Nghe cuộc gọi 9 giây của người quen, người đàn ông mất 8 tỷ đồng trong tài khoản, báo cảnh sát thì đã không cứu vãn được
Sau cuộc điện thoại của người quen lâu ngày không liên lạc, người đàn ông rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
- 17-11-2023Những điều cần làm ngay khi mất điện thoại để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo
- 17-11-2023Apple ra thông báo gây sốc về hợp tác với Google, hứa hẹn sẽ "nhất thống giang hồ" đối với ứng dụng nhắn tin trong tương lai
- 17-11-2023Bing Chat đổi tên thành Copilot nhằm cạnh tranh với ChatGPT
Cách đây không lâu, một người đàn ông tên He ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) đã trình báo cảnh sát về sự việc bị lừa tiền sau một cuộc gọi video. Cụ thể, một người bạn trên WeChat (ứng dụng nhắn tin, gọi điện phổ biến tại Trung Quốc) bất ngờ gọi video cho He sau thời gian dài không liên lạc.
Trong video, He nhìn thấy người này đang làm việc trong phòng họp. Hai người mới kịp chào hỏi vài câu và He đang định hỏi han thêm thì người bạn đã cúp điện thoại, giải thích rằng mình có cuộc họp quan trọng cần tham gia. Người bạn không quên nói thêm rằng sẽ nhắn tin cho He sau khi xong việc.
Sau cuộc gọi kéo dài 9 giây, He nhận được tin nhắn của người bạn nọ, nói rằng anh ta đang thực hiện một dự án đấu thầu cần vốn lưu động và vay tiền của He, đồng thời hứa sẽ trả tiền đúng hạn.
Vì đã gọi video nên He không hề nghi ngờ và đã chuyển luôn số tiền 2,45 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 8 tỷ đồng) vào tài khoản do người bạn chỉ định. Tuy nhiên, khi gọi điện thông báo, He mới nhận ra mình đã bị lừa và lập tức trình báo cảnh sát.
Sau quá trình điều tra và theo dõi dòng tiền trong tài khoản của kẻ lừa đảo, cảnh sát đã bắt giữ 3 nghi phạm, thu giữ 26 chiếc điện thoại di động có liên quan, thu hồi được 1 triệu nhân dân tệ. Trên thực tế, He không phải nạn nhân duy nhất nên ngay cả khi được hoàn trả, anh cũng chỉ nhận được một phần nhỏ trong số tiền đã mất.
Thủ đoạn của nhóm lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn lừa được rất nhiều người. Chúng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hoán đổi khuôn mặt trong các video quay sẵn. Những video này thường chỉ kéo dài vài chục giây, mục đích là để tạo sự tin tưởng của nạn nhân. Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ nhắn tin cho nạn nhân, trình bày lý do thuyết phục để họ chuyển tiền.
Trước đó, một người đàn ông khác cũng bị lừa 4,3 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 14 tỷ đồng) sau cuộc gọi 10 phút với mánh khóe tương tự. Nạn nhân là ông Guo, đại diện pháp lý của một công ty công nghệ ở Phúc Châu.
Kẻ lừa đảo cũng liên lạc với ông qua WeChat, nói rằng đang có một thương vụ làm ăn và muốn mượn tài khoản của công ty ông Guo để thanh toán. Ông Guo kể lại: “Anh ta biết tài khoản ngân hàng của công ty tôi và thông báo với tôi là đã chuyển số tiền 4,3 triệu nhân dân tệ vào đó. Vì gọi điện qua video và tin tưởng nên tôi chưa kiểm tra xem nhận được chưa mà đã chuyển số tiền đó cho một tài khoản khác thành hai đợt. Tài khoản này chính là của kẻ lừa đảo”.
Sau khi hoàn tất, ông nhắn tin thông báo cho người bạn “chính chủ” thì mới phát hiện ra là đã bị lừa. Sau đó ông báo cảnh sát nhưng khả năng thu hồi lại toàn bộ số tiền không cao.
Một trường hợp khác là ông Wang, người bất nhờ nhận được cuộc gọi video từ cấp trên tại công ty với nội dung cần vay hơn 400.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 1 tỷ đồng). Không mảy may nghi ngờ, ông Wang cũng rơi vào hoàn cảnh bị lừa tương tự.
Vài năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ đặc biệt là AI, số lượng vụ lừa đảo trên toàn cầu đã tăng lên đáng kể với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chính vì thế, mọi người được khuyến khích xác minh thật kỹ thông tin trước khi chuyển hay rút tiền theo yêu cầu của bất kỳ ai để tránh rủi ro mất tiền.
Nhịp sống thị trường