Ngày 12/10: USD và vàng cùng tăng, Bitcoin chạm 58.000 USD, Yen mất giá thê thảm
Yếu tố chính tác động lên thị trường tài chính lúc này là lạm phát cao và lợi suất trái phiếu tăng, khiến cho yen lao dốc, Bitcoin lên ngôi, vàng trở nên hấp dẫn và giữ cho USD duy trì ở mức cao.
- 12-10-2021Sàn mua bán nợ sẽ chính thức hoạt động từ 15/10
- 12-10-2021Ủy ban Kinh tế: Vẫn có thể giảm tiếp lãi suất, nghiên cứu nới quy định chuyển lỗ để hỗ trợ dòng tiền
Đồng yen Nhật tiếp tục mất giá so với hàng loạt các đồng tiền đối tác chủ chốt, duy trì ở mức thấp nhất 3 năm so với USD do lợi suất trái phiếu tăng và giá hàng hóa tăng mạnh, nhất là dầu mỏ, khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán phá giá tiền yen.
USD trong ngày 12/10 có lúc tăng lên 113,50 JPY, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018, tối cùng ngày theo giờ Việt Nam vẫn ở mức thấp 113,28 JPY.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – ngày 12/10 ở mức 94,30, xấp xỉ mức cao nhất một năm, là 94,504, đạt được hồi cuối tháng Chín, khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố sẽ bắt đầu giảm mua trái phiếu chính phủ từ tháng 11.
Việc JPY lao dốc gần đây – mất 4% so với USD chỉ trong vòng 3 tuần – xảy ra đúng thời điểm lợi suất trái phiếu trên toàn cầu tăng mạnh bởi lo sợ về lạm phát. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vọt lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 5, vượt 1,6%.
Đồng yen càng giảm sức hấp dẫn sau khi Tân Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, cuối tuần qua cho biết ông sẽ không thay đổi chính sách thuế đối với lãi vốn và cổ tức, chứ không tăng thuế như dự định ban đầu, điều đã khiến các nhà đầu tư hoang mang và gây lo ngại dòng tiền sẽ chảy ra khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Kenneth Broux, chiến lược gia tiền tệ của Societe Generale, cho biết: "Sự bứt phá vào tuần trước về lợi suất trái phiếu của Mỹ và vấn đề không tăng thuế ở Nhật Bản đã gây bất lợi cho tiền yen".
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng buộc các nhà đầu tư phải bán phá giá tiền yen so với USD, dẫn đến giá trị tiền Nhạt giảm mạnh hai phiên liên tiếp.
Không chỉ mất giá so với USD, đồng yen cũng giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng so với các đồng tiền lớn khác, như đồng bảng Anh, euro và đô la Australia, xuống ít nhất là thấp nhất 3 tháng, trong đó đô la Australia có phiên tăng giá mạnh nhất trong vòng 11 tháng so với yen Nhật.
Các chiến lược gia của MUFG cho biết: "Việc (các ngân hàng trung ương) áp dụng các biện pháp dựa trên dự báo lạm phát cao và sự thay đổi chính sách theo hướng ‘diều hâu’ của các ngân hàng trung ương bên ngoài Nhật Bản đang thôi thúc các nhà đầu tư bán tháo những tài sản an toàn, trong đó có tiền yen".
Trong khi đó, một cuộc khảo sát hàng tháng do Deutsche Bank vừa tiến hành cho thấy phần lớn những người được hỏi đều dự báo lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa so với hiện tại.
"Yếu tố chính tác động lên thị trường tài chính lúc này là lợi suất trái phiếu của Mỹ dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa. Do đó, câu chuyện của thị trường hiện tại đơn giản chỉ là chênh lệch lãi suất giữa các nước ngày càng tăng … làm gia tăng sức hút của các giao dịch thực tế", giám đốc phụ trách chiến lược ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Australia, Ray Attrill, cho biết.
Biến động tỷ giá những đồng tiền lớn trong tháng 10: Yen giảm mạnh do lợi suất trái phiếu tăng.
Không chỉ yen Nhật, các đồng tiền trú ẩn an toàn khác cũng đang trong ‘vị thế bấp bênh’ khi các chỉ báo về tâm lý trên toàn cầu xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo.
Chỉ báo tâm lý kinh tế ở Đức đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp do sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng kìm hãm sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu. Kết quả là đồng euro giảm xuống mức thấp nhất năm 2021 so với franc Thụy Sỹ, và đã mất tổng cộng hơn 2% kể từ giữa tháng 9.
Trong số các đồng tiền Châu Á, đồng baht Thái tăng trong ngày 12/10, trong khi hầu hết các đồng tiền khác giảm.
Tỷ giá tiền tệ Châu Á.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin duy trì ở mức cao, có lúc gần chạm 58.000 USD; Ether quanh mức 3.489 USD.
Thị trường tiền điện tử gần đây khởi sắc do nhà đầu tư lo ngại những rủi ro trên thị trường chứng khoán toàn cầu, về vấn đề nợ trần của Mỹ, về lãi suất trái phiếu leo thang, lạm phát gia tăng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khủng hoảng nợ của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc... Thông tin tỷ phú George Soros, chủ sở hữu Quỹ quản lý Soros, mới đây cho biết quỹ này đã tham gia đầu tư vào Bitcoin cũng tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường này. Tất cả những lý do đó khiến nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào Bitcoin - tài sản được coi là "vàng kỹ thuật số". Nhiều chuyên gia bắt đầu lạc quan rằng Bitcoin sẽ sớm trở lại mốc kỷ lục gần 65.000 USD, thậm chí có thể tới 100.000 USD.
Diễn biến Bitcoin trong 24 giờ qua.
Giá vàng cũng trải qua một phiên khởi sắc khi lạm phát gia tăng đẩy nhiều nhà đầu tư quay trở lại với vàng.
Giá vàng thế giới giao ngay tối 12/10 theo giờ Việt Nam tăng 0,4% lên 1.761,41 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 0,4% lên 1.762,40 USD.
Cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng trên toàn cầu đe dọa ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế và làm gia tăng lo ngại lạm phát, khiến một số nhà đầu tư hướng tới tài sản trú ẩn an toàn.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết: "Ngày càng có nhiều lo ngại về rủi ro trên thị trường và vàng đang được hưởng lợi từ điều đó, cùng với lo ngại về lạm phát và kinh tế toàn cầu hạ nhiệt".
Theo ông Briesemann, nếu lạm phát không ngừng tăng, giá vàng có thể đạt 1.900 USD vào cuối năm nay, bởi lãi suất vẫn duy trì ở mức tương đối thấp, kể cả khi Fed bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ.
Trọng tâm chú ý của thị trường tài chính là biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 của Fed và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ - cả hai sẽ được công báo vào cuối ngày 13/10.
Tham khảo: Reuters, Coindesk