Ngành tôm loay hoay trước mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD
Thời tiết thất thường, dịch bệnh, yếu kém về con giống… đang là những thách thức lớn của ngành tôm trước mục tiêu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
- 09-03-2017Xuất khẩu tôm lại vấp phải trở ngại lớn ở thị trường Hàn Quốc
- 22-02-2017Xuất khẩu tôm khó đạt mục tiêu hơn 3 tỷ USD trong năm nay
- 21-02-2017Phấn đấu đến 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD
Đó là những lo ngại của các nhà quản lý, doanh nghiệp và hộ nuôi tôm đưa ra tại diễn đàn về sản xuất tôm năm 2017, diễn ra ngày 23/3 tại Sóc Trăng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám trần tình, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, theo Bộ NN&PTNT nhận định thì phải đến 2030 mới đạt được, song Thủ tướng Chính phủ cho rằng Bộ chưa quyết liệt, nên phải phấn đấu sớm hơn là năm 2025. Đây là một quyết tâm rất cao, muốn đạt được mục tiêu trên, ngành tôm phải đạt tốc độ tăng bình quân từ 9 - 12%/năm trong thời gian tới, điều này không hề dễ dàng trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, điều kiện thời tiết, cần được nhiều hiến kế, giải pháp đột phá.
Khảo sát của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết, vùng ĐBSCL hiện có chưa đến 14% số doanh nghiệp, hợp tác xã tự chủ được con giống, còn lại trên 80% là phải mua bên ngoài. Trong khi đó, việc liên kết sản xuất còn yếu và thiếu.
Theo ông Trần Công Bình (Công ty TNHH Tôm giống Châu Phi), hiện nay tôm sú của chúng ta đa số là tôm hoang dã nên rất khó kiểm soát dịch bệnh, mặt khác diện tích nuôi quảng canh lớn (gần 600.000ha) cũng gây khó khăn cho công tác này.
TS Trương Quốc Phú (Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ) cho rằng cần có chương trình nghiên cứu giống tôm gia hóa, giống tôm sạch bệnh, liên kết trong chuỗi giá trị, tình trạng nuôi nhỏ lẻ tất yếu sẽ không tồn tại lâu dài, nếu thực hiện nghiêm các quy định thì các khâu trong liên kết tự động sẽ được kết nối.
Tiền phong