MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành xi măng có “hưởng lợi” kép?

Ít chịu ảnh hưởng từ đại dịch, hưởng lợi từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, ngành xi măng được đánh giá sẽ có những bước phát triển mạnh trong thời gian tới.

Không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19

Theo Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), trong 8 tháng đầu năm 2020, sản lượng sản xuất của các nhà máy trong ngành xi măng đạt 63,6 triệu tấn, chỉ giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn cung xi măng trên thị trường bị ảnh hưởng không đáng kể trong giai đoạn diễn biến dịch COVID-19 do các nhà máy được phép hoạt động bình thường, kể cả trong thời gian Việt Nam áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội (trong tháng 4 và tháng 8) tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Đối với hoạt động xuất khẩu, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên trên thế giới nửa đầu năm 2020, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng Việt Nam bị ảnh hưởng một phần do hàng hóa lưu thông qua đường biển (tuyến đường vận chuyển chính của xi măng xuất khẩu) bị hạn chế do một số biện pháp kiểm soát dịch của chính phủ các nước như: Hạn chế đi lại và tạm dừng các hoạt động xây dựng, sản xuất trong thời gian phong tỏa chống dịch và tăng cường thủ tục rà soát y tế tại các khu vực giao thương như cảng biển gây đình trệ các đơn hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo FPTS, sau khi sản lượng xuất khẩu 3 tháng đầu năm giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu đã nhanh chóng hồi phục và tăng mạnh trong các tháng sau đó, nguyên nhân chính đến từ nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thô (clinker) tăng vọt từ các nhà máy xi măng Trung Quốc để tái khởi động sản xuất nhanh sau khi nước này bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa vào tháng 4.

Một thị trường xuất khẩu khác là Philippines cũng có biến động lớn khi sản lượng xuất khẩu giảm 27,4% trong 8 tháng đầu năm nhưng không đến từ yếu tố về dịch bệnh mà do mức thuế 4,8 USD/tấn (~5% giá bán) mà chính phủ Philippines áp lên các sản phẩm xi măng Việt Nam vào cuối tháng 9 năm 2019. Còn lại, các thị trường xuất khẩu khác không có biến động lớn trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh.

Do vậy, hoạt động xuất khẩu xi măng không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi yếu tố về dịch COVID-19. Sản lượng xuất khẩu xi măng 8 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2019, giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ 5,4% so với cùng kỳ do giá bán các sản phẩm thô xuất sang Trung Quốc suy giảm.

FPTS đánh giá, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước 8 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, cho thấy mức ảnh hưởng của dịch bệnh tới nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước tương đối thấp. Tiêu thụ xi măng chỉ giảm mạnh nhất vào tháng 1, tháng 4 và tháng 8 với mức giảm khoảng 5 - 8% chủ yếu do đây là giai đoạn dịch bệnh bùng phát và Việt Nam tiến hành các biện pháp cách ly xã hội chặt chẽ tại nhiều tỉnh thành phố.

Hưởng lợi kép?

Tại cuộc họp vào hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Chính trị đã nêu rõ chủ trương đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được coi là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngành xi măng có “hưởng lợi” kép? - Ảnh 1.

Việc đẩy mạnh đầu tư công các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc Nam được xem là một trong những cơ hội của ngành sản xuất xi măng.

Theo dự toán ngân sách, các công trình hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành cùng các tuyến đường trọng điểm của cao tốc Bắc Nam được tập trung ngân sách đầu tư nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của quốc gia để có thể thu hút dòng vốn FDI.

Trong các dự án trọng điểm trong năm 2020 thuộc cao tốc Bắc Nam có 11 dự án, trong đó 3 dự án thuộc đầu tư công và 8 dự án được chuyển đổi sang phương thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP).

Theo số liệu từ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, giải ngân vốn đầu tư công duy trì đà tăng tích cực với tổng mức thực hiện 8 tháng đạt hơn 250 nghìn tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiến độ giải ngân được cải thiện rõ nét, trong 8 tháng đạt 47% kế hoạch (8 tháng năm 2019 đạt 41,39% kế hoạch). Nhiều địa phương đã cam kết giải ngân đạt 100% trong năm nay.

Việc đẩy mạnh đầu tư công, theo các chuyên gia sẽ mang đến nhiều tác động tích cực đối với ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành xi măng, sẽ giúp gia tăng nhu cầu tiêu thụ xi măng trong các năm tiếp theo. Riêng những tháng cuối năm 2020, dự báo nhu cầu xi măng trong nước sẽ tăng 3% so với năm 2019.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, khó có thể kỳ vọng vào việc ngành xi măng được hưởng lợi trong bối cảnh thị trường xi măng dư cung rất lớn. Ước tính, tổng công suất của các nhà máy xi măng Việt Nam là 105 triệu tấn và có thể dư cung trên 30 triệu tấn trong năm 2020.

Mức độ hưởng lợi cũng phân theo vùng miền khi các nhà máy phân bổ theo vùng nguyên liệu núi đá vôi. Miền Bắc là nơi tập trung 60% nhà máy xi măng của cả nước (ước tính 70 nhà máy), nên mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Ghi nhận tại 6 doanh nghiệp xi măng lớn cho thấy, tổng doanh thu nửa đầu năm đạt 9.237 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp có thị phần lớn ở khu vực phía Nam là Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên 1 ghi nhận doanh thu đạt 3.766 tỷ đồng, giảm 13,7%. Một doanh nghiệp có thị phần lớn ở phía Bắc là Công ty CP Xi măng Bút Sơn cũng ghi nhận doanh thu giảm 5,2%, đạt 1.484 tỷ đồng. Trong số 6 doanh nghiệp này, chỉ có Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu tăng 11,5%.

Theo Đình Đại

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên