MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngay trong năm sau, toàn bộ cao tốc dài, hiện đại nhất Việt Nam sẽ sở hữu công nghệ đặc biệt này

Các dự án thành phần trên tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam khi đưa vào khai thác sẽ được quản lý, điều hành bằng công nghệ hiện đại.

Năm 2025, hoàn thành hệ thống ITS trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Trong báo cáo số 10983/BGTVT-BC gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề, Bộ Giao thông Vận tải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong chương trình này, giao thông được xác định là lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, với trọng tâm phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS), đặc biệt là giao thông đô thị, đường cao tốc và quốc lộ.

Thủ tướng cũng đã phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông vận tải, tập trung vào lĩnh vực đường bộ. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, 100% các tuyến đường cao tốc sẽ được quản lý và điều hành bằng hệ thống ITS.

Hiện tại, hệ thống ITS đã được triển khai trên một số tuyến đường cao tốc như: Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Pháp Vân - Cầu Giẽ, và Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Ngay trong năm sau, toàn bộ cao tốc dài, hiện đại nhất Việt Nam sẽ sở hữu công nghệ đặc biệt này- Ảnh 1.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là dự án thành phần đầu tiên trên trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông sở hữu hệ thống giao thông thông minh – ITS. Ảnh: tacorp.vn

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải hiện đang tiến hành các thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở cho các dự án thành phần, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư lập hồ sơ thiết kế và dự toán sau giai đoạn thiết kế cơ sở để triển khai thi công và lắp đặt thiết bị.

Bộ này dự kiến hệ thống giao thông thông minh (ITS) và các trạm thu phí sẽ được hoàn thiện đồng bộ với tuyến đường cao tốc, sẵn sàng đưa vào khai thác trong năm 2025.

Hệ thống ITS là gì?

Hệ thống ITS (Intelligent Transportation System - Hệ thống Giao thông Thông minh) là tập hợp các giải pháp công nghệ được ứng dụng trong giao thông nhằm nâng cao hiệu quả, an toàn và tính bền vững của hệ thống giao thông. 

ITS phục vụ hoạt động quản lý, vận hành các công trình hạ tầng giao thông, được thiết kế nhằm cho phép giám sát, phát hiện và xử lý các sự cố giao thông một cách nhanh chóng, tối ưu hóa hiệu suất khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, tiện lợi và thân thiện với môi trường.

Nhờ vào hệ thống lưu trữ – phân tích dữ liệu, giám sát và điều khiển liên động các thiết bị, các sự cố giao thông có thể được nhận diện nguy cơ từ sớm, phát hiện và kích hoạt các biện pháp xử lý kịp thời với các kịch bản nhất quán, rút ngắn thời gian xử lý và giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn, mất an toàn giao thông.

Ngay trong năm sau, toàn bộ cao tốc dài, hiện đại nhất Việt Nam sẽ sở hữu công nghệ đặc biệt này- Ảnh 2.

Hệ thống quản lý giao thông thông minh giúp giám sát tốc độ của các phương tiện và điều chỉnh lưu lượng xe phù hợp trên các đoạn đường khác nhau. Các biển báo điện tử có thể thay đổi giới hạn tốc độ tùy theo điều kiện đường sá và mật độ giao thông, giúp tránh tình trạng phanh gấp hoặc di chuyển quá nhanh, giảm thiểu tai nạn. Ảnh: tacorp.vn

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) bao gồm nhiều thành phần như hệ thống điện, chiếu sáng, quạt thông gió, hệ thống phòng cháy chữa cháy, camera giám sát và phát hiện sự cố, biển báo giao thông điện tử, đèn tín hiệu, hệ thống loa phóng thanh, radio/bộ đàm, và hệ thống thu phí điện tử liên tuyến với đầu vào mở.

ITS là một phần quan trọng của đường cao tốc, giúp tăng cường khả năng kết nối giữa người tham gia giao thông, phương tiện và cơ sở hạ tầng.

Hệ thống camera trên tuyến được trang bị camera giám sát và camera tích hợp hệ thống phát hiện phương tiện (VDS), sử dụng công nghệ xử lý hình ảnh AI tiên tiến, cùng các thiết bị hỗ trợ như hồng ngoại và radar.

Camera PTZ có khả năng xoay 360 độ để quan sát toàn bộ tuyến đường, không có điểm mù. Camera VDS tích hợp AI có khả năng phân loại phương tiện, nhận diện biển số, phát hiện và cảnh báo các sự cố như vượt quá tốc độ, tắc nghẽn giao thông, dừng đỗ sai quy định, đi ngược chiều và vật cản trên đường.

Hình ảnh từ các phương tiện được thu thập qua camera dọc tuyến, truyền về trung tâm điều hành thông minh theo thời gian thực, kết hợp với trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ giám sát, theo dõi và ra quyết định trong các tình huống giao thông khẩn cấp.

Trong hầm, ITS kết nối với các hệ thống cơ điện như phòng cháy chữa cháy, quạt jet, chiếu sáng và cảm biến quan trắc, đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các sự cố nghiêm trọng như cháy nổ.

ITS cũng cung cấp thông tin giao thông trực tiếp cho người lái xe, giúp họ nhanh chóng nắm bắt tình hình và điều chỉnh lộ trình hợp lý. Các biển báo điện tử thông báo về tình trạng giao thông và các sự cố để người lái có thể đưa ra các quyết định thích hợp.

Việc giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm nhiên liệu nhờ vào việc loại bỏ điểm dừng tại các trạm thu phí.

Ngoài ra, ITS còn hỗ trợ đơn vị quản lý ghi nhận dữ liệu và đưa ra các khuyến nghị bảo trì, sửa chữa thiết bị, đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng trong việc xử lý các vi phạm giao thông.

Cao tắc Bắc - Nam phía Đông dài, hiện đại nhất Việt Nam

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông là một trong những dự án giao thông quan trọng và lớn nhất của Việt Nam, được xây dựng với mục tiêu kết nối các tỉnh, thành phố từ miền Bắc tới miền Nam, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước. 

Với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, sau khi thông toàn tuyến vào năm 2025, đây sẽ là tuyến cao tốc hiện đại nhất của Việt Nam.

Ngay trong năm sau, toàn bộ cao tốc dài, hiện đại nhất Việt Nam sẽ sở hữu công nghệ đặc biệt này- Ảnh 3.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ trên cao. Ảnh: Thảo Quyên - Thế Sơn

Đây cũng là cao tốc dài nhất Việt Nam có tổng chiều dài khoảng 2.063 km, chạy dọc theo trục Đông của đất nước. Nó đi qua 32 tỉnh và thành phố, từ Lạng Sơn ở miền Bắc đến Cà Mau ở miền Nam. 

Dự án được chia thành nhiều đoạn khác nhau để triển khai xây dựng theo từng giai đoạn. Hiện đã đưa vào khai thác khoảng 1.224 km, đang đầu tư khoảng 840 km.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc hiện đại với các yếu tố kỹ thuật tiên tiến: tốc độ thiết kế 80-120 km/h, có từ 2, 4 đến 6 làn xe đảm bảo lưu thông thông suốt và an toàn. Hệ thống biển báo, giám sát giao thông thông minh (ITS) được trang bị đồng bộ.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng tích hợp hệ thống thu phí tự động (ETC), giúp xe cộ di chuyển qua các trạm thu phí mà không cần phải dừng lại, góp phần giảm thiểu thời gian chờ và tăng hiệu quả vận hành của cao tốc.

Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên