MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày tận thế của ngành bán lẻ truyền thống Mỹ và cốc cà phê của người Việt

09-10-2017 - 14:53 PM | Doanh nghiệp

Tại Mỹ, hàng loạt cửa hàng, trung tâm thương mại đã đóng cửa khi ngành bán lẻ truyền thống của nước này đã phát triển qua đỉnh điểm. Tại Việt Nam, đại diện Bibomart ví von ngành bán lẻ qua một cốc cà phê. Dù cà phê pha sẵn bán khắp nơi, nhưng các quán cà phê vẫn luôn đông khách, bởi chúng ta đến đó không phải chỉ để uống cà phê…

Cuối tháng 9, Business Insider đưa chùm ảnh những trung tâm mua sắm “chết” – những trung tâm bị đóng cửa và quên lãng – trên toàn nước Mỹ của nhiếp ảnh gia Seph Lawless.

Trang này cũng đưa ra dự báo sẽ có hơn 6.400 cửa hiệu bán lẻ ở Mỹ phải đóng cửa trong năm nay. Ngành bán lẻ truyền thống Mỹ sa sút khi người tiêu dùng mua hàng trên mạng ngày càng nhiều.

Trung tâm mua sắm Lincoln Mall ở Chicago sau 2 năm đóng cửa đã biến thành một khu nhà hoang. Ảnh: Business Insider.

Trung tâm mua sắm Lincoln Mall ở Chicago sau 2 năm đóng cửa đã biến thành một khu nhà hoang. Ảnh: Business Insider.

“Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, của Robot, của mạng lưới mọi thiết bị đều có khả năng kết nối Internet, của Big data... Thực tế, ngành bán lẻ truyền thống của Mỹ đã phát triển đến đỉnh của nó. Và thương mại điện tử sẽ là bước đệm để ngành bán lẻ nước này tiến lên nền kinh tế 4.0”, ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng phòng Marketing chuỗi bán lẻ mẹ và bé Bibo Mart – nhận định.

Vậy, đâu là tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam?

Ông Kiên cho rằng, ngành bán lẻ Mỹ đi trước Việt Nam khoảng 100 năm. Tuy nhiên, trong thế giới phẳng như hiện nay, khi tốc độ phát triển công nghệ đang rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch giữa các nền kinh tế, thì chỉ trong khoảng 10 năm tới, hiện tượng này sẽ diễn ra tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Tốc độ này diễn ra tại các tỉnh thành và khu vực nông thôn sẽ chậm hơn.

Hàng dài người Việt chờ đón Zara, H&M và tương lai của ngành bán lẻ qua cốc cà phê Việt

9/9/2017, H&M mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, hàng dài người đã xếp hàng trước thời điểm khai trương 2 giờ đồng hồ. Hiện tượng này không khác gì hàng dài người chờ đợi Zara mở cửa đúng 1 năm trước đó.

Điều này không chỉ chứng minh sức hút của fast fashion (thời trang nhanh) với người tiêu dùng Việt, mà còn là minh chứng cho việc bán lẻ truyền thống vẫn còn đất sống ở Việt Nam. Nếu bỏ qua vấn đề phí vận chuyển, tỷ lệ người Việt có thói quen đến cửa hàng và trải nghiệm thay vì click mua một món đồ vẫn còn rất lớn.

“Bán lẻ truyền thống hay kênh thương mại điện tử sẽ không có cái nào thay thế cái nào, mà chỉ là hình thức nào chiếm ưu thế hơn, bởi mỗi kênh sẽ có những lợi thế riêng khó có thể thay thế được”.

“Kênh bán lẻ truyền thống có những thế mạnh về không gian và trải nghiệm mua sắm... Và nó sẽ sống được nếu biết tạo ra những giá trị khác biệt mà kênh thương mại điện tử không thể làm được khi cung cấp những trải nghiệm mua sắm khiến việc đi mua sắm trở thành một quá trình hưởng thụ”, ông Kiên nhìn nhận.

Ông Kiên cũng ví von ngành bán lẻ như một cốc cà phê . Hiện cà phê pha sẵn được bán khắp nơi, mọi người có thể mua về để uống tại nhà, vừa rẻ vừa tiện lợi. Nhưng thực tế, các quán cà phê vẫn luôn đông khách. Bởi chúng ta đến đó không phải chỉ để uống cà phê.

Việt Nam, với dân số 92,7 triệu người, thu nhập bình quân ở mức 2.215 USD/người/năm (theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016), được hãng tư vấn ATKearney Mỹ xếp hạng là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thứ 6 thế giới, sau Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ…

Sự phát triển của công nghệ đang làm thay đổi mọi trật tự xã hội, phân chia lại ngành nghề, lao động, giá trị... và ngành bán lẻ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Và tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam, theo đại diện của Bibo Mart, sẽ là:

1. Omni channel

Ngành bán lẻ của Việt Nam trong 10 năm tới vẫn sẽ dành nhiều tập trung cho các kênh truyền thống do văn hóa, tâm lý tiêu dùng cũng như nền tảng công nghệ. Và đây chính là lý do để nền tảng bán hàng đa kênh Omni channel trở thành tương lai của bán lẻ Việt Nam.

Omni channel có nghĩa là bán hàng đa kênh trên cùng một nền tảng và hướng đến thống nhất, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nền tảng này đòi hỏi phải sự kết nối xuyên suốt, nhất quán giữa các kênh với nhau và tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Để theo đó, dù hành vi của khách hàng chuyển dịch từ hướng online sang offline, các doanh nghiệp đều có thể được đáp ứng.

Khi đó, một sản phẩm được bán ra, thông tin lập tức được cập nhật lên hệ thống. Người quản lý có thể biết số lượng từng sản phẩm hiện có tại mỗi cửa hàng, mỗi kênh hàng trong hệ thống. Ngay cả nhân viên bán hàng tại từng cửa hàng, khi được phân quyền, cũng có thể nhìn thấy hàng tồn kho tại cửa hàng khác, qua đó có thể tư vấn, tương tác với khách hàng.

Với khách hàng, khi vào trang web của công ty, họ cũng có thể thấy chi nhánh cửa hàng nào còn sản phẩm mà họ đang tìm kiếm.

Bên cạnh những lợi ích vừa nêu, giải pháp Omni channel còn giúp tối ưu hóa nguồn lực. Lấy ví dụ việc cập nhật thông tin, nếu theo phương pháp cũ, doanh nghiệp phải tốn thời gian thực hiện cho từng kênh bán hàng, còn qua omnichannel, họ chỉ cần thực hiện đúng một lần và thông tin tự động được cập nhật đồng thời tại các kênh khác như Facebook, Zalo, trang web… Điều này vừa giúp tiết kiệm nhân lực, vừa tránh độ trễ và giảm sai sót trong cập nhật thông tin.

2. Nền tảng công nghệ trở thành vũ khí cạnh tranh

Trong thời đại công nghệ số, công nghệ thực sự đóng vai trò nền tảng để các doanh nghiệp phát triển. Không có công nghệ mạnh rất khó để doanh nghiệp có thể phát triển nhanh và bền vững. Các công ty hàng đầu thế giới cũng như Việt Nam đều phát triển dựa trên nền tảng công nghệ mạnh như Amazon, Alibaba, Microsoft, Facebook, Uber, Starbucks, Masan, Thế giới di động...

Amazon đã dùng drone làm phương tiện giao hàng.

Amazon đã dùng drone làm phương tiện giao hàng.

Chính vì vậy, để các doanh nghiệp Việt có thể chiến thắng trên sân nhà và đánh ra sân khách, trước hết chúng ta cần phải thắng bằng công nghệ.

3. Giá trị trải nghiệm tạo ra sự khác biệt

Trong khi phần lớn nhu cầu hàng ngày của con người đến từ những đồ dùng cơ bản, chẳng mấy chốc các cửa hàng sẽ không còn là nơi để bán hàng hóa.

Thay vào đó, chúng sẽ là nơi cung cấp trải nghiệm hàng hóa cho các thương hiệu. Khách hàng sẽ được truyền cảm hứng, nhìn và thử sản phẩm mới. Hơn nữa, không chỉ mua bán, người mua hàng đến đây còn được giải trí, giáo dục, kết nối và trò chuyện với nhau.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên