MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày này 1 năm trước, U23 Việt Nam viết lên câu chuyện lịch sử tại Thường Châu tuyết trắng

28-01-2019 - 08:28 AM | Sống

Đúng ngày 27/01/2018, hành trình kỳ diệu và đầy hào hùng của U23 Việt Nam tại VCK U23 Châu Á khép lại. Chúng ta đã thua, bộ phim sử thi về những chiến binh áo đỏ lao trong tuyết khép lại với niềm vui không trọn vẹn. Thế nhưng cảm xúc và cảm hứng của nó mang lại sẽ còn mãi theo thời gian.

27/01/2018 với những người yêu bóng đá Việt Nam là cột mốc lịch sử không thể nào quên. Gần mười năm kể từ AFF Cup 2008, người ta mới được sống trong không khí sôi động như vậy.

Trước khi giải đấu diễn ra, chẳng ai có thể ngờ một HLV mới chân ướt chân ráo đến Việt Nam và những cầu thủ từng cúi đầu rời SEA Games 29 trong sự tủi hổ của thất bại lại mang đến một kỳ tích lớn lao như vậy. U23 Việt Nam lỳ lợm vượt qua những đối thủ sừng sỏ rồi tiến vào trận chung kết gặp U23 Uzbekistan trong sự sửng sốt của cả Châu Á.

Và dù không thể bước lên ngôi cao nhất, hình ảnh những chàng trai tuổi đôi mươi trong màu áo đỏ lao lên phía trước bất chấp cơn mưa tuyết trắng xóa ở Thường Châu đã tạo ra một cảm xúc mãnh liệt chưa từng có.

Ngày này 1 năm trước, U23 Việt Nam viết lên câu chuyện lịch sử tại Thường Châu tuyết trắng - Ảnh 1.

Nhiều người đã ví đó như một bộ phim sử thi tuyệt đẹp. Sắc đỏ của màu cờ dân tộc cùng màu trắng muốt của cơn mưa tuyết phủ kín sân vận động ngày đông đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về sự tự hào dân tộc, về giấc mơ lớn của những chàng trai trẻ can đảm và dũng mãnh.

Ở cách nơi các cầu thủ thi đấu hơn 1.800km, có một bộ phim tuyệt đẹp cũng được tạo nên. Tại quê nhà Việt Nam, hàng chục triệu người hâm mộ cùng nhau gạt mọi thứ qua một bên để hòa mình vào bóng đá. Dù đó là thời điểm người ta phải hối hả cho việc nhà, việc cơ quan để chuẩn bị đón Tết, nhưng với tinh thần "10 năm rồi Việt Nam mới đá chung kết, Tết năm nào chả có", mọi người hối nhau dừng lại, lấp đầy các quán cafe, nhà hàng và cả hai sân vận động lớn nhất Hà Nội là Mỹ Đình và Hàng Đẫy.

Thánh địa của bóng đá Việt Nam, sân Mỹ Đình, đón chào số lượng CĐV lớn chưa từng có trong lịch sử. Gần 8 vạn CĐV lấp đầy các khán đài, phủ kín mặt sân tạo nên biển cờ đỏ rực. Flycam quay từ trên cao xuống chỉ thấy 2 màu đen và đỏ chủ đạo. Màu đen của... tóc, màu đỏ của niềm tự hào dân tộc.

Trong thời gian trận đấu diễn ra, đường phố Hà Nội tràn ngập sắc đỏ, hầu như nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc nhưng lại chẳng có mấy chiếc xe hoạt động, đúng là vắng "như Tết".

Người ta reo hò, sung sướng đến mức nhảy ra giữa đường ăn mừng khi Quang Hải thực hiện thành công cú sút phạt "cầu vồng trong tuyết". Rồi sau đó lặng đi khi U23 Uzbekistan ghi bàn trong những giây cuối cùng của hiệp phụ thứ hai. Không khí của Hà Nội lúc đó thật lạ. Lặng im đến mức khiến người ta rùng mình, đâu đó chỉ có vài tiếng tặc lưỡi, tiếng sụt sùi và tiếng khóc nấc của một người nào đó.

Ngày này 1 năm trước, U23 Việt Nam viết lên câu chuyện lịch sử tại Thường Châu tuyết trắng - Ảnh 2.

Ảnh gốc: A.M

Thế nhưng chỉ vài phút sau, vẫn trong không gian tĩnh lặng đó, người ta nghẹn ngào, vì tự hào, vì cảm thương khi thấy các chàng trai hô hào nhau "đứng dậy, không được khóc" rồi đi quanh sân chào khán giả.

Hình ảnh Duy Mạnh cắm lá cờ Tổ quốc xuống gò tuyết cao rồi cúi chào một cách đầy trang nghiêm là một cái kết đẹp cho bộ phim ấy. Đó là một lời khẳng định rằng họ sẽ không gục ngã, tất cả sẽ cùng nhau trở lại để chinh phục đỉnh cao và làm được những điều lớn lao, vĩ đại hơn nữa.

Ngày này 1 năm trước, U23 Việt Nam viết lên câu chuyện lịch sử tại Thường Châu tuyết trắng - Ảnh 3.

Ảnh: Facebook

Sau một năm, những chiến binh áo đỏ đã gặt hái thêm được những thành tựu mới như hạng tư ASIAD 18, vô địch AFF Cup hay lọt vào tứ kết Asian Cup, thế nhưng giải đấu ở Thường Châu sẽ luôn được nhớ đến với vị trí trang trọng nhất trong tim người hâm mộ. Đó là lần đầu tiên sau 10 năm với những CĐV lâu năm, là lần đầu tiên trong cuộc đời của những người chưa bao giờ quan tâm đến bóng đá nhưng đã trót phải lòng những chàng trai kiên cường ấy.

Dù sau một năm hay mười năm nữa, chúng ta vẫn sẽ cùng nhau nhắc đến Thường Châu với những cảm xúc còn vẹn nguyên của ngày ấy.

"Mai này ai nhắc lại Thường Châu

Bữa ấy tuyết rơi bạc mái đầu

Mười mấy dũng sĩ lao ngược gió

Để đời kính phục mãi về sau"

(Thơ: Hà Quang Minh)

Theo GN

Trí thức trẻ

Trở lên trên