MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm: Lao đao vì Covid-19 và cuộc chiến quyền lực

13-06-2020 - 21:09 PM | Bất động sản

Thị trường bất động sản bão hòa từ cuối năm 2018 kéo theo nhu cầu về xây dựng sụt giảm, bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh càng khiến các doanh nghiệp ngành xây dựng rơi vào tình cảnh “lao đao”.

Doanh nghiệp xây dựng “lao đao” vì Covid-19

Theo nhận định của các doanh nghiệp xây dựng trong quí I/2020 tình hình sản xuất kinh doanh không mấy khả quan với 52,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và tốt hơn, 47,5% nhận định khó khăn hơn.

Công ty CP Xây dựng Coteccons  - doanh nghiệp xây dựng lớn nhất cả nước cũng không nằm ngoài tình cảnh chung của thị trường khi quý I/2020, Công ty ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 3.554 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tương ứng giảm 35% về mức 123 tỷ đồng.

Công ty cho biết, doanh thu quý I/2020 giảm là do những khó khăn chung của ngành xây dựng cùng tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính giảm chủ yếu do lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm 2019.

"Ông lớn" thứ hai trong ngành là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng cho biết mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong quý đầu năm nay. Cụ thể, Công ty ghi nhận lợi nhuận đạt 5,5 tỷ đồng, giảm hơn 95% so với mức 120 tỷ đồng trong quý I/2019. Lợi nhuận của Công ty giảm sâu do doanh thu giảm 34% so với cùng kỳ 2019, xuống mức 2.442 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ và chi phí tài chính tăng 17%.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, dịch Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế, gây ra sự trì hoãn của dòng vốn đầu tư, qua đó, tác động đến hoạt động xây dựng của Công ty. Bên cạnh đó, các vấn đề pháp lý từ chủ đầu tư vẫn là điểm nóng trong năm 2019 khiến nhiều dự án ngưng triển khai hoặc triển khai cầm chừng. Ngoài ra, nguồn cung căn hộ chào bán mới ra thị trường đang trong chiều hướng đi xuống từ 2018 đến nay.

Các doanh nghiệp dự báo quí II/2020 tình tình hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan hơn với 53,1% doanh nghiệp dự báo tình hình giữ ổn định và tốt hơn, có 46,9% dự báo khó khăn hơn.

Cuộc chiến quyền lực lớn nhất ngành xây dựng

Dấu ấn nổi bật nhất của ngành Xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2020 ngoài khó khăn về Covid-19 còn có cuộc chiến quyền lực Coteccons - Kusto. Cuộc chiến này cũng khiến cổ phiếu Coteccons giảm nhiệt mạnh bất chấp tình hình tài chính an toàn (không nợ vay) cũng như vị thế đầu ngành của thương hiệu. Nguyên nhân chủ yếu là do nội bộ không hoà thuận (bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn).

Cụ thể, Kustocem Pte. Ltd. - cổ đông có trụ sở tại Singapore đang nắm giữ 17,55% cổ phần Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) vừa thông báo triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào giữa tháng 7. Mục đích nhằm bầu Hội đồng quản trị mới và chỉ định kiểm toán độc lập hoạt động của Coteccons từ 2017 đến nay để làm rõ vấn đề xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan.

Chưa dừng lại đó, tiếp theo việc trên, trong thông báo ra ngày 9/6, The8th, nhà đầu tư tài chính, đến từ Singapore, hiện là cổ đông lớn thứ 3 ở CTD cho biết, The8th đã gửi thư tới HĐQT của Coteccons để yêu cầu đưa thêm vấn đề bãi nhiệm tư cách là thành viên Hội đồng quản trị ở Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Coteccons, dự kiến được tổ chức vào ngày 30.6. The8th yêu cầu các nội dung bổ sung này phải được công bố công khai đến tất cả cổ đông và được đăng trên website của Coteccons theo quy định tại Điều lệ và Luật Doanh nghiệp vào trước ngày 15/6/2020.

The8th cũng yêu cầu "Coteccons mời đại diện các cơ quan thẩm quyền có liên quan bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tới tham dự và giám sát cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên".

Theo The8th, lý do yêu cầu bổ sung chương trình họp đại hội cổ đông vì "Vấn đề lớn nhất hiện đang làm xói mòn Coteccons là vấn đề về quản trị doanh nghiệp.... Các vi phạm liên tục trong vấn đề quản trị doanh nghiệp của lãnh đạo Coteccons đã gây ra tổn thất đáng kể cho Coteccons và các cổ đông của công ty khi doanh thu và lợi nhuận tiềm năng bị chuyển vào các công ty khác do một số lãnh đạo Coteccons sở hữu và kiểm soát".

Sau sự kiện chấn động hai quỹ ngoại đồng loạt yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường để phế truất ban lãnh đạo của Coteccons, thì mới đây Ban kiểm soát của Coteccons đã làm đơn kiến nghị gửi lên Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM tố cáo hàng loạt hành động trái luật pháp của ban lãnh đạo Coteccons; đề nghị tiến hành công bố thông tin sai phạm theo quy định. 

Chi tiết, ông Luis Fernando Garcia Agraz – Trưởng BKS Conteccons - gửi vào ngày 5/6/2020, tố ban điều hành Coteccons đã cắt xén, chỉnh sửa sai sự thật trong báo cáo của BKS, thậm chí là trái ngược với báo cáo gốc của BKS.

Trước đó, ngày 5/5/2020, BKS đã gửi lên HĐQT báo cáo thường niên về phần của BKS nhưng vào ngày 29/5/2020, ông Nguyễn Sỹ Công – Tổng Giám đốc Coteccons đã ký công bố thông tin về Báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của BKS hoàn toàn khác với bản báo cáo do BKS soạn thảo.

Ngoài ra, báo cáo của Trưởng Ban kiểm soát Coteccons còn tố ban lãnh đạo Conteccons đã cắt xén, chỉnh sửa 8 nội dung trong báo cáo của BKS để không công bố cho cổ đông. Đó là những nội dung thể hiện sự lũng đoạn của ban lãnh đạo, thành lập hàng loạt công ty khác nhau và sở hữu chéo, trong đó đưa người nhà và người của Coteccons sở hữu cổ phần nhưng không công bố theo quy định của pháp luật, dẫn đến sự suy giảm quyền lợi của công ty cũng như quyền lợi của cổ đông.

Song đó đó, báo cáo của BKS còn nêu một số vấn đề như: Một số quản lý cấp cao của Coteccons và người có liên quan lại nắm giữ quyền sở hữu đáng kể tại các công ty khác hoạt động trong cùng ngành nghề kinh doanh với Coteccons hoặc các ngành nghề kinh doanh liên quan; hay câu chuyển cản trở một số hoạt động của BKS; Điều chuyển nguồn nhân lực từ Coteccons sang công ty "hệ sinh thái"; Vi phạm trong việc giao thầu phụ; Thành lập công ty trùng tên Coteccons...

Phản hồi các thông tin trên, Ban lãnh đạo của Coteccons cho biết sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các cổ đông lớn, sẵn sàng chuyển giao vị trí của mình cho những ứng cử viên (do cổ đông lớn tiến cử) với điều kiện họ có đủ uy tín và năng lực để dẫn dắt Công ty phát triển lâu dài, bền vững.

Ngoài ra, Coteccons rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên với mục tiêu bảo vệ thương hiệu Coteccons, quyền lợi của hơn 4.000 cổ đông, công ăn việc làm của gần 2.000 CBNV và hơn 30.000 người lao động.

Nam Phong

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên