MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề ngân hàng: Thử thách từng phút giây nhưng vinh quang là mãi mãi

02-10-2017 - 09:23 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu ai hỏi trong 4 mùa tôi yêu mùa nào nhất, tôi trả lời ngay không cần đắn đo: ấy là mùa thu. Không chỉ xốn xang với những tà áo trắng tựu trường, mùa thu tôi yêu còn có những đóa cúc vàng khoe sắc thắm và mùi hoa sữa thơm nồng đặc trưng. Nhưng yêu hơn cả, mùa thu là mùa kỷ niệm khi tôi bắt đầu sự nghiệp ngân hàng gần chục năm trước.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Châu Thị Phương Thảo - Sacombank Củ Chi gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

----------------------

Nhớ ngày ấy, Ba mẹ đã làm việc rất vất vả để cho anh chị em tôi những bữa cơm no và được đeo đuổi con đường chinh phục tri thức. Cuộc sống kinh tế khó khăn, nên năm cuối Đại học, tôi thường đến các tiệm nét gần nhà để thuê máy tính đánh khóa luận tốt nghiệp. Lần đó, tôi tình cờ gặp chị hàng xóm cũng đang thuê máy tính soạn hồ sơ xin việc. Chị bảo định nộp đơn vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, rồi chị rủ tôi cùng nộp đang có đợt tuyển trên toàn quốc. Tôi thấy rất vui vì đó là cơ hội cho một cô bé sắp chuẩn bị ra trường, nhưng rồi tôi lại do dự vì khóa luận tốt nghiệp còn dở dang, chưa có bằng đại học, rồi còn trình độ tiếng Anh chưa đủ. Đắn đo mãi và tôi quyết định bỏ qua cơ hội ấy.

Ngày ra trường, tôi đi làm nhiều nơi, vừa làm vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm vừa tích góp tiền để trang bị thêm kiến thức cho mình. Và rồi, chẳng biết do may mắn hay là định mệnh mà tháng 9/2009 tôi lại trúng tuyển vào ngân hàng trước đây tôi đã bỏ qua cơ hội – Sacombank.

Giao dịch viên là chức danh khởi đầu của tôi. Ngày ấy, Chi nhánh tôi công tác khá ít người, chỉ có vỏn vẹn 3 giao dịch viên. Khách hàng đến giao dịch mỗi ngày rất đông, máy móc thì không có hệ thống bóc số tự động như bây giờ, chúng tôi phải trang bị những cái khay nhỏ đặt trên quầy cho khách bỏ phiếu vào rồi đợi gọi tên. Nhiều lúc, chưa kịp gọi, khách đã đến quầy đầy giận dữ. Khi gặp những tình huống ấy, chúng tôi phải cố gắng giải thích để mong khách cảm thông. Chúng tôi phải thao tác thật nhanh, chính xác từng con số, từng ký tự trên màn hình máy tính, vừa trả lời điện thoại cho khách hàng, vừa tư vấn cho khách hàng đối diện…Công việc cứ luôn tay, chỉ mong phục vụ khách hàng tốt nhất có thể.

Nếu lỡ chẳng may hôm nào vô tình chi thiếu cho khách hàng, dù chỉ vài ngàn, nhưng cũng có thể bị quở trách. Hay một ngày không may mắn lỡ chi cho khách hàng nhiều hơn số tiền mà khách hàng được nhận thì đêm đó cũng thao thức với giấc ngủ không trọn vẹn. Nhưng trải qua những vất vả đó mới thấy giao dịch viên là cái nghề mà khi đã gắn bó, tôi ngày càng yêu nghề hơn, ngày càng có kinh nghiệm và trưởng thành hơn.

Rồi cái duyên với nghề giao dịch viên với tôi không còn nữa. Khi Ngân hàng thành lập phòng kiểm soát rủi ro trong đợt điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy tại Sở giao dịch và các chi nhánh trong toàn hệ thống. Tôi được lựa chọn để “nhập cư” vào ngôi nhà mới với chức danh hoàn toàn mới toanh “Chuyên viên Kiểm soát rủi ro”.

Công việc mới, nhiệm vụ mới như mở ra những cánh cửa thách đố cho tôi những trải nghiệm thật thú vị . Tôi phải thường xuyên kiểm tra giám sát quá trình tác nghiệp của bộ phận xử lý giao dịch, đồng thời phải quan sát và cảnh giác với các hoạt động mà có khả năng gây rủi ro cho ngân hàng. Công việc này đòi hỏi tôi phải sẵn sàng nhạy bén trong quan sát, thu thập mọi thông tin rồi phán đoán nhanh tình huống; thận trọng trong quá trình tác nghiệp… và quan trọng hơn hết là phải dùng đến những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác trước đó.

Thời gian đầu công việc của tôi gặp khá nhiều khó khăn. Phần đông mọi người ủng hộ và tích cưc hợp tác, chỉnh sửa các ghi nhận để hạn chế rủi ro cho Đơn vị mình, nhưng bên cạnh cũng còn lắm những ánh mắt dè chừng, chậm hợp tác khi bị kiểm tra. Nhưng bằng sự quyết tâm và không lùi bước trước những khó khăn, chúng tôi đã góp phần ngăn ngừa được một số rủi ro cho chi nhánh và đơn vị. Đó đôi khi là việc phát hiện giấy tờ giả mạo do khách hàng cung cấp, cảnh báo các giao dịch đáng ngờ theo qui định phòng chống rửa tiền; thông báo việc xác nhận số dư cho khách hàng nhưng chưa phong tỏa tài khoản của họ; ghi nhận các trường hợp sai sót, rủi ro khác trong quá trình tác nghiệp của GDV, hoạt động của ngân hàng…

Rồi từ đấy mọi người gắn kết nhau hơn với ánh nhìn đầy thiện cảm. Các đơn vị trực thuộc chi nhánh còn thường xuyên chủ động gọi điện về cho chúng tôi để thông báo những rủi ro mà đơn vị đang gặp phải, trao đổi về các mặt nghiệp vụ, những qui trình, quy định mới ban hành. Có những khi còn là cuộc gọi của các phòng kiểm soát rủi ro ở những chi nhánh khác của các tỉnh khác nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm và phương thức làm việc sao cho hiệu quả nhất. Khoảng cách về địa lý như rút ngắn lại vì công việc đã giúp chúng tôi, những con người đam mê với nghề dù ở xa nhau nhưng tư tưởng lại gần nhau.

Qua cả hai vị trí ở ngân hàng với 9 năm gắn bó, tôi nhận ra rằng ở bất cứ vị trí nào cũng vậy, mình phải luôn sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống và áp lực khó khăn đến trong từng giây từng phút. Một khi đã yêu công việc, gắn bó với nghề, chính sự học hỏi và những kinh nghiệm thực tiễn sẽ giúp chúng ta thực hiện tốt công việc của mình. Với người khác có thể thành công là chức tước nọ địa vị kia, nhưng với tôi, khi làm tốt nhiệm vụ, có được sự tin tưởng của đồng nghiệp, khách hàng, góp phần giúp ngân hàng phát triển lành mạnh, tránh được rủi ro đã là thành công và vinh quang mãi mãi.

Châu Thị Phương Thảo - Sacombank Củ Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên