MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày mai, dòng tiền ngàn tỷ trong đại án Phạm Công Danh sẽ được làm sáng tỏ?

02-01-2017 - 10:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại các phiên tòa tuần qua, Phạm Công Danh nhiều lần xin hội đồng xét xử làm rõ bản chất của các khoản vay mượn này. Ông Danh cho biết ông và ông Trần Quý Thanh có quan hệ thân thiết nhiều năm, vay tiền nhiều lần. Ông Thanh gửi khoản tiền rất lớn ở VNCB và nhiều lần giao dịch nên có sự nể nang nhau.

Những ngày cuối cùng của năm 2016, Phạm Công Danh – ông chủ một thời của ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh cùng các đồng phạm quay trở lại đứng trước vành móng ngựa trong những phiên xử phúc thẩm vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB.

Ngày trở lại, Phạm Công Danh xuất hiện với hình ảnh có phần tiều tụy hơn, dáng vẻ mệt mỏi, tình hình sức khỏe yếu hơn do bị suy thận. Đã nhiều lần HĐXX lo ngại sức khoẻ của ông không đảm bảo để tham gia phiên tòa và cho phép ông được ra ngoài bất cứ lúc nào để các bác sĩ trợ giúp.

Và cũng có hàng chục lần Phạm Công Danh viện lý do vì sức khỏe yếu, trí nhớ kém nên không thể trả lời đầy đủ khi tòa thẩm vấn.

Trong lần xử phúc thẩm này, ông Danh đã liên tục ngoái nhìn lại phía sau để tìm những người “xưa cũ” đến dự tòa. Ông đề nghị tòa cho triệu tập ông Hà Văn Thắm cựu Chủ tịch OceanBank, bà Hứa Thị Phấn, ông Trần Quý Thanh đến tòa để đối chất làm rõ các nội dung liên quan đến việc chuyển giao ngân hàng và các khoản tiền vay mượn.

Trong tuần xét xử đầu tiên, những gì đọng lại là câu nói nhắc đi nhắc lại nhiều lần của bị cáo Danh “Xin tòa cho tôi được trình bày bối cảnh khi đó ngân hàng hết sức khó khăn, bị cáo đã phải bán nhiều tài sản cá nhân, bán hơn 10 căn nhà để lấy tiền chi cho các hoạt động nhằm đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng”, “Bị cáo làm vì cứu ngân hàng không vì tư lợi cá nhân”, “Bị cáo không biết, bị cáo không chỉ đạo mà giao cho người khác làm”...

Những câu trả lời của Phạm Công Danh dường như lạc lõng vì không đúng trọng tâm của câu hỏi, tòa cũng nhiều lần nhắc nhở bị cáo trả lời ngắn gọn, thẳng thắn.

Các thuộc cấp của Phạm Công Danh trong khi đó đồng loạt khai nhận rằng đã làm theo chỉ đạo của ông Danh. Và lời khai của Phạm Công Danh còn đơn độc hơn khi có những xung đột trong các lời khai của người liên quan.

Trong khi đó những mấu chốt lớn liên quan đến các tình tiết quan trọng của vụ án là chỗ bà Hứa Thị Phấn, bà Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi); ông Trần Quý Thanh thì lại vắng mặt tại tòa.

Dòng tiền ngàn tỷ sắp được làm sáng rõ

Trong các hành vi làm sai thì hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và các thuộc cấp đã rút 5.190 tỷ đồng nhưng không có chữ ký của chủ tài khoản và rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, chứng từ là phức tạp hơn cả.

Theo cáo trạng, vào cuối năm 2013, 3 cá nhân là Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trần Hoài Phục (thuộc nhóm bà Trần Ngọc Bích – nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát) đã gửi tiền bằng hình thức sổ tiết kiệm tại VNCB. Sau đó đó dùng chính 6 sổ tiết kiệm này thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. Tuy nhiên trong khi các cá nhân chưa ký vào hợp đồng vay thì Mai Hữu Khương (giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) đã thực hiện chuyển khoản 300 tỷ đồng tiền vay của 3 cá nhân này vào tài khoản của họ, rồi sau đó lại tự ý chuyển sang tài khoản cho Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, sử dụng hết.

Tòa sơ thẩm đã quyết định giải tỏa kê biên 6 sổ tiết kiệm của 3 khách hàng nêu trên nhưng giao cho VNCB giữ để đảm bảo khắc phục thiệt hại. Cả 3 cá nhân đều kháng cáo.

Trả lời trước tòa, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (đại diện ủy quyền của 3 cá nhân) khẳng định 6 sổ tiết kiệm nêu trên không được bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào tại VNCB, vì vậy bà đề nghị tòa tuyên buộc VNCB phải trả lại sổ tiết kiệm cho khách hàng. Bà Thảo cho biết lúc đầu 3 khách hàng dự định cầm cố sổ tiết kiệm cho VNCB để vay tiền nhưng sau đó không vay nữa. Bà đã đòi sổ tiết kiệm nhiều lần nhưng ngân hàng không trả. Bà phải sử dụng các hình thức gửi văn bản, lập vi bằng nhưng đến nay vẫn chưa nhận lại được sổ tiết kiệm.

Trong khi đó, bị cáo Mai Hữu Khương - giám đốc chi nhánh VNCB Sài Gòn, cho rằng bà Thảo nói không đúng sự thật. Theo bị cáo, lúc đầu khách hàng muốn vay tiền nhưng sau đó không vay nữa nên không chịu ký tên vào hồ sơ vay. Tuy nhiên khi khách hàng chưa ký tên thì đã giải ngân.

Ở tòa sơ thẩm, các bị cáo cũng thừa nhận theo chỉ đạo của Phạm Công Danh thì với khách hàng trong nhóm ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích có thể giải ngân trước rồi bổ sung chữ ký vào hồ sơ vay sau, tất cả lãnh đạo VNCB chi nhánh Sài Gòn đều biết việc này. Thực chất theo các bị cáo, đây là mối quan hệ vay mượn giữa Phạm Công Danh và ông Trần Quý Thanh.

Phạm Công Danh nhiều lần xin hội đồng xét xử làm rõ bản chất của các khoản vay mượn này. Theo bị cáo, ông Danh và ông Thanh có quan hệ thân thiết nhiều năm, vay tiền nhiều lần. Ông Thanh gửi khoản tiền rất lớn ở VNCB và nhiều lần giao dịch nên có sự nể nang nhau.

Ông Phạm Công Danh lý giải cụ thể bản chất việc vay mượn là niềm tin dành cho khách hàng. Ngân hàng cho khách mang hồ sơ gốc về nhà, cho nợ chữ ký, ngân hàng giữ sổ tiết kiệm, sau khi được giải ngân, khách hàng ký vào hồ sơ gốc rồi gửi lại cho ngân hàng.

Khó hiểu nhất là lời khai không hề ăn khớp của 3 cá nhân. Quá trình thẩn vấn tại tòa sơ thẩm và trong lời khai trước đó, 3 cá nhân này thừa nhận tiền trong sổ tiết kiệm do họ đứng tên là của ông Trần Quý Thanh, lãi chuyển về tài khoản ông Thanh. Tuy nhiên, đứng trước tòa phúc thẩm, 3 cá nhân này đều chung một công thức trả lời: “Tiền này là của tôi, tôi xin khẳng định lại đây là tiền của tôi, không phải của ai khác còn nguồn tiền từ đâu mà có là chuyện của cá nhân tôi. Tôi trực tiếp đến gửi tiền, lãi tôi nhận và không hề ký bất kỳ giấy tờ vay nào”.

Đến khi tòa hỏi tại sao trước khai khác sau lại hoàn toàn đối lập, họ cho rằng họ không phủ nhận lời khai trước, nhưng khẳng định lời khai hôm nay là sự thật?! Trong khi cả bị cáo Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đều khẳng định 300 tỷ đồng mà ông Danh đã dùng thực chất là của ông Danh vay của ông Thanh.

Liên quan đến khoản tiền 5.190 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích yêu cầu VNCB hoàn trả 5.190 tỷ cả tiền lãi phát sinh theo pháp luật. Sau quá trình thẩm vấn các bên, HĐXX quyết định triệu tập ông Trần Quý Thanh, ông Vũ Anh Tuấn tới phiên tòa ngày 3/1 sắp tới. Như vậy, nếu ông Thanh xuất hiện thì bản chất của dòng tiền ngàn tỷ này sẽ được làm sáng rõ.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên