành Thuế tạo bước đột phá mới trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt là cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý tội phạm.

Thượng tá Phạm Tiến Dũng phân tích: Các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự "thích ứng" với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp. Không chỉ vậy, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

Đại diện ngành thuế, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ: Thực hiện quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp (DN), tổ chức và cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy truyền thống.

Sau gần 2 năm triển khai, tính đến nay đã có 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh hạch toán theo phương pháp kê khai chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý gần 7,2 tỷ hóa đơn (gồm hơn 2 tỷ hóa đơn có mã và gần 5,2 tỷ hóa đơn không mã).

Hệ thống HĐĐT đã vận hành ổn định, thông suốt 24/7 và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN. Theo đó, toàn bộ chi phí tuân thủ và quản lý, vận hành đều được giảm thiểu. Quan trọng hơn, người dân, DN có thể dễ dàng tra cứu được hóa đơn đầu ra, đầu vào, qua đó giảm thiểu được sai sót, cũng như rủi ro về hóa đơn.

Ngành thuế tích cực phối hợp triển khai hóa đơn điện tử- Ảnh 2.

Lãnh đạo ngành thuế khẳng định phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xử lý những gian lận trong lĩnh vực hóa đơn điện tử

"HĐĐT góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, cách thức phục vụ người dân của cơ quan thuế nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước nói chung theo hướng tự động, phòng chống gian lận thuế, trốn thuế... từ đó tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng", đại diện ngành thuế khẳng định.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an xử lý sai phạm

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nêu hành vi vi phạm pháp luật gian lận trong lĩnh vưc thuế như: Thành lập DN không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính, một số DN thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt thuế của nhà nước và nhiều các mục đích khác nhau.

Cụ thể, các đối tượng đã kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế VAT phải nộp ngân sách nhà nước; sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế TNDN phải nộp ngân sách nhà nước; sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn;...

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định đã chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp tăng cường công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế (NNT); phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế...

Bên cạnh đó, ngành thuế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về HĐĐT, phát triển các Ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về HĐĐT, hỗ trợ nhận diện được NNT có rủi ro cao về sử dụng HĐĐT để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm hoặc chuyển sang Cơ quan Công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm để phối hợp điều tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Chỉ tính riêng năm 2023, cơ quan Thuế cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố: 88 hồ sơ; ngành thuế cũng nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan Công an.

Sau khi tiếp nhận đề nghị, cơ quan thuế đã kịp thời phối hợp cung cấp hồ sơ cho cơ quan Công an theo đúng quy định. Một số vụ án điển hình trong công tác phối hợp giữa 2 cơ quan như: Vụ án mua bán hóa đơn VAT không hợp pháp do Nguyễn Minh Tú cầm đầu, Vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước; vụ án Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm can tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn" và "Trốn thuế",…

"Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục có các chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp bám sát nội dung chỉ đạo của Tổng cục về việc thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH-BTC-BCA ngày 28/12/2022 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công an triển khai Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA ngày 20/6/2016 quy định về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính giai đoạn 2022-2025; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu, kết quả khởi tố điều tra,… giữa 2 cơ quan một cách kịp thời trong việc phòng ngừa trấn áp tội phạm trong lĩnh vực quản lý thuế và hóa đơn", Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhấn mạnh.

Đại diện một số đơn vị ngân hàng, DN cũng nêu một số đề xuất để triển khai HĐĐT được thuận lợi, hợp lý hơn.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank đã nêu một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình ngân hàng triển khai.

Vietcombank đề xuất Cơ quan thuế ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát hiện sớm các DN có rủi ro cao về hóa đơn để cập nhật lên website để bên mua từ chối thanh toán và không kê khai thuế; không thực hiện cấp mã cho các DN này lập hóa đơn đầu ra.

Cũng liên quan đến hóa đơn rủi ro, hiện nay, theo yêu cầu của cơ quan điều tra, một số trường hợp bị chặn việc kê khai bổ sung tờ khai thuế để phục vụ điều tra các DN có dấu hiệu vi phạm hình sự. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, đối với các DN có quy mô rất lớn như Vietcombank, việc kiểm tra sử dụng hóa đơn có những khó khăn nhất định. Đối với một số khoản chi như tiếp khách, điện thoại cá nhân, công tác (phương tiện, khách sạn…) hoặc chi có tính chất phúc lợi (hỗ trợ đi lại, nghỉ mát…) do phát sinh số lượng nhiều với giá trị nhỏ, Vietcombank cho phép cá nhân chủ động mua sắm và nhận hóa đơn từ bên bán để về thanh toán sau.

Do số lượng hóa đơn lớn, không tránh khỏi phát sinh một số hóa đơn rủi ro (chiếm tỉ lệ rất nhỏ về số lượng cũng như giá trị). Đây không phải là gian lận và vi phạm có chủ đích từ Vietcombank. Việc bị chặn kê khai bổ sung sẽ khiến cho ngân hàng bị mất quyền được điều chỉnh đã nêu tại Luật Quản lý thuế, dẫn đến bị phạt vi phạm hành chính khi cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra sẽ ảnh hưởng đến xếp loại tổ chức tín dụng và hình ảnh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

"Không nên thực hiện chặn kê khai bổ sung tờ khai thuế đối với các DN có rủi ro thấp về thuế, có số thuế nộp lớn", đại diện Vietcombank đề xuất.

Còn đại diện Petrolimex kiến nghị, cần có chính sách như, cho phép các DN kinh doanh xăng dầu tích hợp dữ liệu khách hàng (ví dụ VneID) để phát hành hóa đơn chính xác cho từng cá nhân mua xăng dầu.

Với việc khách hàng mua xăng dầu gần như không có nhu cầu lấy hóa đơn, khiến hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng, đại diện Petrolimex kiến nghị cần xây dựng chính sách khuyến khích người tiêu dùng khi mua xăng dầu lấy hóa đơn.

"Ví dụ như giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân nếu có hóa đơn xăng dầu, hoặc quay số trúng thưởng…", đại diện công ty xăng dầu nói.


Theo Anh Minh

Báo Chính phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên