MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày này năm xưa Dow Jones giảm 13%, 1 năm sau thế giới đã biến đổi chóng mặt ra sao?

17-03-2021 - 19:15 PM | Tài chính quốc tế

Ngày này năm xưa Dow Jones giảm 13%, 1 năm sau thế giới đã biến đổi chóng mặt ra sao?

Nhìn lại 1 năm trước, chúng ta đang sống trong 1 thế giới hoàn toàn khác.

16/3/2020, cách đây tròn 1 năm, chính là ngày mà các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ thực sự cảm nhận được đại dịch Covid-19 (mặc dù ở ngoài đời thực thì đại dịch đã ập đến từ cách đó vài tháng). Đó là tuần lễ mà tất cả mọi người nhận ra rằng nước Mỹ sẽ buộc phải đóng cửa trong một thời gian dài.

Vừa mở cửa, chỉ số S&P 500 đã giảm 7%. Công cụ ngắt mạch được kích hoạt và thị trường ngừng giao dịch trong 15 phút. Và đó là lần thứ 3 thị trường "rút phích" chỉ trong 1 tuần (2 lần trước đó là vào ngày 9/3 và 12/3).

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 12,9%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất (theo tỷ lệ %) kể từ sau thế chiến thứ hai (chỉ đứng sau phiên giảm 22,6% của năm 1987). S&P 500 giảm 12%, mức giảm mạnh thứ ba và chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Phải đến 1 tuần sau, ngày 23/3, chỉ số S&P 500 mới chạm xuống đáy. Tính từ ngày 19/2/2020 đến ngày 23/3, S&P 500 đã giảm khoảng 34%.

Tuy nhiên sau đó thì thị trường đã nhanh chóng hồi phục. Đến tháng 8, S&P 500 đã quay trở lại những đỉnh cũ.

Ngày này năm xưa Dow Jones giảm 13%, 1 năm sau thế giới đã biến đổi chóng mặt ra sao? - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số S&P 500 1 năm qua. Nguồn: CNBC.

Nhìn lại 1 năm trước, chúng ta đang sống trong 1 thế giới hoàn toàn khác.

Một tay Fed thay đổi cả thế giới

Điều gì đã thay đổi? Đối với Jim Paulsen, chiến lược gia trưởng của tập đoàn Leuthold, câu trả lời rất đơn giản: Cục dự trữ liên bang (Fed) và chính phủ Mỹ ngày càng "phình to", rất to.

"Các nhà hoạch định chính sách hành động rất nhanh và tung ra những gói kích thích khổng lồ để cứu lấy thế giới", ông nói. Chỉ trong tuần 16 – 23/3/2020, Fed đã có một loạt động thái: bơm lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, giảm lãi suất xuống gần 0 và công bố kế hoạch mua tài sản khổng lồ.

Trong năm vừa qua, thế giới đầu tư cũng đã có rất nhiều thay đổi. Đối với Jim Besaw, giám đốc đầu tư của GenTrust, thay đổi nằm ở chỗ chúng ta nhận ra rằng thị trường đã bước vào thời kỳ "siêu tốc". Mọi thứ mà trước đây chúng ta tin là sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể hoàn thành thì giờ đã xảy ra chỉ trong vài ngày, thậm chí là vài giờ.

Ngày này năm xưa Dow Jones giảm 13%, 1 năm sau thế giới đã biến đổi chóng mặt ra sao? - Ảnh 2.

Hành vi của nhà đầu tư cũng trở nên "hiếu động thái quá". Có thể kể ra 1 loạt tài sản đã tăng trưởng nóng trong 1 năm vừa qua như bitcoin, các cổ phiếu có giá trị vốn hóa siêu nhỏ, các công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) hay làn sóng đầu tư vào các công nghệ đang gây sốt như an ninh mạng, truyền thông xã hội và năng lượng sạch.

Trong khi nhiều nhà đầu tư F0 kiếm bộn tiền để rồi mất sạch tiền chỉ trong chớp mắt, những sự thay đổi vừa qua bị nhiều nhà đầu tư vẫn đi theo các trường phái cũ cảnh báo sẽ đem lại nhiều rắc rối. Theo Mike O’Rourke, chuyên gia đang làm việc tại Jones Trading, bằng cách thực thi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo để đối phó với đại dịch, Fed cũng phải giải quyết số tài sản cao kỷ lục mà họ đã mua vào để bơm thanh khoản cho thị trường trong khủng hoảng. Fed cung cấp quá nhiều thanh khoản đến nỗi đã tạo ra nhiều bong bóng tài sản cùng 1 lúc.

Khảo sát do Bank of America/Merrill Lynch thực hiện với các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu cho thấy phần đông các nhà đầu tư đang tin rằng lạm phát và việc Fed đảo ngược chính sách lãi suất siêu thấp hiện là những rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán. Rủi ro này còn lớn hơn cả những lo ngại về đại dịch – điều vẫn là được coi là nguy cơ lớn nhất suốt từ tháng 2/2020.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên