MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghe góp ý của Gen Z, "ông chú" Trung Quốc bán 1,2 triệu sản phẩm, hồi sinh cả nhà máy?

27-01-2024 - 07:55 AM | Tài chính quốc tế

Nghe góp ý của Gen Z, "ông chú" Trung Quốc bán 1,2 triệu sản phẩm, hồi sinh cả nhà máy?

Câu chuyển tưởng như đùa này được Sohu (Trung Quốc) đăng tải ít giờ trước.

"Người làm ô cứu nhà máy"

Gần đây Lei Penglin (Lôi Bằng Lâm) cùng chủ đề "người làm ô cứu nhà máy" đã trở thành từ khóa nóng trên các mạng xã hội Trung Quốc.

Câu chuyện đằng sau người đàn ông 38 tuổi được mệnh danh là "ông chủ xưởng sản xuất ô hiền lành nhất trên Internet" đã được nhiều người biết đến hơn vì anh tạo ra đủ loại ô kỳ lạ dựa trên nhận xét của cư dân mạng Trung Quốc.

Năm 2004, Lei Penglin bắt đầu đi làm tại một nhà máy sản xuất ô, sự nghiệp của anh thăng tiến từ các vị trí công nhân, quản đốc, giám đốc sản xuất và sau đó là các vị trí kinh doanh. Nói chung anh đã dành 10 năm trong quy trình sản xuất và bán hàng của những chiếc ô.

Năm 2014, anh mở xưởng riêng, mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ cho đến năm 2018, khi nợ nần khiến xưởng sản xuất ô của Lei Penglin đối mặt với nguy cơ phá sản.

Đến năm 2019, Lei Penglin đã chuyển hướng sang thương mại điện tử và các nền tảng bán hàng thông qua Livestream (Phát trực tiếp). 

"Và đó là lúc tôi bắt đầu liên hệ với các công ty thương mại điện tử Douyin (TikTok Trung Quốc)”, vị giám đốc cho biết.

Lei Penglin sau đó bắt đầu đăng tải các video lên mạng xã hội, trong các video anh thường im lặng, đứng thẳng, vỗ nhẹ chiếc ô trên tay, mở ra, cầm cán ô, lắc mạnh vài cái rồi té nước, thổi giấy...

Khi xem xong, nhiều dân mạng Trung Quốc nhận xét rằng mọi thứ diễn ra như khi xem kịch câm - "Rõ ràng là không có bất kỳ hội thoại nào nhưng dường như mọi thứ cần nói đều đã được thể hiện".

Lei Penglin giải thích rằng cảm hứng cho chế độ quay video này được lấy từ những người bán giấy ăn:

"Họ không nói bất kỳ lời nào và chỉ đưa ra sản phẩm. Đầu tiên, họ đặt lên bàn 1 tờ giấy phẳng và đổ một ít nước, sau đó đặt điện thoại lên đó và lắc 2 lần để chứng minh chất lượng giấy với độ dẻo dai tốt. Điều này làm tôi băn khoăn liệu ô có thể được trình diễn tương tự hay không".

Phản ứng với video Lei Penglin cố gắng mở chiếc ô và lắc nó để chứng minh rằng nó có chất lượng tốt, một dân mạng bình luận, hai người có thể sử dụng được không?

Trong video tiếp theo, vị giám đốc đứng cạnh một người để chứng minh rằng hai người có thể sử dụng được.

Nó có bị ướt không? Lei Penglin đổ một ít nước và thổi lên tờ giấy.

Nó có chống nắng hay không? Anh bật đèn pin lên và nhìn để chứng minh rằng ánh sáng xuyên qua mờ đục...

Mặc dù đã nhận được sự chú ý nhưng các video của Lei Penglin vẫn chưa thực sự phổ biến, vị giám đốc vẫn vững tin:  "Tôi biết rằng kịch bản sẽ ổn thôi, bước tiếp theo là tiếp tục đăng video mỗi ngày".

Vào ngày 14/5/2022, một video do Lei Penglin đăng tải bất ngờ trở thành hit. Chỉ trong 1 ngày nó đã thu hút hơn 60 triệu lượt xem, 1,88 triệu lượt thích và tăng gần 300.000 người hâm mộ. Quan trọng hơn, gần 150.000 chiếc ô đã được bán trong 10 ngày sau đó.

Được biết chiếc ô trong video là kèm theo đèn pin có thể xoay 180 độ và theo vị giám đốc, đây là mẫu bán chạy nhất của xưởng cho tới nay.

Sau khi chiếc ô có thể chiếu sáng trở nên phổ biến, Lei Penglin bắt đầu đặc biệt chú ý đến bình luận của dân mạng. Anh nhớ rõ lúc đó có một bình luận viết:

"Chú ơi, cháu sợ bị một chiếc ô quệt trúng khi đi ra ngoài vào ban đêm. Chú có thể làm ra một chiếc ô phản quang được không?"

Để làm ra chiếc ô này, việc đầu tiên Lei Penglin nghĩ đến là nguyên vật liệu. Anh nghĩ đến các dải băng phản quang cảnh báo và sau đó phát hiện ra rằng một số nhà sản xuất đã sử dụng vật liệu này để tạo ra các dải phản quang ở mép ô.

Lei Penglin lập tức đến xưởng và nói: "Không cần cắt tấm vải này, hãy đưa tôi một mảnh để làm việc khác trước".

Vào tháng 4/2023 chiếc ô phản quang đã được tạo ra và 70.000 đơn hàng đã được đặt theo sau video giới thiệu về nó.

Tiếp sau đó là hàng trăm bình luận về những chiếc ô đôi, ô đổi màu... cho đến nay Lei Penglin đã thiết kế hơn 100 loại ô dựa trên nhu cầu của dân mạng Trung Quốc.

Ô phun mưa?

Trong tất cả những chiếc ô kỳ lạ mà mình đã chế tạo, thứ mà Lei Penglin tự hào nhất là "ô phun mưa".

Theo suy nghĩ thông thường thường, ô để che nắng, che mưa vậy tại sao lại cần đến những chiếc ô phun mưa? Số là trong một triển lãm truyện tranh, Lei Penglin đã tình cờ gặp được 1 dân mạng với yêu cầu "Chú ơi, chú có làm ra chiếc ô có thể làm mưa hay không?"

Lei Penglin đã hỏi cư dân mạng tại sao họ lại muốn một chiếc ô như vậy, người này cho biết rằng mặc dù vào mùa hè ô thường được dùng để che nắng nhưng nếu nó có khả năng phun sương thì sẽ rất dễ chịu.

Sau khi trở về xưởng, Lei Penglin đã dành gần 3 tháng để làm chiếc ô này.  Anh lắp bình nước và thiết bị phun sương vào ô...

"Cho đến nay, thứ tốt nhất tôi có thể làm là một chiếc ô có thể tạo ra mưa" - Lei Penglin nhấn mạnh.

Cho tới thời điểm hiện tại Lei Penglin đã bán được hơn 1,2 triệu chiếc ô với khách hàng chủ yếu có độ tuổi từ 18 đến 24 và phần lớn là sinh viên. "Và đó là lý do tại sao họ thường gọi tôi là chú", vị giám đốc vui vẻ.

Tuy nhiên trước những người coi việc kinh doanh này có vẻ dễ dàng như "mua ít máy móc, livestream (phát sóng trực tiếp), không tốn tiền cho thiết kế vì ý tưởng đã ở phần bình luận", Lei Penglin nhấn mạnh rằng thực tế là để vận hành một xưởng sản xuất ô vẫn rất phức tạp.

Khó khăn hiện tại mà Lei Penglin đang gặp phải là thiếu nhân tài R&D (Nghiên cứu và phát triển), những người có thể giúp hiện thực hóa mong muốn của dân mạng Trung Quốc, anh chia sẻ:

"Khi dân mạng có một ý tưởng, cần phải thiết kế càng nhanh càng tốt để chuyển sang bước tìm nguyên liệu để sản xuất. Vấn đề là người thiết kế càng ngày càng chậm".

Theo Lei Penglin, lý do khiến anh nổi tiếng là do tuân theo các lời khuyên và trong tương lai, anh muốn làm việc chăm chỉ hơn và tạo ra nhiều chiếc ô hơn đáp ứng nhu cầu của dân mạng Trung Quốc:

"Dự định của tôi là đi tham gia nhiều triển lãm truyện tranh hơn, làm quen với giới trẻ và hòa nhập với giới trẻ để hiểu được nhu cầu của họ. Ngoài ra còn nhu cầu về cổ trang. Gần đây tôi đã đến Lạc Dương và thấy nhiều cô gái trẻ mặc cổ trang, họ cũng có nhu cầu lớn”.

Gen Z hay Thế hệ Z được các nhà nghiên cứu nhận định là những người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1997 (27 tuổi) đến 2012 (12 tuổi).



Theo Hoài Giang

Đời Sống Pháp Luật

Trở lên trên