Ngày tàn của Quảng Đông, Trung Quốc - một thời lẫy lừng là công xưởng của thế giới
Sự xuất hiện của những vùng sản xuất chi phí rẻ hơn ở Đông Nam Á như Việt Nam đã đẩy các nhà máy ở tỉnh Quảng Đông trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: một là thay đổi hai là di dời đến nơi khác.
- 14-06-2016Doanh nghiệp Trung Quốc nợ như chúa Chổm
- 14-06-2016Jack Ma: "Hàng giả do Trung Quốc sản xuất giờ còn tốt hơn cả hàng thật"
- 11-06-2016Trung Quốc đang phải vật lộn trước cảnh các nhà máy chạy sang Việt Nam, Indonesia
Những ngày này, thành phố Đông Quản thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc thật yên ắng, ở đây hầu hết là nhà máy và nhà ở cho công nhân. Một tấm banner đỏ trên một khu nhà máy nói rằng họ có đủ số đơn hàng để duy trì sản xuất đến cuối năm. Nhưng người dân địa phương cho biết tấm biển quảng cáo đó đã được treo ở đó 2 năm nay.
Chỉ vài năm trước, mọi thứ ở đây rất khác. Kể cả ngày chủ nhật, các khu phố đều bận rộn người qua lại. Lúc đó, Đông Quản được coi là tâm chấn của quả bom xuất khẩu Trung Quốc từ đồ chơi, quần áo, điện thoại di động cho đến nội thất
Hầu hết 8 triệu dân sống trong thành phố đều đến từ những tỉnh thành khác nhau. Cũng giống như nhiều người, cô Yu – công nhân nhà máy đến đây lập nghiệp nhưng hiện nay cô đang nghĩ đến việc trở về quê hương ở Trung Khánh sau 20 năm ra đi.
“Đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất từ trước đến nay. Cô đã từng chứng kiến giai đoạn lợi nhuận nhà máy tăng gấp 3. Khủng hoảng tài chính năm 2008 chỉ gây ra ảnh hưởng ở mức độ nhẹ. Nhưng lần này nhà máy đã bị tổn thương nghiêm trọng.”
Cô Yu làm việc cho một nhà máy gia công quần áo cho các hãng phương Tây. 1 năm trước, khu nhà ở cho công nhân có đến hơn 2000 người mà hiện nay chỉ còn khoảng 100 người do nhà máy chuyển phần lớn hoạt động sản xuất đến quốc gia chi phí rẻ hơn ở Đông Nam Á như Việt Nam.
Cô Yu không muốn công khai danh tính để tránh gây phiền phức với chính quyền địa phương. Cô nói giới chức thành phố nói chúng tôi phải bình tĩnh và giữ yên lặng. Phía nhà máy cũng bổ sung thêm lực lượng an ninh để canh trừng chúng tôi không tổ chức bạo động.
Thay đổi để phát triển
6 năm trước, không một chiếc iPhone hay đôi giày Nike nào là không được sản xuất tại Quảng Đông, Trung Quốc. Nhưng những ngày chi phí sản xuất rẻ đã đi qua, các doanh nghiệp tại công xưởng của thế giới đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: một là nâng hạng trong chuỗi sản xuất, hai là di chuyển địa điểm.
“Áp lực chi phí lao động và chi phí sản xuất chung ngày càng đè nặng lên vai của doanh nghiệp.” Li Dongsheng, chủ tịch kiêm CEO công ty TCL – nhà sản xuất điện thoại di động và TV lớn nhất thế giới cho biết. Công ty này đã phải di chuyển địa điểm sản xuất đến các thành phố trung tâm Đại lục như Vũ Hán.
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn tỉnh Quảng Đông là đơn vị đi đầu trong chiến lược chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình phát triển nhờ nợ và lao động giá rẻ sang dựa vào R&D, tiêu dùng trong nước và dịch vụ.
Những nhà máy không cần bật đèn
Chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tiêu dùng và dịch vụ là mảng cốt lõi trong chương trình tìm kiếm nguồn lực tăng trưởng mới của ông Tập nhằm thoát bẫy thu nhập trung bình.
“Dọn chuồng để đón những chú chim tốt hơn.” Cựu bí thư Đảng uỷ tỉnh Quảng Đông ám chỉ việc chấp nhận bỏ ngành công nghiệp cũ để đổi lấy ngành mới có giá trị thặng dư cao hơn.
Hu Chunhua – một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của Bộ chính trị - người đưa ra đề án trị giá 950 tỷ NDT (144 tỷ USD) để nâng cấp 2000 nhà máy trong 3 năm cho biết “Hãy thay thế con người bằng robot”.
Năm 2015, thành phố Đông Quản đã thay thế 43.684 công nhân bằng robot. Động thái này giúp giảm 10% chi phí sản xuất cho các nhà máy.
Lu Miao – phó giám đốc điều hành Lyric Robot tỉnh Quảng Đông cho biết chính phủ hỗ trợ 50.000 NDT cho mỗi công ty mua robot để thay thế công nhân.
Không lâu sau những nhà máy tại Quảng Đông không cần bật đèn mà vẫn có thể hoạt động bình thường vì chỉ có robot làm việc tại các dây chuyền sản xuất. “Đối với xã hội, hành động này khiến cho nhiều công nhân bị thất nghiệp, nhưng đó là yêu cầu thiết yếu đối với doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.” Thị trưởng thành phố Huệ Châu tỉnh Quảng Đông cho biết.
Trong suốt giai đoạn 2010-2015, thành phố Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông đã chuyển đổi hoặc xoá bỏ hơn 17.000 nhà máy cấp thấp. Hiện nay, mức lương dành cho nhân viên cấp cao tại đây đang tương đương với thung lũng Sillicon. Giới chức thành phố tiếp tục chính sách thu hút nhân tài như cung cấp villa miễn phí và treo giải 6 triệu NDT cho những nhân tài xuất sắc.
Trái lại, hầu hết các thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông vẫn đang phải vật lộn để bắt kịp quá trình chuyển đổi của thành phố Thâm Quyến. Nhiều vùng vẫn phải dựa vào chi tiêu chính phủ để duy trì tốc độ tăng trưởng. Giới chức tỉnh Quảng Đông dự kiến sẽ đầu tư 1,43 nghìn tỷ NDT – xấp xỉ bằng GDP của Hy Lạp cho 158 dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong vòng 5 năm nữa.
Cũng giống như hàng triệu công nhân khác tại Quảng Đông, cô Yu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở về quê hương dù biết rằng chi phí di chuyển chỗ ở là khá cao và cuộc sống sinh hoạt sẽ bị đảo lộn.
Đối với Jerry Yang – quản lý dây chuyền sản xuất năm nay 40 tuổi, sự thay đổi của Quảng Đông chẳng khác nào một sự phản bội. “Tôi đã bán tuổi trẻ của mình cho vùng đất này. Và giờ thì nó đền đáp tôi như thế này đây.”