MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày này năm xưa, 13/2: Chỉ bằng một chuyến ra khơi, người Anh đã kiến tạo nên một công ty 'huyền thoại' từng thống trị cả vùng Đông Ấn

13-02-2023 - 00:20 AM | Tài chính quốc tế

Ngày này năm xưa, 13/2: Chỉ bằng một chuyến ra khơi, người Anh đã kiến tạo nên một công ty 'huyền thoại' từng thống trị cả vùng Đông Ấn

Google hay Apple đều là những công ty quyền lực ngày nay, nhưng trước đây, vào thời kỳ những năm 1600-1874, đây mới là một trong những doanh nghiệp hùng mạnh nhất trên thế giới.

Công ty Đông Ấn Anh được thành lập vào ngày 31/12/1600 và hoạt động như một tổ chức bán thương mại. Nhờ giao thương với Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư và Indonesia, công ty này đã thu về khối lợi nhuận khổng lồ.

Công ty này cũng có quân đội riêng gồm 260.000 binh sĩ, lãnh thổ riêng và từng nắm giữ gần như toàn bộ hoạt động buôn bán một sản phẩm hiện được coi là tinh hoa của Anh - trà

Vào thế kỷ 17, tiểu lục địa Ấn Độ được biết tới là quê hương của các loại gia vị như hạt tiêu, vải vóc, trang sức và được giới thượng lưu châu Âu đánh giá rất cao. Nơi này cũng được coi là vùng đất tiềm năng vô tận.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng được mệnh danh là sở hữu “quần đảo gia vị”. Tuy nhiên, do năng lực thuyền biển xuất sắc, lúc bấy giờ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nắm độc quyền thương mại ở vùng Đông Ấn.

Và nước Anh lại không muốn bỏ qua thị trường màu mỡ này. Năm 1588, các thương nhân người Anh đã đệ đơn lên Nữ hoàng Elizabeth I để được phép đi thuyền đến các nước Đông Ấn. Từ năm 1591 đến năm 1599, có rất nhiều con tàu thương mại đã ra khơi trước sự chấp thuận “không chính thức” của Nữ hoàng.

Tuy nhiên, các con tàu này đã bị mất tích trên biển và không thành công giao thương. Nguyên nhân là do những chuyến đi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ví dụ như đụng độ vũ trang với các đoàn thương nhân cạnh tranh hoặc bệnh dịch hoành hành.

Cho đến cuối năm 1600, Nữ hoàng Elizabeth I mới đồng ý ban sắc lệnh chính thức cho một nhóm thương nhân Anh có quyền thương mại độc quyền với Đông Ấn. Nhiều thương nhân đã bỏ ra gần 70.000 bảng Anh tiền riêng của họ để tài trợ cho các dự án kinh doanh và công ty Đông Ấn Anh ra đời.

Ngày này năm xưa, 13/2: Chỉ bằng một chuyến ra khơi, người Anh đã kiến tạo nên một công ty huyền thoại từng thống trị cả vùng Đông Ấn - Ảnh 1.

Và cột mốc đánh dấu nền tảng giao thương giữa Công ty Đông Ấn Anh và vùng Đông Ấn là chuyến tàu đầu tiên do James Lancaster chỉ huy vào ngày 13/2/1601.

Vào ngày này 422 năm trước, 4 con tàu của Anh đã ra khơi để đến các vùng sản xuất hạt tiêu của đảo Sumatra và Java. Theo lịch trình, hai con tàu thứ nhất đã đi vòng quanh bờ biển Nam Phi và băng qua Ấn Độ Dương để đến Aceh (Sumatra). Hai chiếc còn lại thì đi đến cảng Bantam, phía tây của đảo Java.

4 chiếc tàu đã chở vải len và nhiều sản phẩm kim loại khác nhau. Tuy nhiên, người Sumatra không quá quan tâm đến việc bán các loại gia vị quý của họ để lấy những hàng hóa này. Nguyên nhân là do khí hậu ở Sumatra hiếm khi phải dùng đến vải len hay các sản phẩm từ len.

Lúc này, Lancaster quyết định đổi hàng hóa giao dịch thành vàng, bạc và hàng dệt may của Ấn Độ để mua lại hạt tiêu ở Aceh. Sau này, ông cũng nhận thấy ở Bantam, hạt tiêu thậm chí còn rẻ hơn nên đã tập trung giao thương ở khu vực này.

Lancaster cũng đã mở một nhà máy ở Bantam. Việc nhập khẩu hạt tiêu từ nơi này là một phần quan trọng trong hoạt động thương mại của công ty Đông Ấn Anh trong hai mươi năm. Nhà máy ở Bantam đã đóng cửa vào năm 1683.

Sau lần đi đầu tiên, cả bốn con tàu chở đầy hạt tiêu đã quay trở lại London vào năm 1603. Chuyến đi này đã mở đường cho 11 cuộc giao thương khác trong 9 năm tiếp theo và hình thành nên một đế chế hùng mạnh. Dù đã giải thể từ lâu nhưng cách vận hành của công ty Đông Ấn Anh vẫn còn ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp thời nay.

Tổng hợp

Thùy Bảo

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên