MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thuỷ sản Nhật Bản rung chuyển sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu - đáp trả quyết định xả nước thải từ cơ sở hạt nhân Fukushima ra biển

26-08-2023 - 10:04 AM | Thị trường

Các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này đang phải gấp rút chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á.

Ngành thuỷ sản Nhật Bản rung chuyển sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu hải sản - đáp trả quyết định xả nước thải từ cơ sở hạt nhân Fukushima ra biển - Ảnh 1.

Ngành đánh bắt cá của Nhật bản đang gặp nhiều rắc rối khi giá giảm và sự bất ổn ngày càng tăng khi chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm biển của nước này để đáp lại quyết định xả nước thải từ cơ sở hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.

Theo thống kê thương mại của chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu thuỷ sản Nhật Bản với kim ngạch 87,1 tỷ yen (600 triệu USD) vào năm ngoái. Trong số này, các sản phẩm phổ biến nhất gồm sò điệp, cá ngừ, nhím biển, cá hồng và hải sâm.

Giá cá ngừ Aomori tươi tại chợ Toyosu ngày 25/8 đã giảm 24% so với hôm trước xuống còn 9.383 yen/kg, theo dữ liệu đăng trên trang web chợ bán buôn trung tâm thủ đô Tokyo. Một công ty ở Hokkaido chuyên xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc và Hong Kong có kế hoạch đóng cửa và sa thải 20 nhân viên, theo một nhân viên yêu cầu giấu tên.

Phản ứng của Trung Quốc cho thấy sự lo lắng của công chúng, mặc dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết động thái của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và tác động không đáng kể đến con người và môi trường.

Gen Komori, chủ tịch của Housen, một công ty thương mại chuyện về các sản phẩm thuỷ sản có trụ sở tại Tokyo, cho biết xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị cắt đứt. Công ty phải chuyển sự chú ý sang châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á.

“Thật khó khăn nhưng chúng tôi phải cố gắng”, ông nói. “Các công ty chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc còn khó khăn hơn nhiều”.

Đại diện của Hashiguchi Suisan, công ty nuôi và chế biến cá ngừ đuôi vàng và cá ngừ ở tỉnh Nagasaki, cho biết công ty xuất khẩu khoảng 1/10 tổng khối lượng sang Trung Quốc và những động thái mới nhất sẽ khiến doanh thu của công ty giảm hàng trăm triệu yen. Ông hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét chính sách hỗ trợ cho ngư dân về việc bảo trì và các chi phí khác liên quan đến lưu trữ cá.

Thực tế, xuất khẩu cá tươi từ Nhật Bản sang Trung Quốc đã giảm từ tháng 7 khi Trung Quốc thắt chặt các tiêu chuẩn kiểm tra. Nhưng lần này, các sản phẩm đông lạnh và sản phẩm chế biến cũng bị cắt khỏi thị trường rộng lớn Trung Quốc.

“Sản phẩm xuất sang Trung Quốc phải bán trong nước hoặc sang các nước khác như Thái Lan, Việt Nam, Singapore”, nhà phân tích thuỷ sản Momoo Odaira cho biết. “Khi cạnh tranh ở các nước khác ngày càng gay gắt, giá có thể sẽ giảm”.

Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh, trong đó có Fukushima nhưng sau đó đã mở rộng thành cấm vận hoàn toàn sau khi Công ty Điện lực Tokyo bắt đầu xả nước đã qua xử lý từ Fukushima trong tuần này.

Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki, tại một cuộc họp báo, đã kêu gọi Trung Quốc lập tức dỡ bỏ lệnh cấm vận và nói rằng chính phủ Nhật Bản nên nghiêm túc xem xét các biện pháp cứu trợ có thể thực hiện cho ngư dân.

Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura cho biết xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc và Hong Kong chỉ chiếm 0,17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản và “tác động rất hạn chế đến xuất khẩu và nền kinh tế của Nhật Bản”. Tuy nhiên, nếu các hạn chế thương mại của Trung Quốc đối với Nhật Bản mở rộng sang các lĩnh vực khác, nền kinh tế Nhật Bản sẽ chịu đòn nặng nề hơn.

Theo Viện nghiên cứu Denwa, một nửa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Nhật Bản là sang Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Ngư dân sẽ mất 50% doanh số ở nước ngoài.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên