MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngay cả khi có vắc-xin, Covid-19 cũng không thể bị xoá bỏ?

18-02-2021 - 10:03 AM | Tài chính quốc tế

Ngay cả khi có vắc-xin, Covid-19 cũng không thể bị xoá bỏ?

Con đường để loại bỏ Covid-19 còn rất dài và đầy rẫy những hoài nghi.

Người ta không biết được chính xác mức độ miễn dịch cần thiết là bao nhiêu, và liệu vắc-xin có đủ mạnh để đạt được điều đó hay không. Ngoài ra, còn có mối đe dọa về các biến thể mới của virus có thể làm suy yếu hiệu quả của miễn dịch.

1. Liệu Covid-19 có thể bị diệt trừ hay không?

Câu trả lời là không. Ít nhất là cho đến nay, chỉ có một căn bệnh ở người - bệnh đậu mùa - đã chính thức được ngăn ngừa, đồng nghĩa với việc giảm xuống mức 0 ca và giữ ở đó lâu dài mà không cần biện pháp can thiệp liên tục. Bệnh đậu mùa đã được dập tắt nhờ một loại vắc-xin hiệu quả cao và thực tế là con người là động vật có vú duy nhất trong tự nhiên dễ bị nhiễm virus variola gây ra căn bệnh biến dạng, đôi khi gây chết người này.

Con người cũng là nơi ẩn náu duy nhất được biết đến của virus bại liệt, tuy nhiên nó vẫn lây lan ở một số quốc gia bất chấp việc sử dụng rộng rãi các biện pháp chủng ngừa hiệu quả và nỗ lực xóa sổ căn bệnh này toàn cầu trong 32 năm qua. SARS-CoV-2 được cho là vẫn tồn tại trong tự nhiên ở dơi móng ngựa, và đã được biết là lây nhiễm cho chồn, mèo, khỉ đột và các động vật khác. Việc quét sạch virus đồng nghĩa với việc xóa bỏ các loài động vật dễ truyền nhiễm, mà điều này là bất khả thi.

2. Loại bỏ là gì?

Đó là khi những nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát tạo ra kết quả là không có các ca nhiễm mới hoặc lây lan ở một khu vực xác định trong một thời gian dài. Không có định nghĩa chính thức về thời gian đó. Một đề xuất là kéo dài 28 ngày, tương ứng với gấp đôi thời gian ủ bệnh của SARS-CoV-2 - khoảng thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng. Một số quốc gia, chẳng hạn như New Zealand, đã không có ca nhiễm mới trong thời gian dài bằng cách sử dụng các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới, cũng như phát hiện và cô lập các ca nhiễm một cách cẩn thận.

Trong thời kỳ đại dịch bùng phát và lây lan khắp các châu lục, việc duy trì loại bỏ bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào trên phạm vi toàn quốc là một thách thức, nếu không muốn nói là không thể, vì mối đe dọa virus xâm nhập trở lại đất nước từ những du khách quốc tế bị nhiễm bệnh là rất lớn.

3. Liệu vắc xin có loại bỏ được Covid-19 không?

Điều này rất khó để trả lời. Người ta không tính toán được tỷ lệ dân số cần có khả năng miễn dịch để có thể ngăn chặn virus tiếp tục lây lan, hoặc liệu ngay cả những loại vắc-xin mạnh nhất có thể ngăn chặn nó lây lan hay không. Một nghiên cứu ước tính rằng để ngăn chặn sự lây truyền, 55% đến 82% dân số sẽ cần có khả năng miễn dịch - mà có thể đạt được bằng cách phục hồi sau khi nhiễm bệnh hoặc thông qua tiêm chủng.

Tuy nhiên, khả năng miễn dịch cộng đồng đã không đạt được ở Manaus, thủ phủ của bang Amazonas ở Brazil, ngay cả sau khi ước tính 76% dân số đã bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vẫn có lý do để tin rằng việc tiêm chủng hàng loạt sẽ có tác dụng mạnh mẽ hơn bởi vì vắc-xin dường như tạo ra sự bảo vệ mạnh mẽ và lâu bền hơn so với việc từng bị nhiễm bệnh.

4. Hiệu quả của vắc-xin sẽ như thế nào?

Có những bằng chứng tốt cho thấy vắc-xin sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn người bị nhiễm phát triển virus Covid-19, với các thử nghiệm lâm sàng của các mũi tiêm Pfizer Inc.-BioNTech SE và Moderna Inc. cho thấy hiệu quả lên tới 95%. Tuy nhiên, không có đủ dữ liệu sẵn có để đánh giá khả năng của vắc-xin trong việc ngăn chặn mọi người phát triển bệnh khi không có triệu chứng hoặc truyền virus cho người khác.

Số lượng virus truyền nhiễm mà người ta "thải ra" hoặc phát tán trong các phần tử hô hấp là một dấu hiệu cho thấy xu hướng lây lan của chúng. Tại Israel, quốc gia có tỷ lệ công dân được tiêm chủng cao nhất, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người được tiêm chủng mà có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 có nồng độ virus thấp hơn, có thể khiến họ ít lây nhiễm và ít bị bệnh nặng hơn.

5. Tiêm phòng có nên được khích lệ không?

Có, bởi vì tiêu chuẩn vàng trong tiêm chủng là ngăn chặn lây nhiễm cũng như bệnh tật - cung cấp cái gọi là miễn dịch tiệt trùng. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đạt được. Ví dụ, vắc-xin phòng bệnh sởi ngăn ngừa nhiễm trùng để những người được tiêm phòng không lây lan virus, trong khi vắc-xin phòng bệnh ho gà làm tốt công việc ngăn ngừa bệnh chuyển sang trạng thái nghiêm trọng nhưng kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn các ca bệnh mới.

Thật đáng khích lệ, một nghiên cứu về vắc-xin chống Covid của Moderna trên khỉ cho thấy rằng nó sẽ làm giảm, nếu không ngăn chặn hoàn toàn sự lây truyền virus về sau. Các thử nghiệm lâm sàng bằng cách sử dụng vắc-xin AstraZeneca cho thấy nó làm giảm 60% tỷ lệ nhiễm trùng, nhưng khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ngay cả khi tất cả mọi người được tiêm hai liều.

6. Các biến thể của Covid đóng vai trò như thế nào?

SARS-CoV-2 càng tồn tại lâu, chúng càng có nhiều cơ hội đột biến theo những cách tăng cường khả năng lây lan, thời gian ký sinh và phản kháng lại các kháng thể có được nhờ miễn dịch tự nhiên và tiêm chủng. Điều đó làm cho việc ngăn chặn lây lan trở nên khó khăn hơn.

Trong những tháng gần đây, các biến thể lần đầu tiên được báo cáo ở Anh, Nam Phi và Brazil - nơi dịch bệnh Covid-19 đặc biệt nghiêm trọng - đã sinh sôi và lan rộng ra quốc tế. Các nghiên cứu cho thấy chúng dễ lây lan hơn và có bằng chứng cho thấy một số loại vắc-xin mới được phát triển không có nhiều tác dụng với những chủng này.

Các nhà khoa học cho biết các mũi tiêm vẫn có tác dụng ngăn chặn các ca bệnh nặng, nhưng một số loại có thể kém hiệu quả hơn ở giai đoạn nhẹ do ít nhất một biến thể gây ra. Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng việc tiêm chủng có thể cần được cập nhật định kỳ để duy trì hiệu quả của chúng, và một số nhà sản xuất vắc-xin đã phải bắt đầu nghiên cứu các phiên bản mới.

7. Vắc-xin Covid-19 có cần phải ngăn ngừa triệt để nhiễm bệnh để hạn chế các ca bệnh không?

Không. Vắc-xin không nhất thiết phải hoàn hảo để có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Nhà tiêm chủng học người New Zealand Helen Petousis-Harris chỉ ra rằng virus rota và thủy đậu là những ví dụ về các bệnh đã được "loại bỏ phần lớn nhờ làm rất tốt trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng".

Vì SARS-CoV-2 lây lan qua các phần tử hô hấp từ cổ họng và mũi của người bị bệnh, nên một loại vắc-xin làm giảm lượng virus trong đường hô hấp hoặc tần suất người bị nhiễm ho có thể làm giảm khả năng lây truyền sang người khác. Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, nói với các phóng viên vào ngày 25 tháng 1 rằng thay vì tập trung vào việc loại bỏ SARS-CoV-2, nên thay đổi mục tiêu thành công thành "giảm khả năng virus này giết chết mọi người, khiến mọi người phải nhập viện, phá hủy đời sống kinh tế và xã hội của chúng ta".

8. Điều gì sẽ xảy ra nếu Covid-19 không thể bị loại bỏ?

David Heymann, chủ tịch Nhóm Cố vấn Chiến lược và Kỹ thuật của WHO về Các Mối nguy Truyền nhiễm, cảnh báo vào cuối năm 2020, "có vẻ như số phận của SARS-CoV-2 là trở thành bệnh dịch lây lan". Các virus liên tục lan truyền cộng đồng, thường gây đột biến theo chu kỳ khi đặc tính của bệnh và hành vi của con người có lợi cho việc lây truyền. 

9. Những điều trên có ý nghĩa gì?

Những người đã sống sót sau Covid-19 và những người được tiêm vắc-xin chống lại nó có thể sẽ miễn nhiễm với căn bệnh này trong một thời gian. Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle đã tìm thấy huyết thanh máu được thu thập từ những bệnh nhân đã khỏi bệnh nhiễm SARS-CoV-2 sớm trong đại dịch, cho thấy khả năng vô hiệu hóa "nói chung là yếu" - chỉ có thể chống lại virus 4-8 tháng sau đó. 

Nhưng một lần tiêm chủng duy nhất với vắc-xin mRNA từ Moderna hoặc Pfizer-BioNTech đã tăng cường trí nhớ miễn dịch, với nồng độ kháng thể trung hòa tăng khoảng một nghìn lần. Quan trọng hơn, họ nhận thấy những kháng thể đó có khả năng chống lại biến thể Nam Phi. 

Có vẻ như việc tái tiếp xúc với virus thông qua nhiễm trùng tự nhiên cũng sẽ tăng cường khả năng bảo vệ. Khi ngày càng có nhiều người phát triển khả năng miễn dịch, virus sẽ tìm thấy những người chưa được miễn dịch chừng nào khả năng miễn dịch cộng đồng không được thiết lập để bảo vệ họ. Điều đó có nghĩa là những người không được tiêm chủng do hệ thống miễn dịch của họ bị tổn hại, hoặc bị dị ứng với các thành phần của vắc-xin, hoặc quá trẻ (không có vắc-xin nào ở các nước phương Tây được chấp nhận cho trẻ em) - sẽ vẫn dễ bị nhiễm bệnh. 

Một số nhà khoa học đã dự đoán rằng, khi virus đã lan rộng và nhiều người mắc ngay từ khi còn nhỏ, lúc đó, SARS-CoV-2 có thể sẽ không nguy hại hơn cảm lạnh thông thường là bao.

Theo Bloomberg

Mỹ Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên